Tưởng chảy máu dạ dày hóa vỡ ĐMC
Ông Phạm Văn Hùng (66 tuổi ở Hưng Yên) sau 2 tháng mổ phồng ĐMC bị đau bụng dữ dội, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, huyết áp tụt, da xanh tái... Bệnh viện được chuyển cấp cứu vào viện với chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa nhưng nội soi tiêu hóa không thấy tổn thương. Khi chụp CT đa cắt lớp thấy máu tụ do vỡ động mạch chủ vào tá tràng. Trong phòng hồi sức bệnh nhân hạ huyết áp đột ngột, tim suy sắp ngừng đập, bệnh nhân hôn mê... Chẩn đoán khối phồng vỡ to, để cứu bệnh nhân không còn cách nào khác các bác sĩ đã phải can thiệp gấp không kịp gây tê, đặt thẳng stent graft vào bít khối phồng vỡ. Sau 10 ngày bệnh nhân ổn định và ra viện. Tái khám sau 1 tháng bệnh nhân hoàn toàn khoẻ mạnh.
|
Ca can thiệp stent graft tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E. |
ThS Phan Thảo Nguyên, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cho biết, nếu chỉ chậm vài ba phút chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong. Bởi động mạch chủ C bụng là mạch máu lớn, cung cấp máu cho phần bụng, vùng chậu và 2 chân. Phình ĐMC bụng là sự suy yếu một đoạn thành ĐMC dẫn đến giãn bất thường với đường kính > 50% đường kính bình thường. Phình ĐMC bụng có thể hình thành ở bất cứ người nào, nhưng thường gặp nhất ở nam trên 60 tuổi. Túi phình phát triển từ từ trong nhiều năm và không gây ra triệu chứng rõ rệt. Khi túi phình rách, vỡ, bệnh nhân sẽ thấy đau bụng hoặc đau phía sau lưng, lan xuống bẹn mông và chân; bụng gồng cứng; lo âu; buồn nôn và nôn; toát mồ hôi; tim đập nhanh ở tư thế đứng; sốc; khối u ở bụng... Tiên lượng tốt nếu phình động mạch được chữa bởi một bác sĩ phẫu thuật nhiều kinh nghiệm trước khi có biến chứng vỡ. Khi vỡ túi phình ĐMC bụng, tỷ lệ sống sót thấp và đặc biệt phồng ĐMC bụng thường gây các biến chứng nguy hiểm như vỡ ĐMC, sốc giảm thể tích, thuyên tắc động mạch, suy thận, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, bóc tách ĐMC... Trong số những bệnh nhân vỡ ĐMC bụng sống sót đủ lâu để được điều trị, có khoảng 40 - 50% qua được cuộc mổ và tỷ lệ sống sót toàn bộ ít hơn 25%. Trong khi đó, bệnh nhân Hùng mới phồng ĐMC bụng cách đây 2 tháng, bệnh nhân mất máu nặng, suy tim nên không thể tiếp tục phẫu thuật được. Cứu sống được tính mạng bệnh nhân trong gang tấc là một kỳ tích mà trước đó đội ngũ bác sĩ không dám hy vọng.
Giảm nhiều biến chứng do mổ mở
ThS Phan Thảo Nguyên cho biết, trước đây, giải pháp điều trị phình ĐMC là phẫu thuật (thay đoạn mạch bị phình tách bằng một mạch nhân tạo). Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong khi áp dụng phương pháp này còn khá cao và có thể gây nhiều biến chứng như chảy máu, nhiễm khuẩn, tổn thương thận và ruột... sau mổ. Kỹ thuật đặt stent graft (một giá đỡ được làm bằng kim loại đặc biệt có phủ màng bọc) vào ĐMC là một kỹ thuật ít xâm lấn, bệnh nhân không phải chịu đựng một cuộc đại phẫu, không phải gây mê, giảm thiểu nguy cơ rủi ro và người bệnh sớm được ra viện. Các bác sĩ tiến hành đưa stent graft qua động mạch đùi 2 bên lên ĐMC bụng. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ, hoàn toàn tỉnh táo và rất hợp tác với bác sĩ trong quá trình can thiệp. Ca can thiệp diễn ra trong khoảng hơn 1 giờ (mổ phanh kinh điển trung bình từ 3 - 4h). Ngay sau can thiệp, mạch, huyết động của bệnh nhân ổn định.
ThS Phan Thảo Nguyên khuyên, phình ĐMC là bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong rất cao (80%) khi có biến chứng vỡ khối phồng. Ở Việt Nam, số bệnh nhân phình, vỡ ĐMC được phát hiện ngày càng nhiều. Bệnh hay gặp ở những người có thói quen hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, do bất thường về gene, do nhiễm khuẩn hoặc do chấn thương... Nguy hiểm của bệnh là gây thiếu máu cho toàn bộ cơ thể khiến các cơ quan bị suy yếu, gây thiếu máu não, tủy, vàng da do vỡ hồng cầu, huyết khối. Tuy nhiên, phần lớn ca bệnh gần như không có triệu chứng. Bệnh nhân chỉ được phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng, chụp phim tim phổi. Vì vậy, những người có nguy cơ nên đi kiểm tra để phát hiện sớm và điều trị phồng ĐMC, tránh tình trạng vỡ gây nguy hiểm cho tính mạng.
Mời quý độc giả xem video tai biến y khoa (nguồn VTV):