Mới đây, vợ chồng nữ ca sĩ Hải Băng Thành Đạt chia sẻ thông tin về việc Hải Băng có bầu lần 3 sau khi cô vừa sinh mổ hồi tháng 7. Việc Hải Băng có bầu 2 tháng sau khi mới sinh mổ 3 tháng khiến cô không khỏi lo lắng. Cô cho biết các bác sĩ cũng nhận định việc giữ em bé là điều rất khó do vết mổ chưa lành, nguy cơ nứt vỡ tử cung khá cao.
|
Vợ chồng Hải Băng - Thành Đạt liên tục đón tin vui có thêm thành viên mới |
BS Lê Thị Hòa, Phòng khám và tư vấn Sức khỏe sinh sản Hà Nội, cho biết bản thân bà đã gặp không ít trường hợp dính bầu sớm sau sinh mổ, dù đối mặt với nhiều nguy cơ nhưng trong nhiều trường hợp không phải là không thể giữ em bé.
Thực tế, sau sinh mổ sẽ để lại một vết sẹo trên thành tử cung của mẹ. Nếu vết sẹo này chưa lành hoàn toàn mà mẹ đã mang thai thì có thể gặp nhiều rủi ro. Nghiên cứu cho thấy những mẹ bầu có thai sau sinh mổ dưới 18 tháng có nguy cơ bị bục vết sẹo cao gấp 3 lần so với những mẹ giữ khoảng cách có thai xa hơn. Ngoài ra, mang thai quá sớm sau sinh mổ, mẹ bầu cũng dễ gặp các nguy cơ bất thường về nhau thai. Do đó, các bác sỹ thường khuyến cáo phụ nữ sau sinh mổ ít nhất 18-24 tháng mới nên có thai trở lại.
Việc nứt vết mổ không phải thai phụ nào mang bầu sớm sau sinh mổ cũng gặp phải, nhưng vì có một tỉ lệ nguy cơ nhất định như vậy, đặc biệt thường xảy ra ở các tháng cuối thai kỳ, nên mẹ bầu cần tuân thủ các yêu cầu của bác sĩ, ghi nhớ những dấu hiệu cảnh báo để vào viện kịp thời khi có bất thường.
Biến chứng nguy hiểm nhất có thể xảy ra đối với mẹ mang thai quá sớm sau sinh mổ là vỡ tử cung. Tai biến này có thể xảy ra vào cuối thai kỳ hoặc khi chuyển dạ, gây nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và em bé. Tuy nhiên, với phương pháp mổ lấy thai hiện nay là mổ ngang đoạn dưới tử cung nên khả năng nứt tử cung hoặc vỡ tử cung là thấp.
Mặc dù vậy, để hạn chế tối đa việc nứt sẹo cũ, hay nguy cơ nứt, vỡ tử cung, mẹ bầu cần chú ý thăm khám ngay khi phát hiện có bầu để được bác sỹ tư vấn tốt nhất, tuân thủ nghiêm ngặt lịch khám thai và nên đặt lịch khám dày hơn vào ba tháng cuối thai kỳ để phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần thực hiện đúng chỉ định của bác sỹ, ăn uống điều tiết, tránh tăng cân quá nhiều, nghỉ ngơi hợp lý, tránh gắng sức, lao động nặng.
Nếu thấy các dấu hiệu như ra máu, đau vết mổ cũ ở vị trí ngang trên xương mu thì cần đi khám ngay. Nhiều trường hợp phải quyết định thời điểm chấm dứt thai kỳ, bắt buộc phải mổ lấy thai chủ động khi thai đủ trưởng thành.