Thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch
TS. Ngô Tuấn Anh Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, thời tiết lạnh làm tăng tiết các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp.
Đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình, theo thống kê thì chỉ có khoảng 1/3 trong số bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị và trong số những người được điều trị chỉ có 1/3 kiểm soát được huyết áp bằng thuốc.
Với người cao tuổi, huyết áp thường không quá 140/90 mmHg. Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên, ngoài ra mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm rửa,....
Nếu huyết áp tối đa quá 180 mmHg là điều rất đáng lo ngại. Nhiều người có tiền sử cao huyết áp lúc đó huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong. Đặc biệt những người bị bệnh tiểu đường nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm.
Đối với bệnh nhân có bệnh mạch vành, khi trời lạnh nhu cầu oxy cho cơ tim tăng hơn vì thế cũng có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp. Đặc biệt thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.
Bác sĩ mách cách kiểm soát huyết áp tránh đột quỵ khi trời lạnh giá.
Cách phòng tránh và điều trị các bệnh tim mạch trong mùa lạnh như thế nào?
Để kiểm soát huyết áp, các bác sĩ nội tiết trung ương khuyên: vào mùa lạnh, người dân cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành.
Thay đổi lối sống của người bệnh có thể giúp kiểm soát và quản lý tăng huyết áp. Nhất là thời tiết lạnh như hiện nay.
Để phòng bệnh tăng huyết áp, người mắc bệnh cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh.
- Dùng khẩu trang che mũi, miệng nếu phải đi ra ngoài trời có gió lạnh để tránh hít thở không khí lạnh.
- Không nên thức dậy quá sớm bởi lúc đó, cơ thể thường kém đáp ứng với sự thay đổi bên ngoài, các mạch máu kém đàn hồi hơn và khí huyết lưu thông kém hơn. Nếu dậy quá sớm bước ra ngoài gặp gió lạnh có thể khiến huyết áp tăng cao, dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim vào buổi sáng.
- Tập thể dục giúp người cao tuổi giữ được khối lượng cơ, khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái, tăng cường hoạt động hệ tim mạch, hô hấp, giảm đường huyết cũng như mỡ máu. Tuy nhiên, người cao tuổi nên tập thể dục ở chỗ kín gió, ấm áp, hoặc tập ngay trong nhà khi thời tiết quá lạnh. Tuyệt đối không dùng rượu để làm ấm cơ thể vì sẽ gây dãn mạch, khi tiếp xúc với trời lạnh rất nguy hiểm.
- Điều quan trọng, người bệnh cần tuân thủ việc khám, điều trị và uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ, để duy trì huyết áp ổn định. Không tự ý thay đổi thuốc, uống tăng liều thuốc hoặc tự ý thay đổi thuốc.
Ngoài ra, người tăng huyết áp cần hạn chế rượu bia, vì uống nhiều rượu bia làm tăng huyết áp theo thời gian, gây ra nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim) và làm suy tim.
Vì vậy, tim sẽ không thể bơm máu hiệu quả. Rượu có thể làm tăng chất béo trung tính trong máu, gây thừa cân và béo phì. Nếu người bệnh đang dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp, hãy lưu ý rằng rượu có thể cản trở hiệu quả của thuốc và còn làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ.
Hút thuốc lá làm tăng huyết áp nên người bệnh cần ngừng hút thuốc giúp giảm huyết áp. Đồng thời cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cải thiện sức khỏe tổng thể, có thể giúp kéo dài tuổi thọ.
Tuyệt đối không tự bỏ thuốc khi huyết áp đã về chỉ số bình thường mà không có ý kiến của bác sĩ điều trị. Việc dừng thuốc đột ngột, dễ làm huyết áp tăng cao đột biến, gây những biến chứng nguy hiểm.