Sụt cân, chướng bụng sau ăn đi khám phát hiện ung thư đại tràng
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa thực hiện phẫu thuật nội soi cắt đại tràng kèm nạo vét hạch cho cụ ông 72 tuổi bị ung thư đại tràng, đồng thời áp dụng phương pháp phục hồi sớm sau phẫu thuật ERAS, giúp người bệnh giảm đau đớn, hồi phục nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện.
Bệnh nhân là Bùi Sỹ T. (72 tuổi) trú tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, ở nhà xuất hiện mệt mỏi, gầy sút cân kèm chướng bụng sau ăn. Đi khám tại Trung tâm y tế tuyến dưới sau nội soi đường tiêu hóa phát hiện khối u đại tràng nên được chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều trị.
Kết quả sinh thiết cho thấy đây là ung thư đại tràng phải. Đánh giá người bệnh tuổi cao sức yếu, vì vậy các bác sĩ khoa Ngoại hội chẩn quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi cắt đại tràng, đồng thời áp dụng phương pháp phục hồi sớm sau phẫu thuật ERAS.
Kíp phẫu thuật khoa Ngoại do BSCKII Phạm Việt Hùng – Ths Đào Văn Minh cùng các cộng sự, phối hợp với bác sĩ Vũ Văn Thức khoa Gây mê hồi sức thực hiện. Qua đường rạch nhỏ ở ổ bụng, phẫu thuật viên tiến hành thắt các mạch máu trung tâm, sau đó dùng dụng cụ nội soi cắt đoạn đại tràng phải có chứa khối u.
Kíp mổ tiếp tục nạo vét hạch xung quanh kỹ càng và khâu nối lại ruột để tái lập đường tiêu hóa bằng các dụng cụ cắt nối nội soi, không đặt dẫn lưu ổ bụng. Kíp bác sĩ khoa Gây mê hồi sức thực hiện gây tê giảm đau ở vết mổ. Sau 2 tiếng phẫu thuật, ca mổ diễn ra thuận lợi, an toàn.
Kíp bác sĩ khoa Ngoại thực hiện phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải chứa u kèm nạo vét hạch.
Chăm sóc hậu phẫu, bệnh nhân được thực hiện giảm đau đa mô thức, truyền dịch vừa đủ tránh rối loạn nước - điện giải. Điều dưỡng đã hướng dẫn người bệnh ăn uống sớm với đồ mềm ngay từ ngày thứ nhất sau mổ để kích thích nhu động ruột, khuyến khích vận động sớm bằng việc ngồi dậy và tập đi lại.
Dù trải qua cuộc đại phẫu nặng nề, song nhờ phương pháp phục hồi sớm ERAS, sức khỏe bệnh nhân T. tiến triển tích cực nhờ dinh dưỡng đầy đủ, tiêu hóa tốt, vết mổ khô. Hiện sau 2 ngày, bệnh nhân đã đi lại và ăn uống bình thường, dự kiến người bệnh sẽ xuất viện trong thời gian ngắn.
Kỹ thuật tiên tiến đi kèm chăm sóc tốt giúp người bệnh phục hồi nhanh
BS.CKII Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Với mong muốn giúp bệnh nhân cao tuổi bị ung thư được điều trị bệnh triệt để, vừa đảm bảo phục hồi tốt sau mổ, chúng tôi quyết định phẫu thuật nội soi thay vì mổ mở để cắt đại tràng kèm u và nạo vét hạch kỹ càng, giúp người bệnh đỡ đau đớn hơn với vết mổ nhỏ, ít mất máu, hạn chế nguy cơ tái phát.
Cùng với đó là việc kết hợp phương pháp ERAS phục hồi sớm sau mổ, như: sử dụng kháng sinh dự phòng trước mổ, không nhịn ăn quá lâu để giảm thiểu phản ứng của cơ thể, không đặt các ống sonde dẫn lưu ổ bụng giúp người bệnh có thể ăn và tập vận động sớm mà không bị vướng víu, kiểm soát tốt cơn đau bằng giảm đau đa mổ thức…
Bệnh nhân sau mổ cắt ung thư đại tràng ngày thứ 3 đã đi lại, ăn uống tốt.
Với sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên khoa: Gây mê hồi sức, Dinh dưỡng, Dược lâm sàng, Phẫu thuật ngoại khoa cùng sự chăm sóc của điều dưỡng mà người bệnh cao tuổi dù thực hiện phẫu thuật cắt đại tràng nặng nề song vẫn phục hồi trong thời gian ngắn, góp phần nâng cao chất lượng điều trị người bệnh”.
Với việc phối hợp triển khai các kỹ thuật điều trị hiện đại, ít xâm lấn cùng phương pháp phục hồi sớm sau mổ đã đảm bảo mang đến hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh ung thư, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh.
Ung thư đại tràng là một trong các bệnh ung thư phổ biến thứ 2 trên thế giới. Ung thư đại tràng được chẩn đoán bằng nội soi dạ dày – đại tràng ống mềm và sinh thiết tổn thương để làm giải phẫu bệnh. Cho tới nay, phẫu thuật cắt đại tràng vẫn là lựa chọn tối ưu khi khối u còn khả năng cắt bỏ. Các biện pháp khác như: hóa chất, miễn dịch, xạ trị... được coi là những phương pháp điều trị hỗ trợ tùy thuộc vào tình trạng người bệnh và giai đoạn bệnh.
Giai đoạn đầu, bệnh có tiến triển thầm lặng và hầu như không có triệu chứng sớm nên rất khó phát hiện. Ở giai đoạn muộn, hầu hết người bệnh sức khỏe suy kiệt và không ăn uống được nên rất khó áp dụng các phương pháp điều trị triệt để. Do đó tầm soát sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng với tỷ lệ điều trị thành công có thể lên đến hơn 90%.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân từ 40 tuổi nên kiểm tra nội soi đường tiêu hóa 5 năm/lần, sau 50 tuổi thực hiện tầm soát 3 năm/lần và trên 60 tuổi là 1 năm/lần, nhất là với những trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao, để sớm phát hiện ra các bệnh lý ung thư nguy hiểm, gia tăng cơ hội sống cho chính bản thân mình.