Sự thật nghiệt ngã cô dâu 8 tuổi ngoài đời thực

Google News

Bé gái 8 tuổi cưới người chồng hơn cô đến 32 tuổi sống tại thị trấn Meedi, tỉnh Hajjah, phía tây bắc Yemen. Ngay trong đêm "cô dâu 8 tuổi" tử vong.

Sự việc Rawan cô dâu 8 tuổi tử vong trong đêm tân hôn dù đã xảy ra 3 năm trước nhưng cho đến nay vẫn được truyền thông thế giới đưa tin, không chỉ bởi vụ việc quá kinh khủng mà còn bởi những bí ẩn, nhập nhằng, bưng bít thông tin đằng sau tục lệ cổ hủ.
Theo báo the Guardian của Anh, bé gái 8 tuổi trên là người Yemen. Vào tháng 9/2013, cô bé cưới chồng, một người đàn ông hơn cô đến 32 tuổi sống tại thị trấn Meedi, tỉnh Hajjah, phía tây bắc Yemen.
 Cô dâu 8 tuổi, Rawan trong ngày cưới.
Và sự cố đã xảy ra ngay tại đêm tân hôn. "Vào đêm tân hôn, cô bé đã bị chảy máu trong và gãy đốt sống cổ tử cung", Othaman, Arwa Othaman, người đứng đầu tổ chức Ngôi nhà văn hóa dân gian Yemen cho hay.
"Họ đã đưa nạn nhân tới một phòng khám địa phương nhưng các y bác sĩ đã không cứu được cô bé", ông Arwa Othaman cho biết.
Tuy nhiên, khi mới xảy ra sự việc đau xót này, các nhà chức trách địa phương đã giấu kín chuyện và không muốn báo chí vào cuộc. Một quan chức an ninh tại thị trấn Meedi thậm chí còn nói rằng không có chuyện gì xảy ra . Khi bị truyền thông săn đón thì ông một mực từ chối xưng tên cũng như bàn luận về vụ việc với lý do ... không được ủy quyền để phát ngôn trước báo chí.
Tuy nhiên, hàng xóm thì biết quá rõ vụ việc. Hai cư dân ở Meedi đã xác nhận với hãng thông tấn Reuters về vụ việc trên và cho biết các tộc trưởng đang cố gắng để che đậy vụ việc khi tin tức rò rỉ, và cảnh báo một phóng viên địa phương không được đưa tin.
 Cô bé 8 tuổi và người chồng hơn cô bé 32 tuổi.
Và sau sự việc đến cả tuần, dù đã có nhiều tờ báo đưa tin nhưng theo ông Othaman, các nhà chức trách hiện vẫn chưa có hành động nào chống lại gia đình cô dâu hay chồng của cô.
Tục lệ gả con để... thoát nghèo
Cô dâu trên chỉ là 1 trong rất nhiều cô bé bị ép gả chồng từ khi chưa dậy thì ở Yemen. Tình trạng các bé gái bị gả chồng khi còn rất nhỏ vẫn diễn ra phổ biến ở đất nước này cũng như một số nơi khác trên thế giới như Ấn Độ, Afghanistan.
Lý do khiến các gia đình ở nơi đây gả con từ sớm là vì cha mẹ không muốn mất tiền nuôi dưỡng con gái. Hơn nữa, họ cũng lại kiếm được một khoản tiền đáp lễ từ nhà trai.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc vào tháng 1/2015, 10,5 triệu trong số 24 triệu dân Yemen vẫn thiếu ăn và 13 triệu người chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch và các hệ thống bảo vệ sức khỏe.
Và cũng theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, gần 14% các bé gái Yemen phải kết hôn trước tuổi 15 và 52 % cưới trước tuổi 18. Tổ chức này cũng cho biết rằng những cô dâu nhí này cũng không được đi học khi dậy thì.
Việc phải lấy chồng sớm khiến cuộc sống của các bé trở nên cơ cực và là đối tượng bị gia đình chồng tra tấn.
Ngày 5/5/2011, một tòa án ở Afghanistan đã xét xử vụ án cô bé Sahar Gul (15 tuổi) bị gia đình chồng tra tấn dã man và nhốt trong nhà vệ sinh 5 tháng. Một bà mẹ 12 tuổi người Yemen mới đây cũng bị tử vong trong lúc lâm bồn do sức yếu và cơ thể còn có nhỏ cho việc sinh con.
Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW) đã nhiều lần kêu gọi Yemen cấm các cuộc hôn nhân đối với bé gái dưới 18 tuổi và cảnh báo điều này sẽ ảnh hưởng tới việc học hành cũng như sức khỏe của các cô dâu nhí.
Và câu chuyện về cô dâu 8 tuổi tử vong trong đêm tân hôn vẫn đang được truyền thông thế giới đăng tải lại như một lời cảnh báo, một lời thức tỉnh để chấm dứt nạn tảo hôn này.
Xem clip giới thiệu phim "Cô dâu 8 tuổi": 
Theo Ngọc Anh/ Người đưa tin

Bình luận(0)