Hiện tại khoa Nhi Bệnh viện Bà Rịa đang điều trị cho hơn 140 bệnh nhi, trong đó có khoảng 35 ca sốt xuất huyết (SXH) trở nặng. Giai đoạn này số ca SXH nằm viện tăng gấp nhiều lần so với những tháng trước đó. Trong khi đó, khoa chỉ có công suất 120 giường bệnh, nên một số bệnh nhân phải nằm ghép 2 người/giường.
Không chỉ khó khăn về giường bệnh, bệnh nhi SXH tăng cũng gây nhiều áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ. BS Bùi Thế Mạnh, Khoa Nhi (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, mỗi ca trực của khoa chỉ có 2 bác sĩ và 5 điều dưỡng. Ngoài phòng bệnh thông thường, khoa còn có 2 phòng hồi sức sơ sinh và cấp cứu. Riêng ICU của khoa có 8 giường bệnh, nhưng thường xuyên quá tải. Phòng ICU này dành chăm sóc và điều trị những ca bệnh nặng, tuy nhiên chỉ có được 1 bác sĩ/ca trực nên rất vất vả.
“Giai đoạn này đang vào mùa SXH và tỷ lệ ca chuyển nặng khá nhiều. Trung bình ICU điều trị cho 5 ca SXH nặng/ngày, có ngày tới 10 ca. Những bệnh nhân này phải theo dõi chặt chẽ nên chúng tôi phải làm việc cả ngày lẫn đêm, không có thời gian nghỉ ngơi”, bác sĩ Mạnh chia sẻ.
Bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Nguyễn Long
Tương tự, những khoa có điều trị SXH tại Bệnh viện Vũng Tàu cũng xảy ra tình trạng thiếu giường bệnh do bệnh nhân nhập viện tăng cao. Đơn cử, khoa Nhiễm có 40 giường bệnh, nhưng đã có tới hơn 30 bệnh nhân SXH. Để bảo đảm công tác điều trị và chăm sóc cho các bệnh nhân khác, khoa phải kê thêm 15 giường dành cho các trường hợp sốt siêu vi, viêm phổi, lao…
Khoa Nhi đang điều trị cho gần 90 bệnh nhi, nhưng trong số này có 50% ca SXH. Với số ca bệnh SXH nhập viện ngày càng nhiều, khoa đã kê thêm 18 giường lên 80 giường bệnh.
BS Lê Quốc Bàn, Trưởng Khoa Nội (Bệnh viện Vũng Tàu) thông tin thêm, khoa điều trị cho từ 20-40 bệnh nhân SXH/ngày cũng khiến khoa thiếu giường bệnh. Vì thế, Bệnh viện đã điều tiết giường từ những khoa có ít bệnh nhân đến các khoa có đông ca bệnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 4.000 ca t. Trong đó, TP.Vũng Tàu là địa phương có diễn biến dịch SXH phức tạp nhất, khi đã ghi nhận hơn 2.600 ca, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, đến nay SXH chưa có vắcxin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, chủ động phòng chống bệnh vẫn đang là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cảnh báo nguy cơ dịch sốt xuất huyết lan rộng: