Diệc Phàm năm nay 4 tuổi, sinh sống tại Tuyền Châu, Phúc Kiến (Trung Quốc). Chiều 8/6, cô bé được bố mẹ gửi đến nhà bà ngoại. Trong lúc chơi với người em họ, chiếc đồng hồ điện thoại trên tay phát nổ khiến Diệc Phàm khóc thét.
Bà ngoại là người lớn duy nhất ở nhà khi vụ việc xảy ra. Thời điểm đó, bà đang ngồi thì đột nhiên nghe tiếng nổ chói tai rồi Diệc Phàm đau đớn hét lên. Khi vào phòng, bà thấy nhiều khói, mùi khét đặc. Nhìn quanh, bà giật mình phát hiện làn khói vẫn đang bốc lên từ chiếc đồng hồ điện thoại của cháu gái.
|
Đồng hồ điện thoại là món đồ nhiều trẻ ao ước. Dù vậy, nó tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. |
Quá sợ hãi, Diệc Phàm vùng vẫy để tháo chiếc đồng hồ. Chỉ đến khi có bà, chiếc đồng hồ mới gỡ ra được. Lúc này, mu bàn tay của bé gái bị bỏng nặng.
Sau khi làm dịu vết bỏng dưới vòi nước chảy, Diệc Phàm được đưa tới viện để kiểm tra. Theo bác sĩ, bé gái bị bỏng độ 3, may mắn chiếc đồng hồ được tháo kịp thời. Nếu không, sức nổ của nó có thể khiến bệnh nhân không thể giữ lại 1 phần cơ thể. Để giảm nguy cơ nhiễm trùng, Diệc Phàm được bác sĩ chỉ định ghép da. Hiện cô bé vẫn nằm viện để theo dõi tình hình sức khỏe.
Theo anh Hoàng - bố của Diệc Phàm, chiếc đồng hồ điện thoại được chú cô bé mua tặng trên mạng. Đây là món đồ con gái rất thích song thi thoảng mới đeo. Sau khi chiếc đồng hồ phát nổ, anh Hoàng đã liên hệ với địa chỉ bán hàng. Cơ sở kinh doanh đang phối hợp giải quyết việc bồi thường. Qua trường hợp con mình, anh Hoàng khuyên các bậc phụ huynh nên cân nhắc trước khi mua cho con. Đồng hồ điện thoại là món đồ nhiều đứa trẻ ao ước song cũng tiềm ẩn mối nguy cháy nổ.
|
Chiếc đồng hồ điện thoại bốc cháy khiến tay bệnh nhân bỏng cấp độ 3. |
Trước đó, "First Time" của CCTV nhận định bức xạ của đồng hồ điện thoại tại thời điểm trả lời cuộc gọi lớn hơn nhiều so với điện thoại di động, thậm chí gấp 1000 lần so với điện thoại di động.
Cụ thể, phóng viên CCTV tiến hành mua các loại đồng hồ điện thoại khác nhau với giá lần lượt là 148, 380 và 798 tệ (xấp xỉ 500 nghìn, 1,3 triệu và 2,7 triệu đồng) bán ngoài chợ. Cả 3 chiếc đều được gửi đến phòng thí nghiệm của một trường đại học để kiểm tra. Kết quả cho thấy, ở trạng thái không có cuộc gọi, giá trị bức xạ của 3 chiếc đồng hồ và điện thoại là 0,002 uW/cm². Tuy nhiên, giá trị bức xạ thay đổi rất nhiều trong trường hợp thực hiện cuộc gọi. Giá trị bức xạ của chiếc đồng hồ 148 tệ lên tới 2900uW/cm², gấp 1000 lần. CCTV cho biết điện thoại di động đạt an toàn bức xạ với con người mới được cấp phép truy cập mạng. Tuy nhiên, không có tiêu chuẩn sản xuất tương ứng cho đồng hồ định vị trẻ em.
Mặt khác, đồng hồ là sản phẩm điện tử. Chất lượng pin bên trong không tốt dễ xảy ra tai nạn như nhiệt độ quá cao gây bỏng, cháy nổ.
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, chuyên gia sức khỏe khuyên nên tìm các sản phẩm đảm bảo chứng nhận an toàn 3C (Chứng nhận 3C là một hệ thống đánh giá sự phù hợp của sản phẩm bắt buộc được Trung Quốc thực hiện để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Các sản phẩm yêu cầu chứng nhận 3C bao gồm thiết bị điện gia dụng, thiết bị âm thanh và video, thiết bị viễn thông...)
Nên giữ lại giấy tờ mua hàng để phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Đồng hồ thông minh là món đồ nhiều trẻ ao ước song nhất định cần kiểm tra xem nó có tính năng chống thấm nước hay không, có cần thay pin thường xuyên hay không...