Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá mức "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức.
Sáng 23/10, trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương đã trình QH dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Theo đó, qua lấy phiếu tín nhiệm, người bị tín nhiệm thấp có thể xin từ chức; người bị hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp sẽ bị đưa ra bỏ phiếu để bãi nhiệm.
|
Bà Nguyễn Thị Nương |
Lấy phiếu trên diện rộng
Theo tờ trình, việc lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm là để đánh giá mức độ tín nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ của cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ đánh giá tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn gồm: việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật; tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống.
Về đối tượng, Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn sau đây: chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước.
Hội đồng Dân tộc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các phó chủ tịch, các ủy viên của Hội đồng Dân tộc. Các ủy ban của Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các phó chủ nhiệm, các ủy viên của ủy ban mình.
Hội đồng nhân dân thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thường trực hội đồng nhân dân, trưởng các ban của hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên của ủy ban nhân dân. Các ban của hội đồng nhân dân thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với phó trưởng ban và các ủy viên của ban mình.
Bỏ phiếu kín tại phiên họp toàn thể
Dự thảo nghị quyết quy định: Quốc hội, hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm tại kỳ họp đầu năm, kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các ban của hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm tại phiên họp toàn thể của cơ quan mình, kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ.
Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín tại phiên họp toàn thể. Trên phiếu thể hiện tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ tín nhiệm: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “chưa có ý kiến”.
Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá mức “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức, hoặc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm trong trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”; người được lấy phiếu tín nhiệm 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”.
Nếu dự thảo nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này thì sẽ có hiệu lực thi hành từ năm 2013.
(Theo Tuổi Trẻ)
[links()]