Trong tham luận mở đầu hội thảo “Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng VN”, ông Lê Thanh Hải - ủy viên BCT, bí thư Thành ủy TP.HCM - nhắc 1 câu hỏi của chú Sáu Dân: “Một là để dân đói, các đồng chí giữ nguyên chức vụ. Hai là dân no, các đồng chí mất chức. Chọn cái nào?”...
Đã hơn bốn năm kể từ ngày cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra đi, nhưng ký ức về một vị lãnh đạo luôn đau đáu một chữ “dân” trong suy nghĩ, trong tình cảm, trong tư tưởng, trong quyết định vẫn luôn in đậm trong tâm trí những ai từng được làm việc với ông, được nghe ông nói và thấy những gì ông làm.
|
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và công nhân trên công trường xây dựng trạm biến thế 500kv Pleiku ngày 3-11-1993 - Ảnh: Nguyễn công thành |
Sáng 17-11, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của ông, Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy TP.HCM và Tỉnh ủy Vĩnh Long đồng tổ chức buổi hội thảo khoa học “Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng VN”. Một lần nữa, chữ “dân” được nhắc đi nhắc lại trong hơn 90 bản tham luận, như từng được nhắc hàng vạn, hàng triệu lần trong cuộc đời của ông Sáu Dân (bí danh của ông Võ Văn Kiệt).
Tất cả đều vì dân, cho dân
Ông Võ Văn Kiệt tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, trải qua bao lửa đạn của hai cuộc kháng chiến nhưng tên tuổi, sự nghiệp của ông còn gắn liền với cuộc cách mạng trong thời bình, cuộc cách mạng mang tên đổi mới. Trong bản tham luận mở đầu hội thảo, ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - nhắc lại những câu chuyện mà từng người dân ở TP.HCM đều rung động khi nghe kể về Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt của những năm 1976-1981. Ấy là khi ông trực tiếp đến gặp những người trí thức đang có ý định rời Tổ quốc, nghe những tâm sự, góp ý rút cạn lòng của họ và nói: “Anh em cố gắng ở lại, trong vòng ba năm nữa nếu tình hình không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra sân bay”. Ấy là trong một cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh Tây Nam bộ bàn về giá mua lúa, nếu theo giá chỉ đạo của Chính phủ thì không mua được để xuống giống kịp thời vụ, ông nói: “Một là để dân đói, các đồng chí giữ nguyên chức vụ. Hai là dân no, các đồng chí mất chức. Chọn cái nào?”. Và tất cả đã thống nhất chọn cách thứ hai.
Chỉ một nhiệm kỳ tại TP.HCM, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã có hàng loạt chỉ đạo “xé rào” nhằm tháo gỡ bế tắc cho sản xuất và đời sống. “Nhiều người đã gọi đồng chí là “bí thư xé rào”, sau này lại gọi là kiến trúc sư của đổi mới” ông Lê Thanh Hải nhắc đầy tự hào về người tiền nhiệm của mình.
Ở vai trò một người nghiên cứu, giáo sư Trần Thành - nguyên viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh - phân tích cho đến khi giữ cương vị thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt đã có hơn 50 năm trải nghiệm qua các lĩnh vực hoạt động, từ vận động chính trị, đấu tranh vũ trang, xây dựng và phát triển kinh tế... Ông đã lăn lộn trong dân, ăn cơm, mặc áo của dân, được dân cưu mang, che chở nên thấu hiểu nỗi cực khổ cùng tâm tư, khát vọng giản dị của họ: sau độc lập, tự do là miếng cơm, manh áo, ruộng cày. Sống trong dân, ông học nhiều ở trí tuệ của người dân. Họ không biết lý luận nhưng có cái nhìn rất sáng về cái đúng, cái sai, cái trúng, cái trật của cách mạng. Ông rút ra bài học: cái gì được dân đồng tình, ủng hộ là ta đúng, cái gì bị dân phản đối là ta sai. Một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt là chính quyền được lòng dân, làm được cái mà người dân muốn. Ông hành xử theo cái minh triết ấy của người dân, trí tuệ của ông bắt nguồn từ trí tuệ của dân. Ông dám nói, dám làm bởi ông không có tham vọng cá nhân, tất cả đều vì dân, cho dân.
Vì thế ông Sáu Dân đã xông pha làm một trong những người tiên phong đi đầu cuộc đổi mới, cho đến tận ngày rời chức vụ khi đã 75 tuổi, vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Hào hứng với những cơ hội phát triển kinh tế nhưng ông không phút nào quên người nghèo, giáo sư Trần Thành nhắc lại một lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng lưu ý với Đảng: “Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề của sự phát triển, phải có những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo”.
|
Thủ tướng Võ Văn Kiệt với bà con dân tộc huyện Chư Pảh (Gia Lai) năm 1996 - Ảnh: TTXVN |
Cùng chung ý kiến, tiến sĩ Phạm Văn Bính nhấn mạnh thêm bằng cách nhắc lại lời ông Sáu dân: “Đảng gắn bó máu thịt với Dân. Trên dòng sông cuộc sống, Đảng mà tách khỏi dân thì chẳng khác nào như cá bị ném lên bờ, chết là chắc”.
Luôn nghĩ cho dân, vì dân, lấy suy nghĩ, ước nguyện của dân làm suy nghĩ và cách giải quyết công việc của mình, trong ông không hề cạn kiệt ý tưởng, suy tư, luôn đầy ắp mong muốn, hoài bão cho dân giàu, nước mạnh, mọi người đều sống ấm no, hạnh phúc. Làm thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt cũng suy nghĩ thống nhất với suy nghĩ của dân về việc dân, việc nước, việc ứng xử trước sau với người đang sống và người đã chết.
Nước Việt Nam của mọi người Việt Nam
Đến từ quê hương ông Sáu Dân, ông Nguyễn Chiến Thắng - nguyên trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long - nhắc lại kỷ niệm những lần ông Sáu về thăm quê, ăn bữa cơm gia đình, hồn nhiên, xông xáo ở tuổi 80. Có lần nghe chuyện về một số cán bộ có thời gian cống hiến lâu năm nhưng bị nhiều nghịch cảnh, chưa được giải quyết chính sách, ông lập tức sắp xếp đến nhà thăm viếng, an ủi, lại yêu cầu cơ quan chức năng tìm hiểu, làm rõ.
Có người đặt câu hỏi tại sao ông lại đi thăm những gia đình có vấn đề, ông vui vẻ giải thích: làm cách mạng, có người may mắn, có người vô cùng khó khăn. Có người suốt mấy chục năm dũng cảm quật cường, không may bị bắt, tra tấn, tù đày, có những phút quá khắc nghiệt giữa cái sống, cái chết trong nháy mắt mà xiêu lòng. Có thể quá trình cách mạng chưa trọn vẹn nhưng không vì thế mà không giữ được tình đồng chí, tình người với nhau.
Ông Võ Văn Kiệt là như vậy, giáo sư Mạc Đường lặp lại câu nói nổi tiếng của ông: “Không ai chọn cửa mà sinh ra” tại công viên Tao Đàn từng tiếp thêm động lực cho bao thanh niên, học sinh, sinh viên TP.HCM thế hệ thứ tư để tiến đến tương lai bằng thực tâm, thực học, thực tài. “Đã có một thế hệ coi anh là thần tượng” - giáo sư Mạc Đường nhắc.
Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng viết: “Đất nước VN, giang sơn VN cùng mọi thành quả của nền văn hóa VN không phải của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người VN, của cả dân tộc VN... Phải phát huy dân chủ cao độ, thực hành dân chủ thật sự, hòa hợp dân tộc rộng rãi. Mọi người VN không chỉ là chủ đất nước mà phải làm chủ thật sự, được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được thụ hưởng thành quả dân chủ”.
Thần tượng của nhiều thế hệ
Ông Nguyễn Trọng Minh, khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM, tham gia hội thảo với đề tài “Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với vấn đề sử dụng tri thức trong công cuộc đổi mới”. Bản tham luận đầy ắp câu chuyện của Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt. Nghe nói có nhóm Thứ Sáu gồm các chuyên gia tự nhóm họp vào chiều thứ sáu hằng tuần, ông sắp xếp đến nghe, rồi lại mời ra tận Hà Nội để trình bày ý tưởng với Chính phủ...
Làm thủ tướng, ông càng lắng nghe nhiều hơn nữa những ý kiến của tổ chuyên gia tư vấn, những trí thức ở nước ngoài. Ông bảo: “Kinh nghiệm của nhà lãnh đạo là phải nghe rất kỹ ý kiến chuyên gia”. PGS.TS Phan Xuân Biên kể: ông Sáu luôn tôn trọng, lắng nghe, dù ý kiến của giới trí thức không phải lúc nào cũng đồng thuận, thuận chiều. Ông nói “nghe xuôi, nghe ngược, có khi nghe xốn cả lỗ tai” nhưng vẫn khuyến khích, cổ vũ những ý kiến tâm huyết...
Dấu ấn Võ Văn Kiệt sâu đậm như vậy, nên không chỉ có “thế hệ thứ tư” như lời giáo sư Mạc Đường nói, mà có thể nhận rõ ngay trong buổi hội thảo này: đã có nhiều thế hệ coi ông là thần tượng. Những gì ông để lại đến hôm nay vẫn còn là những bài học sống động, giá trị và tối cần thiết để phải nhắc lại.
Theo Tuổi trẻ