1. Cuộc gặp gỡ giữa cô giáo và nhóm phụ huynh chúng tôi bàn về nhiệm vụ cuối năm học của các con vừa kết thúc, chúng tôi nấn ná ở lại kể về niềm vui khi năm học cuối cấp tiểu học được gặp gỡ cô giáo chủ nhiệm tâm lý, tình cảm, nhiệt tình.
Đặc biệt cô đã cảm hóa và "thu phục" được một nam sinh cá tính trong lớp. Cậu bé đánh bạn thường xuyên, cãi lời cô giáo, xé sách vở, to tiếng với hầu hết bạn học, rủ rê hai bạn cùng lớp đánh hội đồng 1 nam sinh chỉ với lý do "thích thì đánh". Năm học mới bắt đầu, sau 3 tuần học tập nam sinh dần thay đổi tính nết. Cô chủ nhiệm kể hôm qua con cầm vở lên hỏi bài mà cô vui lạ lùng.
Chúng tôi được nghe câu chuyện ẩn đằng sau hành động "nổi loạn" của con. Gia đình đang hạnh phúc, mẹ con bỗng rơi vào tình cảnh nợ nần chất chồng bởi đầu tư tiền ảo trên mạng. Mẹ trốn vào miền Nam, bố ở lại cùng hai con. Áp lực nợ nần và nguy cơ gia đình tan vỡ khiến bố say triền miên, thường xuyên đánh đập con. Cuộc sống trở thành địa ngục. Con hư và có thể sẽ trượt dài, nếu không có bàn tay níu giữ và tình yêu thương của cô giáo.
|
Ảnh minh họa: Mom Junction |
2. Đồng nghiệp của tôi vừa kể về một mảnh ghép khác của học trò. Chị nhận chủ nhiệm lớp 9 vốn ngoan ngoãn và lễ phép. Nhưng rồi chị phát hiện một cặp đôi trong lớp yêu đương. Bọn trẻ chẳng ngần ngại thể hiện tình cảm trước đám đông.
Nỗi lo mơ hồ về những hệ lụy đáng tiếc sau tình yêu tuổi học trò khiến chị canh cánh trong lòng. Hết bóng gió chuyện yêu đương phải biết điểm dừng, đến lồng ghép vào giờ sinh hoạt tập thể để định hướng điều hay lẽ phải, rồi gặp gỡ riêng vẫn không ổn, chị quyết định gọi điện thoại cho mẹ cô bé để tìm giải pháp.
Rồi mảnh ghép gia đình bất ổn của con lật mở. Bố ngoại tình, có con riêng, bỏ mặc mẹ con cô bé. Mẹ đưa con về nhà ngoại nương nhờ, rồi gửi gắm con cho ông bà để mưu sinh nơi xa. Mỗi năm đôi ba lần về thăm, chẳng kịp bù đắp yêu thương và dõi theo hành trình lớn khôn của con trẻ…
3. Còn tôi từng muộn phiền mỗi khi nghĩ về cậu học trò lớp 8 một thời trượt dài trong lầm lỗi. Không đơn thuần là chuyện trốn học đi lêu lổng, bỏ học tham gia đua xe mà còn có tin đồn con dính dáng đến một dạng ma túy có tên cỏ Mỹ. Hỏi thì con bảo thấy một người bạn dùng "phê" lắm mà con chưa đụng vào. Nhưng tôi vẫn lo ngay ngáy khi con kề cận bạn xấu.
Tâm sự cùng con trên tin nhắn, tôi mới biết mỗi ngày con vẫn ăn cơm cùng đòn roi bởi người bố nóng tính, cộc cằn, thích dạy con bằng bạo lực. "Con muốn lớn thật nhanh để thoát ra khỏi căn nhà đó", "Con không thể cắt đứt với bạn đó, bạn là người cho con tiền mỗi lúc bị ba đánh trốn ra khỏi nhà"…
4. Người ta vẫn chăm chăm vào biểu hiện bên ngoài của một đứa trẻ để đánh giá, quy chụp, dán nhãn hư đốn, bất trị, cá biệt...
Có mấy ai chậm lại một chút để suy nghĩ tường tận điều cơ bản nhất: Phía sau một đứa trẻ hư là cả một thế giới bất ổn bao quanh.
Tâm sinh lý tuổi dậy thì làm nảy sinh vô vàn ảo tưởng về danh xưng "anh đại", "chị đại" rồi lầm tưởng về tình yêu, cách thoát ly gia đình…
Giai đoạn khủng hoảng trầm trọng trong cảm xúc, nhận thức, hành vi ấy nếu người lớn lơi lỏng sự quan tâm, thiếu định hướng đúng đắn, chẳng khác nào ta buông tay cho trẻ sa ngã, lạc lối để rồi đánh mất tương lai.