Cứu bệnh nhân bị thương do nổ đầu đạn

Google News

(Kiến Thức) -2 ngày sau tai nạn kinh hoàng, cả hai nạn nhân trong ca nổ đầu đạn tại Đăk Lăk đã tỉnh táo và tiếp tục được các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM theo dõi điều trị.

Cha mất tay, con phải đoạn chân
Chiều ngày 4/9, nạn nhân Bùi Viết Thuần (58 tuổi) và con rể là Lê Hoàng Giang (37 tuổi) cùng đi cuốc đất trồng điều tại một mảnh rẫy xã Yang Réh, huyện Krông Bông, Đăk Lăk. Theo lời ông Thuần kể lại thì cuốc được vài nhát, lưỡi cuốc chạm một vật cứng, sau đó ông không còn biết gì cho đến khi tỉnh lại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk. Do bất tỉnh ngay lúc quả mìn phát nổ, ông Thuần cũng không biết rằng con rể mình là anh Giang cũng là nạn nhân vì vừa đứng cách ông chỉ khoảng vài mét, đúng ngay thời điểm ông cuốc phải vật cứng phát nổ.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk, các nạn nhân được xử lý sơ cứu với dịch truyền, kháng sinh, cầm máu... và chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM rạng sáng ngày 5/9. BS Nguyễn Như Hậu, Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, bác sĩ điều trị của hai bệnh nhân cho biết: Hai bệnh nhân chuyển đến bệnh viện trong tình trạng đa chấn thương.
Cuu benh nhan bi thuong do no dau dan
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân Lê Hoàng Giang tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. 
Cụ thể, bệnh nhân Thuần bị dập nát bàn tay trái, các ngón tay không còn hình dạng. Tay phải ông Thuần bị dập nát ngón 1 và 2. Chân trái gãy hở, lộ xương các ngón chân. Bệnh nhân được chỉ định cắt cụt 1/3 cẳng tay trái, cắt lọc bỏ mô và cơ bị dập nát của bàn tay phải và xuyên kim cố định ngón tay, cắt lọc bàn chân trái và cố định xương chân bị gãy.
Bệnh nhân Lê Hoàng Giang nhập cấp cứu trong tình trạng chân trái nẹp gỗ, dập nát phần cơ và xương gãy nát nhiều mảnh, có dị vật đất cát trong vết thương. Cổ bàn chân trái mất cảm giác hoàn toàn, các ngón chân tím lạnh. Vì vết thương quá nặng, các bác sĩ buộc phải đoạn 1/3 dưới chân trái. Bệnh nhân còn có vết thương ở ngực nhưng sau hội chẩn ngoại lồng ngực các bác sĩ xác định vùng tổn thương này không nghiêm trọng.
Theo dõi sát tránh nguy cơ nhiễm trùng
BS Nguyễn Như Hậu đánh giá 2 ca phẫu thuật kịp thời đoạn chi, cứu tính mạng bệnh nhân, tránh những biến chứng do nhiễm trùng, mất máu đã thành công, các vết thương của nạn nhân có dấu hiệu hồi phục tốt. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị hơn những ca phẫu thuật thông thường khác. Lý do là vì các vết thương do bom, mìn khiến cơ thể bị tổn thương, dập nát nhiều tổ chức nên khó điều trị, có nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử cao.
BS Nguyễn Như Hậu cho hay: “Sắp tới, bệnh nhân sẽ được chuyển đến các bệnh viện chuyên về phục hồi chức năng để lắp chân tay giả”. Các tay chân giả này mang tính thẩm mỹ là chính, sau tai nạn này, bệnh nhân không thể tiếp tục với công việc làm rẫy nương như trước đây được nữa.
BS Nguyễn Như Hậu cho biết thêm: Hầu hết các nạn nhân của đầu đạn, bom, mìn được chuyển đến bệnh viện cư trú ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Bác sĩ cũng khuyến cáo cộng đồng khi gặp phải những tai nạn do hỏa khí tương tự thì không nên để bệnh nhân tại nhà để chạy chữa vì các hỏa khí khi phát nổ thường gây đa chấn thương, gẫy xương nhiều vùng mà nếu không có chuyên môn không thể đánh giá được, đồng thời cần phải nhanh chóng đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế để được sơ cứu đúng cách và chuyển viện lên tuyến trên, tránh cho bệnh nhân nguy cơ tử vong do đa chấn thương và nhất là hoại tử nhanh chóng các chi.
Mời quý độc giả xem video về tai biến y khoa (nguồn VTV):
Quế Chi

>> xem thêm

Bình luận(0)