Cô dâu 12 tuổi Mã Phán Diệm quê ở thôn Kim Hoa, huyện Vu Sơn (Trùng Khánh, Trung Quốc), từng có một tuổi thơ khá êm đẹp. Bố cô là ông Mã Chính Bình từng giữ chức bí thư của thôn; nhà có ba chị em gái sàn sàn tuổi nhau, Mã Phán Diệm là cô chị thứ hai, cuộc sống ở một thôn miền núi không lấy làm dư giả, sung sướng nhưng cũng no đủ, yên bình.
Đột nhiên, ông của Mã Phán Diệm phát bệnh thần kinh bị cắt chức. Bị bệnh lại chỉ quanh quẩn ở nhà, ông Mã ngày càng trở nên điên cuồng, thường xuyên đánh đập vợ con. Mẹ Mã Phán Diệm bị bố đánh đập lâu ngày cũng mắc chứng tâm thần phân liệt. Trong một lần bị bạo hành, mẹ của Mã Phán Diệm đã lấy cán cuốc đánh chết bố cô nhưng vì bị tâm thần phân liệt, lại có ba con nhỏ nên được miễn án.
Mẹ Mã Phán Diệm đưa ba chị em đến nương nhờ nhà bác ruột là ông Mã Chính Tùng, không bao lâu sau thì bà cũng ra đi, để lại ba chị em côi cút. Người bác ruột cũng nhẫn tâm, coi các cháu như gánh nặng. Ba chị em Mã Phán Diệm không được đi học, bao nhiêu việc nặng nhọc trong nhà còn phải cáng đáng hết, còn thường xuyên không được ăn no.
Ở nhà bác chưa được 1 năm, cô chị cả Mã Phán Trân mới 13 tuổi đã bị gả chồng, ông bác Mã Chính Tùng thu về một khoản tiền “bán” cháu kha khá. Năm 2000, Mã Phán Diệm mới 12 tuổi cũng bị gả bán cho một người đàn ông 29 tuổi tên Trần Học Sỹ với giá 7000 NDT (gần 24 triệu VNĐ) và 250kg gạo.
Mùa hè năm 2000, Mã Phán Diệm theo Trần Học Sỹ đến Phúc Kiến làm thuê, bị Trần Học Sỹ ép buộc làm chuyện vợ chồng. Mã Phán Diệm phản kháng thì bị đánh đập thậm tệ. Sau vì Mã Phán Diệm nhỏ tuổi quá không xin được việc, Trần Học Sỹ gửi trả về cho nhà Mã Chính Tùng. Mã Phán Diệm kể chuyện bị bạo hành. Mã Chính Tùng đưa cô đến công an giám định, nhưng công an sau khi biết bác cô đã gả bán cô cho nhà họ Trần thì không can thiệp.
Nửa năm sau, Trần Học Sỹ trở về đón Mã Phán Diệm, giam lỏng cô trong nhà họ Trần, cấm không cho đi quá nhà 100m, đến đi vệ sinh cũng có người giám sát. Trần Học Sỹ tiếp tục đi làm thuê xa nhà, còn Mã Phán Diệm ở nhà phải lo toan việc đồng áng. Năm 2002, Mã Phán Diệm 14 tuổi sinh con gái đầu lòng. Sinh con khi còn quá trẻ nên cô bị khó sinh, suýt chút nữa thì mất mạng.
Đến năm 2007, 19 tuổi, Mã Phán Diệm sinh con trai. Từ ngày bị bán làm vợ người cho đến trước khi sinh con trai, Mã Phán Diệm từng bỏ trốn 3 lần nhưng đều không thành, bị nhà chồng bắt lại và đánh đập dã man. Sau khi Mã Phán Diệm sinh được con trai, có cháu đích tôn, nhà học Trần thoải mái với Mã Phán Diệm hơn. Hơn nữa, họ nghĩ hai đứa trẻ đủ để giữ chân Mã Phán Diệm, cô sẽ không bỏ đi nữa. Vì thế, sau một năm sinh con trai, Mã Phán Diệm được nhà chồng cho theo chồng đi xa làm thuê. Tưởng cuộc sống đã dễ thở hơn, nhưng thực tế Mã Phán Diệm chỉ chuyển từ địa ngục này sang địa ngục khác. Trước đây ít có thời gian ở cùng nhau nên Mã Phán Diệm không biết chồng mình lại là người ghen tuông mù quáng và vũ phu như vậy. Ngày nào Mã Phán Diệm cũng phải chịu đòn roi vô cơ của chồng, khắp người cô vết thương mới cũ chằng chịt. Mã Phán Diệm không chịu nổi, bỏ xuống Quảng Đông làm thuê.
Đi làm thuê bên ngoài 8 năm, Mã Phán Diệm xinh đẹp, nết na nên có không ít người theo đuổi. Cuộc sống nhiều đau khổ khiến Mã Phán Diệm tưởng chừng đã chai sạn với tình cảm, nhưng cuối cùng cũng có người khiến cô phải động lòng. Năm 2011, Mã Phán Diệm quay về nhà họ Trần muốn ly hôn, nhà họ Trần không đồng ý, còn tức tốc gọi con trai về “dạy dỗ lại” vợ. Sợ sa chân vào địa ngục lần nữa, Mã Phán Diệm vội vã trốn đi, biền biệt 5 năm cũng không dám quay về.
Năm 2015, Mã Phán Diệm vô tình quen được một luật sư. Sau khi biết Mã Phán Diệm trước đây cưới xin không có hôn thú, là hôn nhân không hợp pháp, luật sư này đã khuyến khích Mã Phán Diệm dũng cảm đứng lên giải thoát cho chính mình.
Mã Phán Diệm đồng thời đâm đơn xin ly hôn và đơn kiện chồng tội ấu dâm ra tòa, đồng thời đòi nhà chồng phải bồi thường tuổi thanh xuân cho cô. Trần Học Sỹ không những không chịu đền bù, còn đòi Mã Phán Diệm phải đưa 100.000 NDT (khoảng 350 triệu VNĐ) phí nuôi con mới đồng ý ly hôn. Phiên tòa vẫn đang trong thời gian xét xử. Mọi người đều hy vọng “cô dâu 12 tuổi” đáng thương này sớm đòi lại được công lý cho mình.