Để bé nằm quá nhiều
Trong 6 tháng đầu tiên, hộp sọ của trẻ sơ sinh rất mềm và thóp đầu chưa đóng hết do đó trẻ dễ bị méo đầu hoặc bẹp đầu nếu nằm quá nhiều hoặc chỉ nằm lệch về một bên. Sau 6 tháng, hộp sọ dần cứng lại và khó có thể khôi phục về hình dáng tròn ban đầu.
Vì thế các chuyên gia khuyên rằng, ở những tháng đầu tiên em bé ngủ rất nhiều, mẹ không nên đặt con chỉ nằm nguyên 1 vị trí mà cần thay đổi thường xuyên để lực tác động vào đầu bé cân bằng. Khi con thức dậy, bạn nên bế bé lên để bé thoát khỏi trạng thái nằm, giúp phần đầu được giải phóng khỏi áp lực.
Thở bằng miệng
Nhiều trẻ nhỏ có thói quen thở bằng miệng thay vì thở bằng mũi. Nguyên nhân thường bắt đầu từ việc trẻ bị ngạt mũi, khó thở nên thở bằng miệng, lâu dần trở thành thói quen. Đây là một thói quen rất tai hại, không chỉ làm tăng cao nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp mà còn ảnh hưởng xấu tới cấu trúc khuôn mặt, dẫn tới mặt dài ra, hàm trước bị hô rất mất thẩm mỹ. Vì thế, nếu thấy con có biểu hiện thở bằng miệng, bố mẹ cần tìm nguyên nhân sớm để điều trị, tránh hình thành thói quen xấu này cho con.
|
Ảnh minh họa. |
Không bỏ bú bình khi bé đã trên 1 tuổi
Rất nhiều phụ huynh có thói quen để bé bú bình tới 2, 3 tuổi thậm chí là dài hơn. Không chỉ sữa mà ngay cả nước cũng cho vào bình để con tiện uống và bố mẹ không mất công nhiều. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc để bé giữ thói quen bú bình quá lâu sẽ khiến vòm miệng và lưỡi bé bị đẩy về phía sau, tác động xấu đến vùng lợi khiến răng dễ mọc lệch, không thẳng hàng, môi bị đẩy ra ngoài.
Các nhà khoa học tại Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo nên giảm tần suất sử dụng bình cho bé khi được 1 tuổi và dừng hẳn việc bú bình khi bé 18 tuổi trở lên.
Chỉ nhai 1 bên
Rất nhiều em bé có thói quen chỉ nhai một bên hàm. Điều này khiến phần hàm của trẻ dễ bị lệch về một bên. Vùng răng thường xuyên nhai dễ bị sâu, trong khi bên không nhai lại rất yếu. Do đó, ngay khi bé bắt đầu tập ăn dặm, bố mẹ nên tập cho con thói quen nhai đều cả hai bên để phòng tránh những vấn đề về răng miệng.
|
Ảnh minh họa. |
Thúc giục bé ăn nhanh và há miệng thật to
Đây là thói quen rất phổ biến của các bậc phụ huynh khi cho con ăn. Tuy nhiên, thói quen này không hề tốt. Bởi trẻ dưới 3 tuổi cơ hàm còn yếu, việc liên tục phải há miệng to, nhai nuốt liên tục, không có khoảng nghỉ sẽ khiến cơ hàm phải hoạt động quá mức dẫn tới cứng cơ mặt.
Tốt nhất khi cho con ăn, không nên ép trẻ ăn quá nhanh, mà cần có thời gian để bé nhai, nuốt từ tốn. Điều này không chỉ giúp cơ mặt có khoảng nghỉ mà còn tốt cho quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn.
Cắn môi
Có những thói quen nhỏ của trẻ mà bố mẹ ít quan tâm như việc bé thường xuyên cắn môi. Đó là thói quen xấu cần được loại bỏ. Bởi việc cắn môi nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến môi bị dày hơn, thậm chí là biến dạng khiến khuôn mắt mất cân đối và ảnh hưởng tới thẩm mỹ.
Nghiến răng
Thói quen nghiến răng ở trẻ rất tai hại. Bởi nó khiến hàm răng chịu áp lực lớn, dễ dẫn tới biến dạng xương hàm, xô lệch hàm răng, ảnh hưởng tới sự cân đối của khuôn mặt. Vì thế nếu thấy bé có biểu hiện nghiến răng, bạn nên điều chỉnh ngay bằng cách cho bé một vật gì đó để cắn, tránh hình thành ở trẻ thói quen xấu này.
Cạo lông mày, cắt lông mi cho trẻ sơ sinh
Nhiều người quan niệm rằng trẻ sơ sinh nếu được cạo lông mày và cắt lông mi thì khi lớn lên lông mày sẽ rậm, đẹp còn lông mi thì dài và cong hơn. Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ vô cùng sai lầm. Lông mi là hàng rào quan trọng bảo vệ đôi mắt của trẻ, nếu mẹ cắt đi mắt bé sẽ rất dễ bị tấn công bởi bụi bặm, vi khuẩn ảnh hưởng xấu tới thị lực. Trong khi đó, lông mày bé nếu bị cạo từ quá sớm có thể không mọc trở lại như bình thường, trở nên thưa thớt.
Để trẻ đeo cặp hoặc túi quá nặng khi đi bộ
Ở độ tuổi nhỏ xương của trẻ rất yếu, thường xuyên đeo những chiếc cặp, balo hay túi xách nặng sẽ khiến xương chịu áp lực lớn. Lâu dần trẻ có thể bị còng lưng hay cong vẹo cột sống, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cũng như thẩm mỹ.