Theo Bộ Y tế, năm 2017, số vụ ngộ độc rượu tăng đột biến với 115 người phải nhập viện và 11 người tử vong. Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi trên thực tế, còn có rất nhiều người mắc các bệnh mạn tính liên quan đến rượu, bia. Tính riêng tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm điều trị hơn 2.000 bệnh nhân xơ gan do lạm dụng rượu, bia và dự báo số ca nhập viện có xu hướng tăng đột biến trong dịp gần Tết Nguyên đán.
Sau nhiều lần ăn nhậu mừng thành tích của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam, anh Phan Trọng Tâm, 46 tuổi ở thành phố Vinh, Nghệ An đã phải nhập viện điều trị bệnh viêm tụy và viêm gan. Cách đây 8 năm, anh Tâm từng điều trị thủng dạ dày sau một tuần uống rượu liên tục.
|
Uống rượu đạt chuẩn cũng bị ngộ độc.
|
Anh Phan Trọng Tâm cho hay: “Tôi đã uống rượu 20 năm, gần như tuần nào cũng có cuộc nhậu, 3 người uống 2 lít rượu. Tụy bị hỏng một phần, gan cũng bị to và bị bệnh dạ dày”.
Cũng uống quá nhiều rượu, anh Trần Văn Lập, 47 tuổi ở Mê Linh, Hà Nội đã phải nhập viện trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai xác định bệnh nhân Lập bị ngộ độc rượu ethanol, dẫn đến suy thận cấp và viêm gan trên nền bệnh đái tháo đường.
Chị Lê Thị Hồng - vợ của anh Lập cho biết: “Mỗi ngày chồng tôi uống khoảng nửa lít rượu, uống vào trưa và tối, nghiện từ hơn 10 năm nay. Tôi cũng can ngăn nhưng chồng không nghe, mỗi lần can ngăn là cãi nhau”.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, càng đến thời điểm gần Tết Nguyên đán, ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc rượu. Nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu pha từ cồn công nghiệp methanol, thậm chí là lạm dụng rượu, bia đạt chuẩn cũng gây ngộ độc hoặc tổn thương gan.
|
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên thăm hỏi bệnh nhân ngộ độc rượu. |
Bác sĩ Nguyên cho rằng: “Không có loại rượu nào được xem là an toàn với người uống. Trước và sau Tết Nguyên đán, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện năm nào cũng đông. Mùa rét, bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cao hơn hẳn, phần lớn là do uống rượu nhiều gây ra chảy máu, xơ gan. Rượu làm giảm số lượng bạch cầu, giảm sức đề kháng của cơ thể nên tình trạng nhiễm trùng càng nặng”.
Cách đây 10 năm, bệnh nhân bị xơ gan chủ yếu do virus viêm gan B hoặc viêm gan C, còn hiện nay, chủ yếu là do bia, rượu đang tăng nhanh. Tính riêng tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi năm điều trị hơn 2.000 bệnh nhân xơ gan do lạm dụng rượu, bia.
Trước đây chủ yếu là bệnh nhân nam tuổi từ 40 đến 50, nhưng gần đây có không ít bệnh nhân trên dưới 30 tuổi. Bác sĩ Hoàng Nam, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị đã tiếp nhận những bệnh nhân điều trị viêm gan, xơ gan, xuất huyết tiêu hóa tới 13 lần chỉ trong trong vài năm.
Hiện nay, mỗi ngày khoa Tiêu hóa tiếp nhận 30 bệnh nhân, trong đó hơn một nửa liên quan đến rượu. Rượu ảnh hưởng đến chức năng gan, là tác nhân hàng đầu gây viêm gan biểu hiện tăng men gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan lâu ngày do rượu dẫn đến xơ gan, rồi biến chứng, hôn mê gan, lâu dần là ung thư gan”, bác sĩ Hoàng Nam thông tin thêm.
Thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương cho thấy, tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5-6% số bệnh nhân nhập viện và đang có xu hướng gia tăng. 10 vụ ngộ độc rượu với 115 người phải nhập viện và 11 người chết trong năm qua chưa phản ánh hết tác hại của việc uống nhiều rượu, bia.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân của 31% số vụ đánh giết nhau, 33% số vụ hiếp dâm, 18% số vụ tai nạn giao thông và là tác nhân gây ra 60 loại bệnh. Các bác sĩ khuyến cáo không uống quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày đối với nam giới, tương đương không quá 2 chén rượu hoặc 2 cốc bia mỗi ngày và không uống quá 5 ngày trong một tuần.