Cứu bệnh nhân nguy kịch vì ong nghệ đốt

Google News

(Kiến Thức) - Chỉ với vết ong nghệ đốt duy nhất phía trên mi mắt phải, nạn nhân bị sốc phản vệ.

Khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, nạn nhân ở trong tình trạng nguy kịch, máu trào ra từ ống nội khí quản, tổn thương phổi, suy hô hấp nặng, buộc các bác sĩ phải thực hiện kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) để duy trì sự sống.
BS Trần Thanh Linh, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, bệnh nhân Phan Thị Bích Loan, sinh năm 1998, quê ở ấp 2, xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) được chuyển đến bệnh viện lúc 2 giờ sáng ngày 7/7/2016 trong tình trạng tím tái, vật vã, huyết áp thấp, mạch nhanh, oxy máu thấp, huyết áp tụt, máu trào ra từ ống nội khí quản, tổn thương phổi, suy hô hấp khá nặng.
Cuu benh nhan nguy kich vi ong nghe do
 
BS Trần Thanh Linh cho biết thêm: “Do bệnh nhân này bị tổn thương phổi rất nặng, phổi mất chức năng hô hấp nên việc thở máy không thể kiểm soát được tình trạng hô hấp. Người nhà buông xuôi, quyết định đưa nạn nhân về vì không có khả năng chi trả số tiền viện phí khổng lồ. Rất không may, bảo hiểm y tế của em học sinh vừa thi tốt nghiệp THPT này lại hết hạn vào tháng 5/2016. Trước hoàn cảnh đó ngặt nghèo đó, lại thấy nạn nhân còn quá trẻ, còn một tương lai rộng mở phía trước, các bác sĩ điều trị đã liên lạc với Ban Giám đốc bệnh viện và nhận được chỉ đạo: Cứu bệnh nhân trước, chi phí điều trị sẽ tính sau. Khoảng gần 7 giờ sáng ngày 7/7, ê kíp các bác sĩ đã đặt kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể ECMO cho bệnh nhân”.
Sau 7 ngày sử dụng phương pháp ECMO, tình trạng hô hấp của bệnh nhân đã được cải thiện, huyết áp ổn định, chức năng phổi phục hồi tốt. Đến chiều ngày 12/7, bệnh nhân không còn phải nhờ tới máy ECMO, rút được ống thở và chỉ phải thở oxy qua mặt nạ mark.
Giải thích về việc bệnh nhân chỉ bị một con ong nghệ bình thường đốt mà dẫn tới sốc phản vệ và tổn thương phổi trầm trọng đến mức suýt mất mạng, BS Trần Thanh Linh giải thích: “Bệnh nhân có cơ địa dị ứng, người nhà cho biết bình thường em cũng hay dị ứng thức ăn. Với người bình thường thì tùy vào độc tính của loại ong và số lượng vết đốt (thường phải trên 50 vết đốt) mới có nguy cơ gây độc, tổn thương cơ quan nặng... nhưng ở trường hợp này, nạn nhân có cơ địa dị ứng nên chỉ với một vết đốt duy nhất đã có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Mời quý độc giả xem video Tai biến y khoa (nguồn VTV):
Trần Nhung

Bình luận(0)