Bé gái da bọc xương gây chấn động về nạn đói ở Yemen qua đời

Google News

Bé gái Yemen 7 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng đã qua đời, nhưng bức chân dung cô bé da bọc xương sẽ tiếp tục là lời cảnh tỉnh về nạn đói thảm khốc và hậu quả cuộc nội chiến kéo dài ở nước này.

Theo cơ quan Y tế do phiến quân Houthi kiểm soát, Amal Hussain, bé gái 7 tuổi trong tấm ảnh phản ánh khủng hoảng nạn đói và xung đột ở Yemen, đã qua đời.
Bức ảnh đạt giải Pulitzer gây chấn động của Tyler Hicks, phóng viên New York Times, vẽ nên chân dung cô bé da bọc xương nằm trên giường tại bệnh viện lưu động của UNICEF ở Aslam, Yemen hôm 18/10.
Hình ảnh cô bé Hussain đau đớn và suy dinh dưỡng nghiêm trọng là tượng trưng cho cuộc nội chiến khốc liệt đẩy hàng triệu người Yemen tới bờ vực chết đói.
Be gai da boc xuong gay chan dong ve nan doi o Yemen qua doi
Bức ảnh chụp Amal Hussain, 7 tuổi, bị suy dinh dưỡng nặng. Ảnh: New York Times. 
Hôm 1/11, New York Times đưa tin Mariam Ali, mẹ của Hussain, nói rằng trái tim bà “tan nát”. “Amal luôn nở nụ cười. Giờ thì tôi lo cho những đứa con còn lại của tôi”, bà chia sẻ với New York Times qua điện thoại, cho biết con gái qua đời vào ngày 26/10.
Sau khi bức ảnh chụp bé gái Hussain được xuất bản, đúng vào thời điểm cộng đồng quốc tế phẫn nộ về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã kêu gọi ngừng bắn tại Yemen “trong 30 ngày”.
Mâu thuẫn kéo dài 3 năm giữa liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu, được Mỹ ủng hộ, và phiến quân Houthi do Iran hỗ trợ đã tàn phá đất nước Yemen và khiến ít nhất 10.000 người thiệt mạng.
Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc tại Chương trình Lương thực Thế giới cho biết những vụ ném bom vào dân thường của liên quân có thể được coi là tội ác chiến tranh và việc phong tỏa một phần đất nước đã đẩy 12 triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em vào nguy cơ chết đói. Tình trạng này có thể tiếp diễn thành nạn đói nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua.
Be gai da boc xuong gay chan dong ve nan doi o Yemen qua doi-Hinh-2
Bé Hussain được điều trị ở bệnh viện tại Yemen trước khi qua đời. Ảnh: New York Times. 
Hôm 1/11, trả lời CNN, ông Martin Griffiths, đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Yemen, công nhận vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại hồi tháng 10 là “chất xúc tác” kêu gọi hòa bình tại Yemen. Ông nói thêm mối đe dọa từ nạn đói là nhân tố quan trọng nhất giúp biện hộ cho động thái trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở Yemen.
“Nạn đói là mối đe dọa thật sự và có khả năng khiến số người đứng trước nguy cơ chết đói tăng gấp hai. Đó là yếu tố khẩn cấp ở đây”, ông nói.
Griffiths cảnh báo bất kỳ phương án nào khác ngoài hòa bình sẽ đem đến hậu quả “thảm khốc”, làm gia tăng đói nghèo, khủng bố và bất ổn khu vực cũng như ảnh hưởng tới các tuyến đường thương mại cửa ngõ của châu Âu.
Nội chiến ở Yemen đã kéo dài 3 năm từ khi Houthi chiếm đóng phần lớn quốc gia Trung Đông, bao gồm cả thủ đô Sana'a. Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và nhiều nước đồng minh khác tham gia vào cuộc chiến kể từ năm 2015 để hỗ trợ chính phủ Yemen.
Công tác viện trợ lương thực bị gián đoạn vì các phiến quân liên tục giao tranh tại các bến cảng. Theo tổ chức Save the Children, những gì diễn ra ở Yemen đang biến thành “cuộc chiến chống lại trẻ em”. Liên Hợp Quốc từng cảnh báo nguy cơ nạn đói ở Yemen từ năm 2017, nhưng theo các chuyên gia, tình hình giờ nghiêm trọng hơn nhiều.
Theo Ngọc Hà/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)