Ngày nay, bệnh ung thư đang có xu hướng phát triển nhanh trên thế giới. Việt Nam là nước nằm trong nhóm có tỷ lệ người mắc bệnh cao. Ung thư do nhiều nguyên nhân và yếu tố gây ra. Trong đó, có thể chia ra 2 nhóm chính: nguyên nhân bên ngoài (thuốc lá, dinh dưỡng không hợp lý, môi trường ô nhiễm); nguyên nhân bên trong (rối loạn di truyền...).
Mặc dù ung thư là căn bệnh nguy hiểm và ngày càng phổ biến tại Việt Nam, nhưng quan niệm sai lầm của nhiều người dân khiến việc điều trị gặp khó khăn và nguy cơ tử vong tăng. TS.BS cao cấp Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt đưa ra 3 sai lầm lớn nhiều người đang mắc phải.
Ung thư không có biện pháp phòng bệnh
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, 1/3 số bệnh ung thư có thể dự phòng, 1/3 chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời; bằng các phương pháp điều trị, chăm sóc, có thể kéo dài thời gian và nâng cao chất lượng sống cho 1/3 số ung thư còn lại.
40% loại ung thư có thể dự phòng. 30% loại có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
70% bệnh nhân ung thư có thể kéo dài thời gian sống (trên 5 năm)
80% bệnh nhân ung thư vú ở các nước phát triển có thể chữa khỏi
70 % người Việt Nam đến khám ung thư vú khi ở giai đoạn muộn…
Phòng bệnh ung thư có lịch sử khá dài. Cách đây hơn 200 năm bác sĩ Percivall Pott đã mô tả ung thư da bìu trên những người thợ nạo ống khói ở Anh và đề ra phương pháp đề phòng. Qua 100 năm, các biện pháp phòng ngừa, bệnh này đã biến mất hoàn toàn.
20 năm qua là chặng đường tiến bộ lớn trong nghiên cứu ung thư. Hiệp hội chống ung thư Quốc tế đề ra 4 nội dung của chương trình Phòng chống ung thư gồm: Phòng bệnh, phát hiện sớm, nâng cao hiệu quả điều trị ung thư; chống đau và chăm sóc triệu chứng cho bệnh nhân giai đoạn muộn.
Trong 4 nội dung, phòng bệnh luôn chiếm vị trí ưu tiên quan trọng. Đối với mỗi người, phòng có nghĩa là loại bỏ hoặc giảm thiểu tiếp xúc với các nguyên nhân gây bệnh như: Chống hút thuốc lá, nghiện rượu, dinh dưỡng hợp lý, chống ô nhiễm môi trường, không lạm dụng điều trị y tế…
Ung thư không chữa khỏi được
Các nghiên cứu về chuyên khoa ung thư trên thế giới và Việt Nam cho thấy 40% loại ung thư có thể dự phòng; 30% loại có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Khám sức khỏe định kỳ hàng năm ít nhất một lần là cách để giúp sớm phát hiện ung thư và cũng đảm bảo quá trình điều trị thành công. Tại Việt Nam, trong vài năm gần đây, số ca bệnh ngày càng gia tăng, chủ yếu được phát hiện khi đã ở giai đoạn cuối, gây khó khăn cho công tác điều trị và thậm chí tử vong nhanh. Ở Việt Nam, người dân vẫn còn thờ ơ với khám sức khỏe định kỳ, chỉ khi đau ốm và có những biểu hiện ra bên ngoài cơ thể mới đến bệnh viện. Thậm chí, nhiều người tin vào cách chữa phản khoa học của các lang băm, thầy cúng đến khi quá nặng mới đi bệnh viện thì đã muộn.
Bị ung thư “động dao kéo” sẽ "đi" nhanh
Đây là một quan niệm rất sai lầm vì khi mắc bệnh, các bác sĩ sẽ chia bệnh nhân làm 2 nhóm có thể và không thể phẫu thuật. Trong đó, nếu được chỉ định phẫu thuật, bệnh nhân có cơ hội được chữa khỏi hoàn toàn với tỷ lệ cao nhất. Phẫu thuật cũng không gây nguy cơ lan tràn bệnh.
15-20% các loại ung thư biểu mô giai đoạn sớm (giai đoạn I,II) và bệnh có tính chất tại chỗ được phẫu thuật khỏi.
90-95% ung thư biểu mô tuyến dạ dày ở giai đoạn sớm (Early gastric cancer) được điều trị khỏi bằng phẫu thuật, thậm chí chỉ là phẫu thuật can thiệp tối thiểu (minimal invasive surgery).
80-90% ung thư đại tràng ở giai đoạn Dukes A,B chỉ cần phẫu thuật cắt đoạn đại tràng (phải hoặc trái, hoặc đại tràng ngang) với vét hạch nguyên tắc sống quá 5 năm.
100% ung thư da loại tế bào đáy chỉ cần phẫu thuật là đủ.
Đây cũng là phương pháp lâu đời nhất của điều trị ung thư, tạo cơ hội tốt nhất để ngăn chặn nhiều loại bệnh và có vai trò trong việc chẩn đoán, định giai đoạn giúp đỡ điều trị. Việc "động dao kéo" đối với mỗi bệnh nhân cũng khác nhau, phụ thuộc vào loại ung thư và sức khoẻ từng người.
Ở Việt Nam, tỷ lệ chẩn đoán sớm các loại bệnh ung thư nói chung còn đang là thách thức lớn. 70-80% bệnh nhân đến điều trị ở giai đoạn tiến triển nếu không nói là muộn. Lúc này, việc phẫu thuật chỉ là một biện pháp phối hợp trong điều trị nhưng vẫn rất quan trọng.