Chào Hướng Dương,
Tôi và D là bạn thân thiết với nhau từ bé. Nhà D nghèo còn nhà tôi giàu có nhưng tình cảm giữa chúng tôi vẫn rất tốt. Lớn lên, chúng tôi cùng đậu một trường đại học và cùng ở một căn nhà trọ. D thường xuyên mượn tiền tôi, trước đây số tiền chỉ vài trăm nghìn một lần. Nhưng càng ngày, số tiền D mượn tôi ngày càng nhiều, có khi lên tới cả chục triệu. Thậm chí tôi còn mua một quyển sổ để ghi chép lại ngày mượn, số tiền mượn, ngày trả của D. Và đương nhiên, D chỉ mượn chứ rất ít khi trả.
Ảnh minh họa.
Hôm qua, cậu ấy lại tiếp tục mượn tôi 20 triệu để tổ chức sinh nhật cho bạn gái. Tôi không đồng ý vì gia đình cậu ấy có giàu có gì đâu, bỏ 20 triệu tổ chức sinh nhật thì quá phung phí. D năn nỉ một hồi, tôi cương quyết không cho, còn nhắc lại số tiền mà cậu ấy đã mượn tôi lên tới hơn cả trăm triệu rồi.
D vùng vằng, không nói gì và lên xe bỏ đi thẳng, mặc kệ tôi đứng trước quán cà phê một mình. Tôi phải gọi xe ôm về nhà trọ. Không những thế, D còn đem đồ đạc riêng tư của tôi vứt ra ngoài phòng khách, giận dữ mắng tôi là giàu mà keo, bạn bè kiểu... Nói chung là chửi tục. Tôi bất ngờ lắm Hướng Dương ạ. Giờ tôi có nên đòi lại tiền không? Và không lẽ D chơi với tôi chỉ vì tiền thôi sao?
Việc bạn cho D vay mượn tiền liên tục trong một khoảng thời gian dài đã khiến D nảy sinh tâm lý ỷ lại và lợi dụng. Nếu những lần đầu, cậu ấy sẽ biết ơn thì càng lâu dài, cậu ấy sẽ xem hành động cho vay tiền của bạn là điều hiển nhiên. Và D sẽ không chấp nhận việc bạn từ chối bất cứ yêu cầu nào của cậu ấy.
Lần từ chối này của bạn đã khiến D giận dữ vì cảm giác bạn không còn là chỗ dựa về tiền bạc nữa. Hành động bỏ bạn ở ngay quán cà phê không chở về hay vứt đồ đạc của bạn càng chứng minh D không chấp nhận, trong suy nghĩ của D, bạn đang sai chứ không phải D.
Vì thế, bạn không nên tiếp tục để D lợi dụng về tiền bạc nữa, hãy sòng phẳng, thẳng thắn tính toán các khoản nợ và yêu cầu D trả lại cho mình. Nếu cậu ấy không có điều kiện, bạn có thể cho D một thời gian nhất định.
Đồng thời, bạn nên tìm hiểu sâu và rõ hơn về lý do D thường xuyên vay mượn tiền bạn, liệu có thật sự để chi tiêu hợp lý hay có lý do khác khó nói hơn. Khi biết được lý do, bạn lại tiếp tục cân nhắc việc báo lại với gia đình cậu ấy nếu D đã lún sâu vào một thói xấu nào đó. Đây là bạn đang giúp D và giúp cả chính mình. Tuy nhiên, bạn nên khéo léo, cẩn thận và nhẹ nhàng khi làm việc này, tránh khiến D nóng giận hơn rồi có những hành động quá khích, vượt kiểm soát. Hãy nhớ rằng lòng tốt là một điều đáng trân trọng nhưng cần đặt lòng tốt đúng chỗ thì càng đáng quý hơn.
Mong rằng bạn sẽ giải quyết được vấn đề một cách êm đẹp nhất.