Hiệu trưởng nói gì khi ô tô chạy vào sân trường cán chết học sinh 7 tuổi?
Chiều 16-9, ông Lưu Đức Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin, huyện Krông Búk, Đắk Lắk), cho biết các giáo viên của trường đang phụ giúp gia đình lo mai táng cho em H.N.A.M. (học sinh lớp 2) bị xe bán tải cán tử vong.
Xe bán tải cán chết học sinh lớp 2 trong sân trường.
Theo ông Dũng, sự việc xảy ra vào khoảng 6 giờ 40 phút cùng ngày. Thời điểm này, bảo vệ nhà trường vừa ra phía sau khu tập thể nhà trường bơm nước thì 1 phụ huynh đã lái xe bán tải để đưa con mình vào lớp.
Cùng lúc, có 3 em học sinh nữ lớp 2 đang vào trường và cùng đội chung một chiếc ô do trời đang đổ mưa khá lớn. Do bất cẩn khi lùi xe nên phụ huynh để xe bán tải cán tử vong tại chỗ 1 em học sinh; 2 em còn lại ngã ra, bị xây xước nhẹ và hoảng sợ.
"Sự việc xảy ra quá nhanh khi bảo vệ vừa rời đi khoảng 2 phút. Theo quy định, ô tô không được di chuyển vào sân trường để đưa đón học sinh dù trời mưa hay trời nắng. Qua nắm bắt, phụ huynh này mới lấy bằng lái được 3 tháng" - ông Dũng thông tin.
Chiều cùng ngày, một lãnh đạo Công an huyện Krông Búk cho biết cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và đang tiếp tục điều tra vụ việc.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, gia đình của em H.N.A.M. thuộc diện khó khăn. Sau khi xảy ra sự việc thương tâm, chính quyền địa phường, các tổ chức, đoàn thể đã hỗ trợ gia đình lo hậu sự cho nạn nhân.
Tìm thấy nạn nhân thứ 2 vụ sập cầu Phong Châu
Theo TTXVN, các lực lượng cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Phú Thọ) đã phát hiện 1 thi thể nam giới trên sông Hồng, thuộc địa phận khu 10 (xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao), cách hiện trường vụ cầu Phong Châu bị sập khoảng 8 km về phía hạ lưu sông Hồng.
Công an tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo lực lượng cứu nạn cứu hộ tiến hành trục vớt. Cảnh sát điều tra Công an tỉnh phối hợp với các ngành liên quan tiến hành khám nghiệm tử thi và thông báo cho gia đình có nạn nhân đang mất tích đến nhận dạng.
Danh tính nạn nhân là Lương Xuân T (SN 1968, ở khu 1, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thuỷ). Sau khi hoàn tất các thủ tục khám nghiệm tử thi, cơ quan công an đã bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.
Thi thể nạn nhân T được phát hiện cách cầu Phong Châu khoảng 8 km về phía hạ lưu. Ảnh: CTV
Theo ghi nhận đến thời điểm hiện tại, lực lượng cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Phú Thọ đã tìm kiếm được hai nạn nhân mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu. Người trước đó là Nguyễn Thị H, vợ của nạn nhân T.
Trước đó, vào ngày 9/9, xảy ra vụ sập cầu Phong Châu, nguyên nhân do lũ trên sông Thao (sông Hồng) lên rất cao, chảy xiết dẫn đến cuốn trôi trụ T7 và hai nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông).
Sơ bộ ban đầu xác định, tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện rơi xuống sông, trong đó có một ô tô tải, hai ô tô đầu kéo, 6 mô tô, một xe máy điện, 8 người mất tích; đã cứu, đưa 3 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y tế (báo cáo nhanh ban đầu là có 5 người bị thương).
Do nước lũ dâng cao nên việc tìm kiếm, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, chưa xác định chính xác về số lượng phương tiện và số người mất tích.
Hai anh em tử vong thương tâm trên đường nhận quà trung thu về
Ngày 16-9, một lãnh đạo UBND xã Ea Ral (huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk) cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến 2 anh em ruột tử vong thương tâm.
Người thân đau đớn bên quan tài của 2 anh em. Ảnh MXH
Theo thông tin ban đầu, tối 15-9, em Y.A.S.K. (17 tuổi, ngụ buôn Đoàn Kết, xã Ea Ral) chạy xe máy chở theo em gái là H.K.K. (11 tuổi) đi chơi và nhận quà trung thu.
Khoảng 20 giờ cùng ngày, sau khi được nhận quà và trên đường về nhà thì xe máy của 2 anh em bị tai nạn với 1 ô tô.
Vụ tai nạn khiến em Y.A.S.K. tử vong tại chỗ, em H.K.K. được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi.
"Gia cảnh 2 nạn nhân thuộc diện khó khăn. Chúng tôi đã thăm hỏi, động viên và hỗ trợ để gia đình lo hậu sự" - lãnh đạo UBND xã Ea Ral thông tin.
Đâm chết vợ hờ vì nghi ngờ ngoại tình
Ngày 16/9, Công an thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết đã tạm giữ hình sự Trần Chí Hào, sinh năm 1997, tạm trú phường 3, thành phố Cao Lãnh để điều tra về hành vi giết người.
Qua làm viêc, Hào khai nhận sống như vợ chồng với N.N.M.H, sinh năm 2005, nơi thường trú: Khóm Thuận Nghĩa, phường Hòa Thuận, thành phố Cao Lãnh từ năm 2020 đến nay.
Lực lượng chức năng đang làm việc đối tượng Hào về hành vi giết người. Ảnh CACC
Thời gian gần đây, Hào và chị H. xảy ra mâu thuẫn do Hào nghi ngờ chị H. có mối quan hệ với người khác.
Vào khoảng 15 giờ ngày 15/9, khi Hào điều khiển xe môtô cầm theo một cây dao ra ngoài để hái thuốc băng bó tay thì gặp chị H. đi cùng con ngoài đường. Nghĩ là chị H. ngoại tình và đem con về cho Hào nuôi nên Hào điều khiển xe mô tô đâm trực diện vào xe mô tô chở chị H. Sau đó Hào cầm dao đâm nhiều nhát khiến chị H. tử vong tại chỗ.
Sau khi gây án, Hào đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp đầu thú.
Hai kịch bản vào đất liền của bão số 4
Vào 13h chiều nay (16/9), tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 123,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía đông đảo Luzon của Philippines với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), giật cấp 9.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia), khoảng sáng ngày 17/9, áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào Biển Đông. Tuy nhiên, do gặp điều kiện môi trường không thuận lợi (phải chia sẻ lượng ẩm và năng lượng cho cơn bão đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương) nên áp thấp nhiệt đới mất 1-2 ngày để ổn định cấu trúc sau khi vào Biển Đông.
Dự báo khoảng 18/9, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, tiến về giữa Biển Đông, gần khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia chia sẻ về áp thấp nhiệt đới.
Theo ông Hưởng, khi đến khu vực này, đường đi của bão sẽ rất phức tạp do sự biến động của dòng dẫn đường quy mô lớn từ áp cao cận nhiệt đới và tác động của không khí lạnh từ sau ngày 19/9.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định 2 kịch bản có thể xảy ra.
Ở kịch bản thứ nhất, bão sẽ di chuyển thẳng vào khu vực miền Trung nước ta, trọng tâm là các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ. Theo kịch bản này, bão sẽ ảnh hưởng khá sớm đến đất liền nước ta, khoảng ngày 19-20/9.
Kịch bản thứ hai, khi đi đến khu vực quần đảo Hoàng Sa, bão đổi hướng tây tây bắc, tiến về khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ của nước ta. Với kịch bản này, bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào cuối tuần này.
Về cường độ của bão, theo nhận định của Việt Nam và các đài khí tượng lớn trên thế giới, sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, phụ thuộc vào sự chi phối của nhiều điều kiện. Tuy nhiên, cơn bão này ít có khả năng bùng nổ và mạnh như siêu bão YAGI.
Ông Hưởng lưu ý, từ sáng ngày 17/9, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía đông của khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9 (75-88km/h), biển động, sóng biển cao từ 2-4m. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Các chuyên gia cũng lưu ý, do đường đi và cường độ của bão diễn biến rất phức tạp, cần liên tục cập nhật các bản tin dự báo mới nhất.