Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đưa 3 phương án
Chiều 18/9, thảo luận về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đưa 3 phương án về 3 mô hình Ban chỉ đạo TƯ phòng chống tham nhũng.
Phương án 1: Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu và Ban Nội chính TƯ là cơ quan thường trực.
Phương án 2: Chỉ quy định trách nhiệm của Ban chỉ đạo trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng chống tham nhũng trong phạm vi cả nước và giao UBTVQH quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo.
Phương án 3: không có quy định về Ban chỉ đạo trong dự thảo luật.
|
Ông Huỳnh Phong Tranh. |
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiện đánh giá, trong 3 phương án về Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng, phương án 1 không phù hợp với tiền lệ quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, cụ thể là văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội không thể quy định tổ chức, hoạt động, chức năng của cơ quan Đảng.
Tương tự, phương án 2 lại đề xuất giao cho UBTVQH quy định tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu cũng không có căn cứ.
Chỉ còn phương án 3 là không quy định tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo trong luật. Ban chỉ đạo là một ban của Đảng, trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban. Không tổ chức Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố về phòng chống tham nhũng mà tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác phòng chống tham nhũng và có trách nhiệm phối hợp với Ban chỉ đạo TƯ khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương. Bộ Chính trị xem xét, quyết định cụ thể việc lập Ban Nội chính ở các tỉnh ủy, thành ủy.
“Việc thành lập Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của TƯ Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng là phù hợp”, UB Tư pháp nhận định.
Khá nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình chọn phương án 3, không đưa quy định về Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng vào trong dự luật.
Ngay cả Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thừa nhận: “Phương án 3 là hợp lý nhất. Việc quy định thành lập Ban chỉ đạo thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng rất cao của Đảng và cũng thể hiện rằng, Đảng tôn trọng pháp luật, không đứng trên luật”.
(Theo Đất Việt)
[links()]