Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm xét nghiệm ADN và công nghệ di truyền Hà Nội chia sẻ, nhiều năm làm xét nghiệm ADN, bà đã gặp rất nhiều trường hợp vui có, buồn có sau khi nhận tờ kết quả trên tay. Có gia đình mừng rỡ vì đã tìm lại được người thân sau nhiều năm, nhưng cũng có không ít gia đình tan vỡ vì kết quả tiết lộ sự thật được giữ kín bấy lâu nay.
Tuy nhiên, cũng có những người, dù kết quả xét nghiệm cho biết không cùng huyết thống, nhưng gia đình, vợ chồng vẫn chấp nhận gạt đi quá khứ để xây dựng tương lai, để những đứa trẻ được sống đủ đầy bên vòng tay cha mẹ. Dù rằng nhưng trường hợp như vậy chẳng có nhiều.
Câu chuyện của gia đình anh Đ.Q (42 tuổi) và vợ là chị N.T.L (40 tuổi, ở Hà Nội) là một trường hợp như vậy. Hai vợ chồng anh Q có với nhau 2 con trai, cháu lớn 11 tuổi, cháu nhỏ hơn 5 tuổi, trước khi có kết quả xét nghiệm ADN gia đình anh vô cùng hạnh phúc.
Anh Q cũng thừa nhận rằng, vợ anh là người chu đáo, quan tâm đến gia đình nhà nội, hết mực chăm lo cho chồng và hai con. Thế nhưng, một ngày mùa thu đẹp trời, anh Q kết thúc chuyến công tác xa về nhà, khi đó chị L đang dồn hết tâm trí để chuẩn bị bữa cơm chiều trong ngày gia đình đoàn tụ.
Từ tin nhắn lạ trong điện thoại, người đàn ông phát hiện một trong hai đứa con trai không phải con đẻ của mình. Ảnh minh họa.
“Khi đó điện thoại vợ tôi để ngoài bàn, bỗng có tin nhắn gửi đến, tôi cầm điện thoại vào cho vợ vô tình đọc được nội dung: “Em dạo này thế nào? Hai mẹ con có khỏe không?”. Khi vợ mở điện thoại, tôi nhận ngay ra người đàn ông đó là người quen, từng công tác cùng cơ quan vợ trước đây, giờ đã chuyển đến một nơi xa”, anh Q kể lại.
Khi đó, anh Q nổi máu ghen tuông, hỏi vợ nhưng chị L chỉ biết ôm mặt khóc và không nói gì. Lục lại trí nhớ, anh Q thấy thời gian chuyển công tác của người đàn ông kia, trùng khớp với tuổi con trai mình nên quyết định sẽ đi xét nghiệm ADN. Kết quả, anh Q và đứa con 5 tuổi không cùng huyết thống. Về nhà, người đàn ông tức giận, đuổi hai mẹ con về bên ngoại. Dù khi đó vợ khóc lóc, van xin nhưng anh Q không tha thứ.
Khi hai bên gia đình biết chuyện, đợi anh Q bình tĩnh mới ngồi lại chia sẻ về sự việc đã xảy ra. Khi đó, vợ anh Q thừa nhận, đó là một lần liên hoan chia tay và trót dại, từ đó không hề có bất kể liên lạc nào với người đàn ông ấy. Dù vẫn rất bực mình vì những lỗi lầm của vợ, nhưng sau khi được chính những người thân gia đình bên nội tâm sự, chia sẻ anh Q đã chấp nhận tha thứ.
“Tôi nghĩ rằng, đứa trẻ không có lỗi. Hơn nữa, hơn 10 năm chung sống, cô ấy luôn hết lòng vì gia đình, điều này ai cũng thừa nhận. Vì thế, tôi chấp nhận tha thứ, vì cô ấy đã biết nhận ra lỗi lầm của mình. Điều lớn lao hơn tôi nghĩ đến đó là không muốn những đứa con tôi rất mực yêu thương phải sống thiếu tình thương của cha hoặc mẹ”, anh Q tâm sự.
Bà Nga cho biết, qua kết quả xét nghiệm ADN, không ít gia đình đón nhận niềm vui, nhưng cũng không ít gia đình phải tan vỡ.
Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, trong câu chuyện trên trước hết phải dành lời cảm ơn tới người chồng, vì nếu không có lòng vị tha, bao dung và không yêu thương vợ con thì sẽ không đưa ra được quyết định như vậy. Còn người vợ cũng rất dũng cảm, bởi cô thẳn thắn thừa nhận lỗi lầm, chấp nhận sự trừng phạt chứ không phạm phải sai lầm như nhiều người phụ nữ khác.
“Rất nhiều người vợ hoặc chồng, dù đã sai khi có quan hệ ngoài luồng nhưng lại cố che đậy cái sai của mình. Khi bị nghi ngờ, cố tìm cách mua chuộc nhân viên nơi xét nghiệm ADN để có kết quả thuận lợi cho mình. Chính điều này sẽ khiến sai càng thêm sai”, bà Nga chia sẻ.
Theo bà Nga, xét nghiệm ADN được chạy bằng máy móc hiện đại, nên có độ chính xác lên đến 99,9%. Đến nay đây vẫn là xét nghiệm được đánh giá là có kết quả chính xác nhất. Tỷ lệ sai sót xảy ra ở kết quả xét nghiệm gần như bằng 0 nếu thực hiện đúng các quy trình như quy định. Với nhân viên xét nghiệm, họ luôn ý thức được việc làm sai lệch kết quả sẽ là vi phạm pháp luật, hơn nữa đây còn là đạo đức nghề nghiệp nên sẽ không thể mua chuộc để thay đổi kết quả xét nghiệm ADN.