Trung tướng Nguyễn Việt Thành nói về quá trình đánh những vụ án lớn và trăn trở trước nạn tham nhũng hiện nay.
Trung tướng Nguyễn Việt Thành nói về quá trình đánh những vụ án lớn và trăn trở trước nạn tham nhũng hiện nay.
[links()]- Thưa anh, trước khi về hưu anh là Phó văn phòng Ban phòng chống tham nhũng Trung ương. Lúc ấy có dư luận cho rằng, sau khi đánh tan tập đoàn Năm Cam, ’lôi cổ’ nhiều cán bộ, có cả cấp trên của anh, ra trước pháp luật, anh đã “đụng chạm” quá nhiều...
Trong suốt thời gian làm Trưởng ban chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”, tôi nhận được sự chỉ đạo, động viên của nhiều cán bộ cấp cao.
Anh Sáu Dân (tức Thủ tướng Võ Văn Kiệt) vài ngày gọi điện một lần bảo: “Phải làm mạnh lên. Đánh rắn phải đánh dập đầu. Đánh không trúng, nó quay lại cắn chết!”.
|
Vị tướng về hưu trăn trở rất nhiều về nạn tham nhũng hiện nay. |
Đồng chí Tư Sang cũng động viên tôi dữ lắm: “Hãy làm tới nơi tới chốn, xóa cái ung nhọt này cho xã hội” v.v….
Các đồng chí ấy rất quan tâm và ủng hộ tôi và anh em trong ban chuyên án hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi dẹp được vụ Năm Cam, tôi không muốn ra vì chỉ còn hơn 3 năm nữa là về hưu rồi.
Nhưng nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp, động viên. Anh Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng; anh Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng gọi điện kêu riết. Tôi phải đi ra cùng 5 anh em nữa…
- Vậy hơn 3 năm với cương vị Phó văn phòng Ban phòng chống tham nhũng Trung ương anh đã làm gì?
Mất hơn một năm làm tổ chức: Chạy xin nhà, xin phương tiện, xin quân và triển khai xuống địa phương. Thời gian còn lại là ra một số văn bản tham mưu cho Đảng và Nhà nước.
- Suốt thời gian đó anh sống, sinh hoạt ra sao? Kỷ niệm gì anh vẫn còn nhớ?
(Cười) Tự lo thôi. Tiêu chuẩn của tôi có người phục vụ nấu ăn, giặt đồ, dọn dẹp phòng v.v.. được quy ra tiền là 600.000 đồng/tháng.
Mức tiền ấy ở Hà Nội thì thuê ai được nên tôi tự làm hết. Đi làm về là tự nấu ăn, giặt giũ quần áo. Đi chợ thì nhờ ai được thì nhờ, không thì phải tự đi. Mà phần lớn là phải tự đi. Nhờ vậy mà tôi nấu cơm ngon lắm!
Phòng tôi ở gần với anh Trọng (tức Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng lúc bấy giờ, nay đã về hưu - PV). Anh Trọng cũng từ miền Nam ra, một thân một mình.
Anh Trọng có tài nấu cơm cháy ngon lắm. Ăn với mắm kho Nam Bộ thì hết ý. Nhiều hôm anh ấy điện thoại gọi tôi qua ăn cho vui. Hai anh em cùng ăn món cơm cháy do ảnh nấu với mắm kho. Ăn ngon giờ vẫn còn nhớ tài nấu cơm cháy của ảnh!
- Ở thành phồ nghe có dư luận ác ý rằng ’anh có vợ bé trẻ đẹp, có con, ở biệt thự cao sang mấy cái’, anh có bực không?
Tôi sống thế nào ai cũng biết. Có điều những đồn đại ác ý đó không đơn giản là đồn bậy cho vui đâu.
|
Tướng Thành: “Chống tham nhũng, nguy hiểm cũng phải làm” |
- Đúng, dường như có ai đó ’đạo diễn’?
Họ cố tình lập lờ, từ những lời đồn vô căn cứ tôi có nhà biệt thự ở ngoài Bắc và trong Nam, có vợ bé v.v… rồi sau đó gắn vào sự việc vi phạm của mấy anh em sĩ quan ở Công an Tiền Giang.
Đành rằng, mấy anh em không tư lợi nhưng việc làm đó là vi phạm quy định của ngành, vi phạm pháp luật, nên bị xử lý. Tuy nhiên, thời gian đó tôi đã chuyển công tác về Tổng cục cảnh sát rồi.
Có một dấu hỏi trong vụ việc này, đó là 3 sĩ quan bị xử lý, trong đó có người rất có công trong chuyên án “Năm Cam và đồng bọn” như anh Nên chẳng hạn…Pháp luật bình đẳng với tất cả. Ai vi phạm cũng bị xử lý.
Mấy anh em này rất tốt, nhưng đã sơ hở, hành động không đúng quy định nên phải bị xử lý, dù không vụ lợi, tư túi. Đó là điều đáng tiếc cho họ và bài học cho tất cả các chiến sĩ, cán bộ công an!
Còn thành tích của anh Nên và một số anh em công an trong vụ án “Năm Cam và đồng bọn”, chúng ta ghi nhận. Tuy nhiên, như tôi đã nhiều lần khẳng định, muốn chống tội phạm, tham nhũng, tâm anh phải sáng, anh phải trong sạch, anh phải tuyệt đối làm đúng quy định và pháp luật! Anh sơ hở là chết ngay!
- Anh có thể rút ra bài học và kinh nghiệm để công tác phòng chống tham nhũng tới đây có hiệu quả?
Gần đây, Trung ương quan tâm đặc biệt tới công tác cán bộ và phòng chống tham nhũng như thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, theo tôi là rất đúng và rất cần thiết. Đây là quyết sách lớn, vô cùng quan trọng. Cán bộ và nhân dân đang mong mỏi, trông chờ.
Quan thời gian công tác với các nhiệm vụ khác nhau, tôi khẳng định, trước hết vẫn là chọn lựa, đề bạt cán bộ cho đúng. Và phải có cơ chế độc lập, nhất là cơ quan điều tra.
Phải độc lập, lấy pháp luật làm căn cứ thì họ mới làm việc được. Ví như việc đơn giản là thấy con chuột cắn lúa, không được bắt mà phải chạy đi tìm người khác tới thì thua thật! Chống tham nhũng cũng vậy, phát hiện ra tham nhũng nhưng không được xử lý mà phải báo cáo, xin ý kiến rồi chờ đợi.
Nếu được cho phép thì tham nhũng đã xóa dấu vết, mất dạng đi hết còn đâu mà bắt để xử lý!
Vì vậy, lãnh đạo cấp cao phải có quyết tâm. Và phải có bộ máy thực thi được chọn lựa nhân sự phù hợp là những người trong sạch, gương mẫu.
Tham nhũng rất tinh vi, xảo quyệt, chúng không từ bất cứ thủ đoạn nào để che giấu hành vi và chống phá, phản kích lại. Do đó lãnh đạo phải sáng suốt, thấy rõ để có biện pháp đúng, có hiệu quả.
Ở cấp tỉnh cũng phải có bộ máy phòng chống tham nhũng. Vai trò địa phương rất quan trọng, nhất là việc phòng ngừa. Địa phương biết rất rõ, nắm tường tận mọi vấn đề. Địa phương giao cho đồng chí Bí thư tỉnh ủy đứng đầu.
Trong công tác phòng chống tham nhũng, phải sâu sát, sắc bén; chứ cứ xem báo cáo tổng hợp từ dưới gởi lên là thua!
Chẳng có ông lãnh đạo nào dám nói cái xấu của mình đâu! Chúng ta phải xác định một cách sâu sắc rằng, chống tham nhũng giờ đây quan trọng vô cùng, gắn liền với sự tồn vong của Đảng, Nhà nước; với thành quả to lớn của toàn dân tộc từ thế kỷ trước tới nay!
(Theo Viẹtnamnet)