Bi hài chuyện bác sỹ trực tết

Google News

Khi mọi người đang sum vầy cùng gia đình trong bữa cơm tất niên, rất nhiều bác sỹ, y tá… vẫn miệt mài túc trực trong viện.

- Khi mọi người đang sum vầy cùng gia đình trong bữa cơm tất niên, rất nhiều bác sỹ, y tá… vẫn miệt mài túc trực trong viện, sẵn sàng cứu chữa bệnh nhân.

 

 

 

Năm 2012 - năm con Rồng được coi là năm đẹp, tuổi tốt nên số lượng sản phụ trong bệnh viện Phụ sản Hà Nội tăng đột biến.

Bác sỹ Nguyễn Mạnh Trí - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Phụ sản Hà Nội than thở: “Việc nhà bề bộn cũng phải chịu thôi, đành để vợ con lo. 15 năm tính cả thời sinh viên đi trực bệnh viện, tôi có được đón giao thừa với gia đình đâu”. 

Vắng nhà mãi thành quen, tất bật với những ca cấp cứu, bệnh nhân, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân của các bác sỹ cũng bị khỏa lấp đi phần nào. Bệnh viện năm nào cũng tổ chức tất niên cho các bác sỹ trực Tết nhưng bữa tiệc chỉ kéo dài mấy phút, người có mặt, người không. Giây phút giao thừa trôi qua khi đang đỡ đẻ là chuyện bình thường.

Đầu năm người ta kiêng đụng dao đụng kéo, gặp bà chửa, với bác sỹ điều đó chẳng quan trọng, miễn sao giúp được sản phụ mẹ tròn con vuông.

“Trăm người cũng có vài người không được như ý muốn. Năm nào cũng có kiện cáo, người nhà bệnh nhân đến đôi co với bác sỹ dù đó là 30 Tết, mùng Một, mùng Hai... Mệt lắm! Có lẽ chuyện vui qua nhanh, chuyện buồn thì nhớ mãi”, bác sỹ Trí ngậm ngùi chia sẻ.

Gần 30 năm làm nghề y, bác sỹ Nguyễn Lê Hoàng (bác sỹ Chuyên khoa II, khoa Chấn thương chỉnh hình bệnh viện Xanh Pôn) không nhớ nổi bao nhiêu lần mình không đón Tết cùng gia đình.

“Giao thừa đến còn chẳng biết ấy chứ. Càng vào những giờ đấy số lượng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông, xích mích càng nhiều”, vừa dỗ một bệnh nhân nhí tiêm thuốc bác sỹ Hoàng vừa nói.

Nguyễn Thị Huyền Trang (sinh viên trường Trung Cấp Y Ninh Bình) không thể nào quên được cảm giác bị “ngộp” khi phải đón quá nhiều bệnh nhân. Ngày Tết, các gia đình, bạn bè tụ tập ăn uống, nên ca ngộ độc tăng vọt. Đủ các thứ mùi xộc vào cùng lúc khiến Trang chỉ muốn xỉu.

Nhưng nhìn bệnh nhân đang vật vã, các bác sỹ khác ai cũng chạy ngược chạy xuôi nên đành cố nhịn. Cũng nhờ ngày đầu trực Tết đó mà cô thực tập sinh đã trưởng thành hơn rất nhiều.

Những năm bình yên, những ngày Tết lại là khoảng thời gian cho các y bác sĩ, bệnh nhân có cơ hội gần nhau hơn. Ngày thường, bác sỹ đều bận túi bụi, ngoài thăm khám, chẳng mấy khi ngồi lại trò chuyện, hỏi thăm gia đình bệnh nhân.

“Thương lắm mấy đứa nhỏ, có em được cả gia đình vào thăm tươi cười hớn hở, nhưng ngay giường bên cạnh lại chỉ có hai mẹ con thui thủi đón giao thừa cùng nhau. Nhà xa, bố mải làm ăn kiếm tiền viện phí nên thế đấy. Bình thường tôi làm gì có thời gian để ý, không ngờ bệnh nhân của mình nhiều người hoàn cảnh đến vậy”, bác sỹ Hoàng nhớ lại.

Bác sỹ dày dạn kinh nghiệm còn không tránh khỏi cảm giác bồn chồn nhớ người thân những ngày đầu năm huống chi các thực tập sinh.

Đặng Thị Diệu (sinh viên trường ĐH Y Hà Nội) tâm sự: “Lần đầu trực Tết cùng các bác sỹ buồn lắm. Nghe tiếng pháo hoa mà sống mũi cay xè, trốn vào nhà vệ sinh vừa khóc vừa gọi điện về cho mẹ”.

Kim Thái - Tuấn Anh

Bình luận(0)