Đồng thời, các bác sĩ cũng tiến hành chỉnh thẳng niệu đạo bị đứt và di lệch xa qua hướng dẫn của máy nội soi mềm, giảm nguy cơ hẹp niêu đạo về sau cho bệnh nhân.
Đau hơn 10 giờ vì bí tiểu do tổn thương niệu đạo
Ngày 18/9, trong khi đang đứng tựa lưng vào một chiếc ghe để hướng dẫn công nhân làm việc, anh N.C.C (31 tuổi ở Tiền Giang) bị một chiếc ghe khác đang di chuyển bất ngờ tiến tới làm anh không tránh kịp và bị ép chặt, mắc kẹt giữa 2 chiếc ghe. Tai nạn này gây chèn ép xương chậu, xé khớp mu, làm rách niệu đạo sau của nạn nhân. 16 tiếng sau thời điểm tai nạn, nạn nhân được đưa đến Bệnh viện Bình Dân TPCHM trong tình trạng bí tiểu, bàng quang căng tức và có máu sậm màu chảy ra tại miệng niệu đạo. Trước đó, bệnh nhân đã được đặt ống thông tiểu qua niệu đạo tại một bệnh viện khác nhưng thất bại.
ThS BS Đỗ Lệnh Hùng, Trưởng Đơn vị Tạo hình Niệu đạo, Bệnh viện Bình Dân TPHCM, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: Việc đặt thông tiểu khi niệu đạo bị chấn thương là chống chỉ định vì có nguy cơ đầu ống thông tiểu đâm vào khu vực tổn thương khiến niệu đạo đang trong tình trạng rách bán phần sẽ bị gây rách toàn phần, đẩy 2 đầu niệu đạo bị rách cách xa nhau. Thực tế, trong trường hợp bệnh nhân C., ống thông tiểu được đặt mù (không có hướng dẫn nội soi) đã không đi vào bàng quang mà đi vào vùng máu tụ do niệu đạo vỡ, vô tình đưa vi trùng vào khu vực này, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Xử trí cấp cứu ban đầu đối với những trường hợp này là phải mở bàng quang, không đặt ống thông tiểu qua ngả niệu đạo để tránh những tổn thương đáng tiếc và gây khó khăn trong điều trị về sau.
|
BS Đỗ Lệnh Hùng đang thăm khám cho bệnh nhân N.C.C. |
30 phút “giải cứu” người bệnh với máy nội soi mềm
Trong lúc mở bàng quang ra thành bụng để thông tiểu cho bệnh nhân, các bác sĩ cũng đưa máy nội soi niệu đạo mềm qua đường cổ bàng quang xuống niệu đạo, tìm được đầu niệu đạo đã bị di lệch cách xa nhau và chỉnh thẳng, làm áp sát hai đầu niệu đạo đứt rời lại gần nhau. Kỹ thuật được thực hiện trong điều kiện vô trùng của phòng mổ này giúp giảm được 30 - 40% nguy cơ hẹp niệu đạo, một bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng chức năng tiểu tiện của bệnh nhân và nguy cơ hiếm muộn do tinh dịch không có đường thoát ra. Trong trường hợp bệnh nhân có diễn tiến hẹp niệu đạo về sau thì việc 2 đầu niệu đạo đã được chinh thẳng hàng, áp sát nhau cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phẫu thuật tạo hình niệu đạo để điều trị bệnh lý này.
BS Đỗ Lệnh Hùng cho biết thêm: Khi 2 đầu niệu đạo đứt xa nhau nếu không có sự hướng dẫn của máy soi niệu đạo mềm thì không thể đặt ống thông tiểu qua niệu đạo chính xác được. Đây là thiết bị máy hiện đại mà không phải bệnh viện nào cũng được trang bị. Máy soi niệu đạo ống mềm, kích thước nhỏ (5,3mm), uốn cong được các góc cong tự nhiên của cơ thể tránh cho bệnh nhân khỏi nguy cơ đau đớn và nguy cơ tổn thương niệu đạo như máy nội soi niệu đạo bàng quang cứng, vốn là một ống kim loại có đường kính khoảng 9mm.
Toàn bộ phẫu thuật diễn ra chỉ trong khoảng 30 phút nhưng có thể giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ bị hẹp niệu đạo và phải chịu ca phẫu thuật nội soi tạo hình niệu đạo về sau, giải quyết nhanh tình trạng bí tiểu và những nguy cơ kèm theo. Hiện bệnh nhân không còn chướng tức bụng và đang hồi phục tốt. Bệnh nhân sẽ được rút ống thông tiểu sau 3 tuần và thực hiện xét nghiệm kiểm tra lại chức năng của niệu đạo.
Mời quý độc giả xem video về tai biến y khoa (nguồn VTV):