Nhiều người cho rằng, một số loại rau nào đó có khả năng phòng và điều trị ung thư nên họ ăn hằng ngày, thậm chí ăn với số lượng lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một số loại rau có thể có các chất chống oxy hóa, vitamin… nhưng để hàm lượng này có khả năng chống ung thư thì còn quá ít, vì thế cần cân đối món ăn hơn.
Ăn đến phát ớn rau chống ung thư
Bà Nguyễn Thị Luân (Hoàng Mai, Hà Nội) vốn có tiền sử ung thư từ gia đình, vì thế khi nghe nói các loại rau như súp lơ, khoai tím có khả năng ngăn ngừa ung thư nên ngày nào bà cũng mua và chế biến làm các món ăn. Theo đó, rau súp lơ được bà chế biến từ xào đến luộc mỗi ngày hai lần, trừ bữa sáng. Còn khoai lang tím, bà dùng để luộc, hấp, rán đến ninh cùng xương. Vì thế, hai món này luôn thường trực trên mâm cơm nhà bà. Thời gian đầu chồng và các con cũng hưởng ứng việc ăn rau chống ung thư, nhưng suốt một thời gian dài ăn món này khiến cả nhà phát ngấy...
Theo TS Trần Ngọc Hùng, Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Rau quả, về khả năng ngăn ngừa ung thư chúng ta cần hiểu rõ hai vấn đề. Thứ nhất, rau là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn, bởi nó cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể như các nhóm vitamin, chất khoáng, chất xơ cùng các vi chất khác. Vì thế, dù là ăn rau gì, đã được chứng minh là an toàn thì đều tốt cho sức khoẻ và tăng cường các chất dinh dưỡng. Khi cơ thể khoẻ và tăng sức đề kháng sẽ phòng ngừa được các nguy cơ bệnh tật, trong đó có ung thư.
Thứ hai, các loại rau như súp lơ, chùm ngây... dù đã được nghiên cứu có thành phần chống oxy hóa hay các chất có khả năng ngăn ngừa ung thư cao hơn các loại rau khác. Tuy nhiên, cách nói này không đồng nghĩa các loại rau này có khả năng trực tiếp trong đời sống và cơ thể chúng ta. Bởi để ngăn ngừa một cách hiệu quả, hay nói một cách rõ ràng hơn là chống và tiêu diệt các mầm mống có khả năng gây nên ung thư thì cần một hàm lượng cao khi ăn vào. Để có hàm lượng này, cần có sự chiết xuất, chế biến và nghiên cứu nhằm biệt hóa chúng khi vào cơ thể nhằm nâng cao ở chất lượng và tác dụng cao. Vì thế, nếu có ở rau thì tác dụng sẽ không cao, nên không thể xem rau như thuốc mà dùng hàng ngày để đạt tác dụng.
|
Ảnh minh họa. |
Cần thay đổi cách thức chế biến
Đồng quan điểm, PGS.TS Hà Văn Thuyết, Bộ môn Công nghệ thực phẩm và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, các loại rau nhìn chung đều tốt nhưng không vì nghe nói có các chất có vẻ tốt thì sẽ ăn hằng ngày. Thay vào đó, người dùng cần chế biến các món ăn một cách hợp lý, khoa học nhằm đảm bảo cân bằng dinh dưỡng cũng như tăng khẩu vị cho các thành viên trong gia đình.
Cụ thể, các chuyên gia khuyên, không nên ăn quá nhiều và thường xuyên một loại rau trong tuần/tháng. Cách thức chế biến cũng cần thay đổi, nhưng hạn chế xào, rán. Bởi cách này có thể làm tăng các nguy cơ như chất béo, axit, các chất biến đổi do nhiệt trong thực phẩm.
Ngoài ra, ăn quá nhiều một loại rau, đặc biệt là rau có chứa nhiều vitamin có thể dẫn đến tình trạng thừa vitamin gây ảnh hưởng sức khoẻ. Trong đó, không loại trừ ăn quá nhiều rau chứa chất dinh dưỡng cao vào buổi tối có thể gây mất ngủ, trằn trọc và tiêu hóa kém. Hay như rau chùm ngây không tốt cho người mới có thai do có thành phần alpha sitosterol gây nguy cơ sẩy thai...
“Lựa chọn rau có nhiều chất dinh dưỡng là tốt. Thế nhưng, trong thời điểm này cần xem thực phẩm sạch, an toàn là yếu tố tiên quyết so với giá trị dinh dưỡng của các loại rau. Bởi rau dù có chất dinh dưỡng nhưng cũng không thể ngăn ngừa được các chất độc gây tác hại với cơ thể. Nhất là hiện nay có nhiều loại thuốc có tác dụng mạnh, khả năng tồn dư cao, sự đào thải ra ngoài cơ thể kém làm tăng nguy cơ ung thư”.
TS Trần Ngọc Hùng