Đây là trường hợp thứ 3 ở Việt Nam tái dương tính với COVID-19 sau khi đã có kết quả âm tính.
Theo ông Nguyễn Trọng Diện - giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, bệnh nhân 149 ở Long Biên, Hà Nội, làm việc ở Đức và về sân bay Vân Đồn ngày 23/3, được chuyển cách ly tại thành phố Uông Bí, Quảng Ninh.
Ngay sau khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân được chuyển về cách ly, điều trị tại Bệnh viện số 2, Quảng Ninh. Sau 13 ngày cách ly, điều trị, ngày 5/4 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với COVID-19.
Tuy nhiên đến 8/4, khi lấy mẫu xét nghiệm lần 2, bệnh nhân có kết quả dương tính trở lại.
|
Việt Nam hiện có 3 trường hợp tái dương tính với COVID-19 sau khi âm tính là bệnh nhân 21, 50 và 149. Ảnh minh họa. |
Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết đây là trường hợp thứ 2 có kết quả xét nghiệm phức tạp tại Quảng Ninh. Trước đó, bệnh nhân thứ 50 cũng âm tính 2 lần rồi lại dương tính với COVID-19. Cụ thể, bệnh nhân 50 dương tính ngày 13/3, 18/3, 23/3; đến 26 và 28/3 có 2 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp; nhưng tới ngày 30/3, 2/4 và 5/4 dương tính trở lại).
Lần gần đây nhất, ngày 8/4, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân 50 đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Hôm nay 10/4, hai bệnh nhân này sẽ được lấy mẫu và đánh giá lại.
Sở Y tế Quảng Ninh cho hay, đây là hai trường hợp bệnh nhân có kết quả xét nghiệm diễn biến phức tạp, tuy nhiên mọi công tác điều trị với hai bệnh nhân này vẫn được thực hiện theo đúng quy định phòng dịch. Hai bệnh nhân vẫn đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại bệnh viện số 2 với sức khoẻ ổn định.
Ngoài 2 bệnh nhân tái dương tính ở Quảng Ninh, tại Hà Nội cũng từng có bệnh nhân 21 có tình trạng tương tự.
Mời quý vị theo dõi video: "Việt Nam có ca mắc Covid-19 thứ 46 và 47". Nguồn: VTC Now.
Lý giải về việc bệnh nhân COVID-19 âm tính rồi lại dương tính trở lại, Thạc sĩ, bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, với 1 test thử nghiệm dương hay âm tính tùy thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ thuật lấy mẫu, thời điểm lấy mẫu, hay có yếu tố gì có ảnh hưởng chất lượng mẫu hay không.
Giả sử với 2 lần lấy mẫu ở đường hô hấp trên và lần sau lấy mẫu ở đường hô hấp dưới cũng có thể cho kết quả khác nhau. Bởi trong giai đoạn điều trị sau thì mẫu ở đường hô hấp trên thường âm trước khi mẫu đường hô hấp dưới âm tính.
Hoặc trong trường hợp tải lượng virus thấp thì trong chạy mẫu cho kết quả không rõ ràng (50/50) sẽ kết luận khó khăn. Hoặc nếu bệnh nhân vừa súc miệng với chất diệt khuẩn gì trước khi lấy mẫu thì cũng có thể ảnh hưởng chất lượng mẫu.
Trường hợp bệnh nhân đầu tiên nhiễm COVID-19 tại Việt Nam điều trị ở BV Chợ Rẫy TP.HCM cũng có kết quả âm tính sau đó dương tính trở lại mà nguyên nhân trước khi lấy dịch test bệnh nhân này đã súc miệng.
Theo bác sĩ Thơ tiêu chuẩn về xét nghiệm chỉ là 1 trong nhiều tiêu chuẩn khác để đánh giá tình trạng bệnh nhân. Do vậy, để đánh giá bệnh nhân khỏi bệnh thì ngoài kết quả xét nghiệm PCR còn căn cứ lâm sàng bệnh nhân, XQ phổi, hết ho, hết khó thở, không sốt, công thức máu…