Ung thư thực quản bắt đầu ở các tế bào trong lòng thực quản. Theo thời gian, ung thư có thể xâm nhập sâu hơn vào các lớp của thành thực quản. Do thực quản không có thanh mạc nên u nhanh chóng xâm lấn qua cơ quan lân cận.
Các tế bào ung thư có thể lây lan bằng cách phá vỡ từ khối u ban đầu cũng có thể xâm nhập vào mạch máu hoặc mạch bạch huyết quanh thực quản, nhanh chóng di căn vào hạch ngay khi bệnh còn mới và di căn xa khắp các mô của cơ thể như phổi, gan, xương.
Hiện nay, ung thư thực quản là một trong những loại ung thư phổ biến nhất. Vậy dấu hiệu, triệu chứng của ung thư thực quản là gì, nhóm người nào dễ bị ung thư thực quản tấn công nhất?
|
Ảnh minh hoạ. |
Dấu hiệu, triệu chứng của ung thư thực quản
Ung thư thực quản giai đoạn sớm không gây ra triệu chứng. Khi ung thư tiến triển, các triệu chứng phổ biến nhất là nuốt nghẹn, có cảm giác thức ăn bị vướng trong thực quản và có thể bị nôn trở ra.
Nôn: Xuất hiện khi biểu hiện nuốt nghẹn đã rõ rệt. Nôn có thể xảy ra trong bữa ăn, ngay sau khi ăn. Chất nôn là thức ăn vừa mới ăn vào không có lẫn dịch vị, có thể có ít máu trong chất nôn.
Tăng tiết nước bọt: Khi bệnh nhân nuốt nghẹn nhiều thì nước bọt hầu như không xuống được dạ dày nên bệnh nhân luôn phải nhổ nước bọt.
Sụt cân: Bệnh nhân gầy sút, suy kiệt, thiếu máu.
Nhóm nguy cơ cao mắc bệnh ung thư thực quản
1. Người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư thực quản: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh ung thư thực quản có hiện tượng cộng gộp gia đình rõ ràng, càng có quan hệ huyết thống thì nguy cơ họ hàng mắc ung thư thực quản càng cao.
2. Người có thói quen ăn uống không tốt: Dùng thường xuyên đồ chua, đồ chiên rán, đồ nhiễm nấm mốc, ăn quá cứng, quá nóng, quá nhanh có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
|
Ảnh minh hoạ. |
3. Thiếu dinh dưỡng: Ăn không đủ rau quả, thiếu vitamin (vitamin A, vitamin B2, vitamin C,…), kẽm, selen, molypden và các nguyên tố vi lượng khác cũng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
4. Người hút thuốc lá, nghiện rượu lâu năm: Rượu bia sẽ làm tổn thương niêm mạc thực quản, mức độ càng cao thì mức độ tổn thương niêm mạc thực quản càng lớn. Thuốc lá không tốt cho bất kỳ cơ quan nào.
5. Người có các triệu chứng về đường tiêu hóa trên: Buồn nôn, nôn, đau bụng, đau tức, ăn uống khó chịu và các triệu chứng bất lợi khác. Kích thích thực quản trong thời gian dài có thể khiến tế bào thực quản bị tác động bởi các chất gây ung thư trong quá trình tăng sinh và trở thành ung thư.
6. Nhiễm HPV: HPV là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung, nhưng các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng nhiễm HPV cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
7. Dân số trung niên và cao tuổi: Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư thực quản càng cao, theo khuyến cáo của quốc tế và kinh nghiệm hiện nay ở Việt Nam thì những người ở độ tuổi 45-74 có nguy cơ mắc ung thư thực quản rất cao.