Sự hồi phục của người bệnh phụ thuộc vào loại phẫu thuật, những hỗ trợ tại nhà, thể lực và sức khỏe tổng thể của người bệnh và các phương pháp điều trị ung thư khác sau phẫu thuật.
Những ngày đầu tiên về nhà
Điều dưỡng sẽ thăm khám để kiểm tra và thay băng vết thương, hoặc người bệnh được bác sỹ khám. Có thể cần một vài thiết bị giúp bản thân an toàn khi di chuyển, như một cái khung tập đi hoặc ghế tắm.
Gia đình và người bệnh nên cố gắng chuẩn bị những thiết bị này trước khi phẫu thuật để khi ra viện trở về nhà mọi thứ đã sẵn sàng. Bác sỹ vật lý trị liệu sẽ chỉ dẫn cách sử dụng những thiết bị đó.
Cần nhớ rằng sự phục hồi cần thời gian, đừng mong đợi quá nhiều vào cơ thể. Mặc dù nên duy trì hoạt động và tập thể dục nhẹ nhàng trong thời gian hồi phục, nhưng quan trọng là hãy thực hiện theo lời khuyên của bác sỹ phẫu thuật về những điều cần hạn chế.
Khi nào cần gọi cho bác sỹ hoặc đến bệnh viện khám lại
Vết thương, cảm giác đau và sẹo sẽ cần thời gian để lành. Đội ngũ nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cách đề phòng những tai biến và khi nào thì cần tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhìn chung, hãy liên lạc ngay với bác sỹ hoặc đi khám ở bệnh viện gần nhất nếu có bất kỳ những dấu hiệu nào sau đây:
- Chảy máu, sưng, tấy đỏ, chảy mủ, chảy dịch tăng lên hoặc có mùi bất thường từ vết mổ hoặc xung quanh ống dẫn lưu hoặc lỗ thông
- Sốt từ 38oC trở lên
- Ớn lạnh hoặc rét run.
- Sưng các chi
- Đau đột ngột, dữ dội
- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Buồn nôn hoặc nôn trên 12 giờ.
- Gặp khó khăn về hô hấp, bước đi hoặc làm bất kỳ việc gì bản thân có thể làm trước khi phẫu thuật.
- Các triệu chứng và thay đổi khác mà bác sỹ phẫu thuật đã cảnh báo.
Khi người bệnh về nhà hãy tuân thủ các chỉ dẫn của bác sỹ, và một vài gợi ý hữu ích sau đây.
- Uống thuốc giảm đau theo đơn của bác sỹ.
- Thuốc giảm đau mạnh chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn sau phẫu thuật vì nó có thể khiến người bệnh cảm thấy không tỉnh táo, mệt mỏi và táo bón.
-Nếu cơn đau không kiểm soát được, trở nên tồi tệ hơn, hoặc gặp các tác dụng phụ của thuốc, hãy thông báo cho bác sỹ phẫu thuật.
- Nếu cơn đau dữ dội hơn, hãy đến phòng khám cấp cứu gần nhất.
Thực hiện theo hướng dẫn của bác sỹ về cách chăm sóc vết thương. Nếu vết thương để hở, hãy làm sạch bằng xà phòng trung tính và nước ấm rồi thấm khô. Tránh bôi kem dưỡng thể hoặc nước hoa lên vết thương và những vùng xung quanh.
- Nếu vết thương được băng, cần giữ băng vết thương khô khi tắm.
- Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ cắt chỉ hoặc tháo ghim theo lịch hẹn.
Nếu sử dụng miếng dán thay chỉ khâu, miếng dán sẽ tự bong trong vòng vài tuần hoặc người bệnh sẽ được hướng dẫn khi nào có thể tháo ra. Tháo miếng dán quá sớm có thể khiến vết thương bị hở.
- Các vết bầm tím xung quanh vùng mổ sẽ mờ đi trong vài tuần.
- Tránh đụng chạm hoặc bóc vảy vết thương.
Một số người bệnh về nhà với một ống dẫn lưu tạm thời gần vết mổ để dẫn dịch chẩy từ cơ thể ra ngoài.
Trước khi xuất viện, điều dưỡng sẽ hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc ống dẫn lưu tại nhà cho đến khi dẫn lưu được tháo ra. Người bệnh cần ghi lại số lượng dịch chứa trong bình đựng dịch.
Một số người bệnh về nhà với một lỗ mở thông. Điều dưỡng sẽ gặp người bệnh sau phẫu thuật để hướng dẫn cách chăm sóc lỗ thông đó.
Đội ngũ chăm sóc sẽ hướng dẫn người bệnh một chế độ ăn đặc biệt. Một số người bệnh cảm thấy mệt mỏi sau phẫu thật. Khi người bệnh cảm thấy thèm ăn, hãy thử những thức ăn cơ bản như cơm và bánh mỳ nướng trước khi quay lại chế độ ăn bình thường.
Ăn chất xơ và uống nhiều các loại nước để tránh táo bón, và kiêng đồ uống có cồn, đặc biệt nếu người bệnh đang uống thuốc giảm đau. Để giúp cơ thể hồi phục sau phẫu thuật, nên áp dụng chế độ ăn cân bằng bao gồm đa dạng nhiều loại thực phẩm. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh giải quyết các vấn đề khó khăn về dinh dưỡng.
|
Dinh dưỡng, tập luyện đóng vai trò quan trọng sau điều trị ung thư - Ảnh BSCC |
Tự chăm sóc
Người bệnh có thể tắm trừ khi bác sỹ nói không được tắm. Hãy nhẹ nhàng lau rửa cơ thể và thấm khô. Tùy thuộc vào loại phẫu thuật có thể không được tắm bồn trong vòng vài tuần sau phẫu thuật.
Thuốc giảm đau mạnh và nằm trên giường lâu trong thời gian dài có thể dẫn đến táo bón. Không nên cố rặn khi đi vệ sinh. Hãy nói với nhân viên y tế để được uống thuốc nhuận tràng nếu cần.
Một số người bệnh gặp vấn đề trong việc đại tiểu tiện khó kiểm soát sau một số loại phẫu thuật. Tình trạng đại tiểu tiện không tự chủ thường là tạm thời.
Người bệnh có thể thấy bản thân dễ mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi trong ngày. Hãy ngủ nhiều và nghỉ ngơi nếu thấy mệt.
Nhờ người thân và bạn bè trợ giúp công việc nhà, như nấu ăn và dọn dẹp.
Hãy hỏi bác sỹ phẫu thuật khi nào có thể bắt đầu thực hiện các hoạt động bình thường và nên tránh những hoạt động gì, ví dụ như xách nặng, bơi, lặn, hoặc quan hệ tình dục.
Cố gắng thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng. Điều này giúp giảm mệt mỏi, tăng cường thể lực, cải thiện tâm trạng để nhanh chóng quay lại những sinh hoạt thường ngày. Hãy tuân thủ lời khuyên của bác sỹ về những điều cần hạn chế.
Quản lý sẹo
Phẫu thuật thường để lại sẹo. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ phẫu thuật sẽ làm mọi thứ để vết sẹo ít bị nhìn thấy. Hình dạng vết sẹo thay đổi sau nhiều tháng. Hầu hết sẹo sẽ được cải thiện và mờ đi theo thời gian.
Một vài lời khuyên hữu ích sau đây có thể giúp giảm cứng và đau ở vùng sẹo – khi vết thương lành hoàn toàn:
· Dưỡng ẩm vùng sẹo để giảm ngứa
· Tập các bài tập giãn cơ để cải thiện phạm vi vận động
· Xoa bóp nhẹ nhàng vùng sẹo vài lần một ngày
· Dán băng silicone hoặc bôi một lớp gel chống sẹo để tạo áp lực nhẹ lên sẹo.
Cảnh báo
– Tránh ấn mạnh hoặc làm căng vết thương cho đến khi lành hẳn và không có các vấn đề như tụ máu, nhiễm trùng hoặc tích tụ túi dịch dưới da (tụ dịch vết mổ). Hãy hỏi bác sỹ phẫu thuật khi nào có thể bắt đầu điều trị sẹo. Quan trọng là bảo vệ sẹo khỏi ánh nắng mặt trời, vì cháy nắng có thể làm sẹo trở nên xấu hơn.
Các phương pháp điều trị khác – hãy nói chuyện với bác sĩ phẫu thuật, bác sỹ vật lý trị liệu về các phương pháp khác để cải thiện vết sẹo. Bác sỹ da liễu có thể điều trị các vấn đề của sẹo bằng laser.
Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Hợi (Khoa Nội Vú, Phụ khoa, Đầu cổ Theo yêu cầu, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội)