Theo các bác sĩ, với ca này, nếu cấp cứu không kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.
Mặt biến dạng vì nhiễm khuẩn phần mềm lan tỏa
Bệnh nhân là nam giới (55 tuổi ở Hà Nội) vào viện vì sưng một bên mặt và có biểu hiện khó thở. Bệnh nhân có tiền sử bị bệnh gút, uống rượu thường xuyên. Một tuần nay, bệnh nhân thấy mệt mỏi, cùng ngày thấy sưng nhiều một bên mặt, thở nặng nhọc, đến tối được gia đình đưa đi cấp cứu.
Ngay khi bệnh nhân nhập viện, các nhân viên y tế đã chứng kiến một sự biến dạng mặt nhanh chóng trong vòng 5 - 10 phút, từ mặt trái sưng, có xu hướng lan sang phải và xuống cổ. Ê kíp trực đã quyết định bóp bóng ambu oxy, đồng thời xác định đặt nội khí quản sẽ khó, việc mở khí quản được chuẩn bị tại giường như một giải pháp thay thế nếu nội khí quản thất bại.
Quả nhiên, sau 1 - 2 lần đặt ống nội khí quản khó khăn, kíp cấp cứu gồm các bác sĩ cấp cứu, tai mũi họng, răng hàm mặt nhanh chóng mở khí quản cấp cứu (rạch một đuờng ngang giữa cổ để bộc lộ khí quản, đặt một ống thở vào) để khai thông đường thở cho bệnh nhân.
Mọi việc diễn ra rất khẩn trương. Bệnh nhân được dùng kháng sinh ngay và đẩy thẳng lên phòng mổ để mổ bộc lộ, dẫn lưu áp xe tránh áp xe lan rộng xuống cổ và ngực (trung thất). Dịch áp xe chảy ra là một màu đen và nặng mùi như... nước sông Tô Lịch. Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị ở phòng hồi sức.
|
Các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang cấp cứu cho bệnh nhân. |
Theo TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân trên bị nhiễm khuẩn phần mềm lan tỏa vùng đầu mặt cổ, hoại thư sinh hơi là giai đoạn cuối. Bệnh nhân trên có thể sẽ còn phải mổ vài lần nữa, mục đích là dẫn lưu ổ nhiễm trùng. Dù được cấp cứu qua cơn nguy kịch ban đầu, nhưng tiên lượng bệnh nhân ra sao chưa thể nói trước được, vì còn tùy thuộc vào khả năng đáp ứng của cơ thể.
Cảnh giác với viêm răng, nhiễm trùng da mặt, vùng sàn miệng...
Theo TS Hoàng Bùi Hải, nhiễm khuẩn phần mềm lan tỏa vùng đầu mặt cổ rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nhanh chóng. Bệnh có liên quan đến việc nhiễm trùng vùng sàn miệng, hầu họng, kể cả là nhiễm trùng da mặt. Bệnh nhân bị gút nói riêng, có bệnh mạn tính khác nói chung... thường phải dùng nhiều thuốc điều trị nên cơ thể cũng bị suy giảm miễn dịch. Vì vậy, đối tượng này càng phải chú ý vệ sinh sạch sẽ, tránh để nhiễm trùng. Có ổ nhiễm trùng mà “giữ” đến hằng tuần không đi chữa, khi bệnh nặng lên, diễn biến sẽ vô cùng nhanh.
Diễn tả về điều này, TS Hoàng Bùi Hải cho hay, giống như ta thổi quả bóng. Mới đầu thổi thấy nặng, sau đó sẽ thấy nhẹ nhàng hơn. Ở đây, mới đầu vi khuẩn hoạt động âm thầm, sau đó bóc tách các khoang, di chuyển nhanh chóng và tấn công toàn diện...
TS Phạm Như Hải, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba cho biết, anh cũng đã gặp nhiều trường hợp nhiễm khuẩn phần mềm lan tỏa vùng đầu mặt cổ; nhiều trường hợp được cứu sống và cũng không ít trường hợp không cứu được. Điều đáng nói là rất nhiều trường hợp nhiễm khuẩn phần mềm lan tỏa vùng đầu mặt cổ do răng bị viêm mà không được xử lý. Mới đầu chỉ là viêm răng, sau đó chuyển sang viêm xương, nhiễm trùng phần mềm. Vi khuẩn kỵ khí phát triển nhanh chóng trong 24h, nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong.
Để cứu được bệnh nhân nhiễm khuẩn phần mềm lan tỏa, bác sĩ cũng cần có kinh nghiệm. Ở những nơi không có kinh nghiệm, rất có thể sẽ chần chừ khi xử lý, cho rằng chưa có gì đáng ngại. Thực ra, người có kinh nghiệm, chỉ cần sờ da thấy lép xép kèm khó thở... có thể sẽ phải rạch ngang cổ ngay lập tức, mục đích để ngăn vi khuẩn không xuống vùng trung thất và các bước cấp cứu tiếp theo cũng phải rất kịp thời.
Theo các chuyên gia, để phòng bệnh, mọi người phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ, hạn chế uống rượu, bia, giữ da mặt sạch (không để viêm vùng chân lông, không nặn mụn...). Nếu có ổ viêm, nhiễm trùng, phải đi khám ngay, tránh trường hợp viêm lan tỏa. Người có bệnh mạn tính, cơ địa sức khoẻ yếu càng phải chú ý điều này.
Mời quý độc giả xem video Tai biến y khoa và trăn trở của thầy thuốc (nguồn VTV);