Trong cuộc họp chiều nay, Cục trưởng An toàn thực phẩm (ATTP) Nguyễn Thanh Phong bất ngờ nhận được cuộc điện thoại tư vấn, người gọi tự nhận là nhân viên phân phối sản phẩm giảm cân Bà Dung. Cơ sở có trụ sở tại Chương Mỹ, Hà Nội.
Nữ nhân viên tư vấn liến thoắng hỏi chiều cao cân nặng của khách hàng. Sau khi khách hàng “khai” cao 1,7m, nặng 85kg, cô nhân viên tư vấn có thể giảm được 15kg trong thời gian ngắn để có cơ thể cân đối hơn.
Khi ông Phong hỏi cơ sở do ai cấp giấy phép, cô nhân viên khẳng định sản phẩm giảm cân Bà Dung đã được ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Cục trưởng ATTP tiếp tục truy: “Cô có biết sản phẩm giảm cân Bà Dung đã bị thu hồi giấy phép lưu hành?”, cô nhân viên trả lời: “Không, sản phẩm bên em vẫn bán bình thường, có giấy phép đầy đủ”.
Ngay sau đó ông Phong nói rõ với nhân viên tư vấn rằng đang nói chuyện với Cục trưởng ATTP và Cục chưa cấp phép cho sản phẩm giảm cân Bà Dung tại địa chỉ Chương Mỹ, Hà Nội. Ngay lập tức, đầu dây bên kia tắt máy.
Ông Phong khẳng định, vào năm 2017, Cục có cấp phép cho sản phẩm giảm cân Bà Dung cho một công ty có địa chỉ tại Đống Đa, Hà Nội. Tuy nhiên vào tháng 6/2018, công ty này đã gửi thông báo đến Cục ATTP về việc ngừng sản xuất vĩnh viễn sản phẩm này, do đó Cục đã thu hồi giấy phép lưu hành sản phẩm.
“Vì vậy, sản phẩm giảm cân Bà Dung hiện đang bán trên thị trường là giả. Người dân cần hết sức thận trọng khi đọc hoặc nghe những thông tin quảng cáo về sản phẩm này”, ông Phong nhấn mạnh.
Để kiểm tra sản phẩm đã được cấp phép hay chưa, người dân có thể vào website của Cục ATTP để rà soát.
Hiện tại, sản phẩm giảm cân đông y gia truyền Bà Dung đang được rao bán trên nhiều website cũng như nhiều page Facebook. Sản phẩm này được quảng cáo làm từ các thành phần thiên nhiên như nụ vối, lá sen, chè vằng, tinh nghệ... có thể giúp giảm 3-5kg/tháng, thậm chí 7kg/tháng.
Để kiểm soát các sản phẩm thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng, ông Phong cho biết, từ tháng 7/2019, theo quy định mới, tất cả các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đạt chứng nhận GMP. Theo đó cả nước sẽ chỉ có khoảng 200-300 doanh nghiệp đạt chứng nhận này.