Chúng ta không hẳn lấy căn bệnh để biện minh cho hành động của kẻ giết người, nhưng nếu ai đã từng làm mẹ, sẽ hiểu được đôi chút và cảm thông cho người mẹ trẻ trong vụ việc này. Tôi cũng là người từng trải qua cảm giác của người mẹ đáng thương trong vụ giết người.
Tôi 29 tuổi mới lấy chồng và vốn là một người hướng ngoại, lạc quan vui vẻ luôn suy nghĩ tích cực. Tôi có việc làm ổn định, lấy một người chồng tạm gọi là soái ca, gia đình chồng cũng yêu quý. Nói chung, cuộc sống làm dâu của tôi không có vấn đề gì đáng bàn hay uất ức.
Tôi mang thai 9 tháng khỏe mạnh, cũng rất hào hứng đón đứa con đầu lòng. Sinh nở thuận lợi. Tuy nhiên, khi sinh con ra đến tuần thứ 3 thì tâm lý tôi bắt đầu thay đổi. Tôi thấy khó chịu khi con khóc, đặc biệt bực bội khó chịu khi con ti lâu, khác hẳn với cảm giác yêu thương gắn bó xúc động hạnh phúc khi mới sinh con. Thời gian bé khóc dạ đề thật sự là thời gian khủng hoảng. Tôi và bà phải thay nhau bế bồng con trên tay. Trong khi chồng thì đi làm cả ngày, không đỡ đần được vợ thức đêm trông con. Nhiều lúc chỉ mơ ước quay lại cuộc sống độc thân, thèm một giấc ngủ đêm trọn vẹn. Có khi nghe tiếng khóc của con, tôi bực tức chỉ muốn ném nó đi. Rồi có những lúc con khóc mình từng chán chường không thèm bồng bế không thèm dỗ, cứ để con nằm đó, nghĩ “mày khóc chán thì thôi”. Nhưng cảm giác nghe con khóc khó chịu lắm các bạn ạ. Người nóng bừng bừng, nếu không có bà ở đó thì tôi không chắc mình có ném con xuống đất hay không nữa. Rồi có lúc, tôi có ý nghĩ dại dột là lấy gối đè mặt con để nó không khóc nữa, cứ như có giọng nói trong đầu vang lên ra lệnh vậy. Đến giờ, nhớ lại những suy nghĩ và hành động thời điểm đó, tôi còn thấy rùng mình và ghê sợ.
Hàng ngàn câu hỏi trong đầu, “Tại sao lại mình lại lấy chồng, tại sao cuộc sống độc thân vui vẻ lại sinh ra con cái để phải chịu đựng mệt mỏi thế này? Tại sao tôi lại phải chăm đứa trẻ này?" Những giây phút thoát ra khỏi những suy nghĩ ấy, tôi bắt đầu để ý và vô cùng ngạc nhiên khi không còn có cảm giác gắn bó với con, không thấy vui vẻ hạnh phúc khi ngắm con mà thấy vô cùng bực tức xen lẫn lạ lẫm. Tôi vẫn chăm sóc cho con nhưng cảm xúc giảm đi phần nào. Tôi bắt đầu hiểu ra vấn đề của mình nằm ở tâm lý và mày mò lên mạng tìm nguyên nhân của bệnh trầm cảm sau sinh. Biết được đó là căn bệnh không hề đơn giản tôi tìm cách chữa trị gấp khi nó còn đang lên mầm.
Bắt đầu từ đó, mặc cho gia đình can ngăn về việc kiêng cữ sau sinh. Ngoài tháng tôi bắt đầu ra ngoài trời hóng gió, đưa con đi dạo. Tôi cũng thay đổi lịch sinh hoạt, tự tập thể dục nhẹ nhàng tại nhà, hẹn hò với bạn bè, đi cà phê để tám chuyện và tâm sự với chồng những suy nghĩ của mình. Tất nhiên chồng không thể hiểu hết được và không tin có căn bệnh như vậy. Nhưng chỉ vài lời an ủi của anh "Em yên tâm, rồi mọi chuyện ổn cả" tôi đã cảm thấy mình được san sẻ đi phần nào.
|
Chữa trầm cảm, bạn hãy tự vạch định cho mình một lịch trình. |
Rồi tôi thuyết phục bà thay đổi chế độ ăn hàng ngày, không còn những món ăn truyền thống, cá thịt kho nghệ nữa.
Song song với đó, tôi tạo niềm vui tại nhà bằng cách mở nhạc, xem clip hài để xoa dịu căng thẳng. Mỗi khi có ý nghĩ làm con đau, mình lại lẩm bẩm những câu thần chú “Mình yêu con, mình không muốn làm hại con”. Tôi cũng năng nói chuyện với bé hơn, nhìn những đổi thay từng ngày của con cũng khiến tôi vơi bớt phần nào căng thẳng.
Sau 4 tháng, tôi đã thực sự trở lại bình thường, một phần do con hết khóc quấy, phần nữa tôi được gia đình quan tâm hơn. Sự trở lại của một người mẹ yêu con không dễ nhận ra mà nó từ từ, dần dần đến khi tự mình thấy nhớ con, yêu con từng giây từng phút không muốn rời xa.
Hi vọng câu chuyện của tôi sẽ đến với nhiều người , để không những phụ nữ làm mẹ biết mà những người chồng, người thân trong gia đình quan tâm, hiểu hơn, chia sẻ nhiều hơn với ng phụ nữ làm mẹ để không xảy ra chuyện đáng đau buồn mẹ trầm cảm sau sinh giết con như trường hợp vừa qua.