Sáng 9-3, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, Công an huyện Quỳnh Phụ vừa phối hợp Công an tỉnh Thái Bình thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Đông (39 tuổi, trú thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) để điều tra hành vi bắt giữ, nhốt con gái ruột nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguyễn Văn Đông đã bắt trói con gái ruột tạo hiện trường giả vụ bắt cóc, tống tiền. (Ảnh B.D).
Theo thông tin ban đầu, do nợ nần không còn khả năng trả nên khoảng hơn 12 giờ ngày 8-3, Đông chở con gái ruột là N.N.H. (11 tuổi) đến một nhà nghỉ tại huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.
Tại đây, Đông dùng dây điện vỏ nhựa (mang theo trước đó) trói hai tay cháu H. ra phía sau, sau đó dùng khăn quàng đỏ bịt mắt, bịt miệng cháu bé lại. Đông đã dùng điện thoại chụp ảnh cháu H. nhằm tạo cảnh cháu H. đang bị kẻ gian bắt cóc, khống chế, giữ làm con tin.
Tiếp đó, Đông sử dụng 2 điện thoại, 1 chiếc Đông dùng tạo tài khoản mạng xã hội Zalo, gửi hình ảnh con gái bị trói tay, bịt mắt, miệng gửi vào tài khoản mạng xã hội Zalo trên chiếc điện thoại còn lại của Đông.
Cùng với đó, Đông đã gửi một tin nhắn với nội dung: "Con gái mày đã bị bọn tao bắt cóc. Từ giờ đến 6 giờ tối nay mày phải chuẩn bị 300 triệu đồng cho bọn tao. Nếu không làm theo thì mày sẽ vĩnh viễn không bao giờ gặp con mày nữa. Muốn con bé sống sót về với mày thì mày phải làm theo yêu cầu của bọn tao. Cứ 15 phút tao sẽ nhắn tin cho mày 1 lần. Đừng làm liều, nếu không mày sẽ phải nhận hậu quả".
Đông gửi hình ảnh con gái bị trói, bịt mắt, bịt miệng cho... chính mình kèm tin nhắn tống tiền.
Đông còn nhắn thêm một tin nhắn nội dung hù dọa: "Không được báo với công an. Nếu báo hậu quả mày tự gánh".
Sau đó, Đông mang điện thoại có chứa tin nhắn đi gặp một số người thân quen để hỏi vay tiền "chuộc" con gái. Tin lời Đông, 3 người quen đã cho Đông vay khoảng 200 triệu đồng.
Xác định vụ án có tính chất nghiêm trọng nên Công an huyện Quỳnh Phụ đã khẩn trương phối hợp cùng Công an thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ vào cuộc, xác minh điều tra; đồng thời báo cáo sự việc đến lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình xin ý kiến chỉ đạo.
Lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc, phối hợp Công an huyện Quỳnh Phụ triển khai các biện pháp xác định mục tiêu phải tìm ra địa điểm nơi cháu bé bị nhốt giữ và phá án, giải cứu nạn nhân.
Sau khoảng 2 giờ lần theo dấu vết, bằng các biện pháp nghiệp vụ lực lượng công an đã tìm ra địa điểm Đông nhốt con gái mình tại một nhà nghỉ ở huyện Vĩnh Bảo. Lực lượng công an nhanh chóng giải cứu cháu N.N.H. an toàn.
Nguyễn Văn Đông khai nhận hành vi phạm tội.
Quá trình đấu tranh với đối tượng, trước các chứng cứ liên quan, Đông đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Bước đầu, Đông khai nhận do túng quẫn, nợ nần nên đã nảy sinh ý định dùng con gái ruột làm nạn nhân để tạo hiện trường giả một vụ bắt cóc, tống tiền, nhằm dễ dàng, thuận lợi vay mượn tiền từ những người thân quen để trả nợ.
Bỏ xuất trình sổ hộ khẩu giấy: Chính phủ yêu cầu hoàn thành trước 20/3
Ngày 9/3, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 1472 về việc công bố, công khai, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc xác nhận tại nơi cư trú.
Các địa phương hoàn thiện quy trình để thực hiện việc bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ cư trú trước ngày 20/3. Ảnh minh họa
Văn bản gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tổng giám đốc các cơ quan: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội; Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nêu rõ:
Khẩn trương rà soát, sửa đổi các Thông tư, Quyết định, văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền có quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú (phải chứng minh thông tin nơi cư trú trước khi xác nhận) khi thực hiện các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các Cơ sở dữ liệu khác, thực hiện đúng các quy định tại Luật Cư trú và Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ.
Các bộ, ngành hoàn thành việc công bố, công khai các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú theo quy định tại Luật cư trú, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ trước ngày 15/3/2022; làm cơ sở cho các địa phương công bố, công khai và tổ chức thực hiện thống nhất, hiệu quả.
Căn cứ trên cơ sở công bố của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện công bố, công khai thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh và nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, hoàn thiện quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện việc bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận cư trú (kể cả trường hợp chứng minh nơi cư trú trước khi xác nhận giấy tờ như: Sơ yếu lý lịch, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân…) theo Luật cư trú, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ, hoàn thành trước ngày 20/3/2023.
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi trong túi nilon, kiến bu khắp cơ thể
Ngày 9/3, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết đơn vị đã tiếp nhận cấp cứu và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.
Cháu bé đang được chăm sóc tại bệnh viện.
Trước đó vào khoảng 20h tối 8/3, Bệnh viện tiếp nhận bé gái sơ sinh nặng 2.5kg, được người dân đưa vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng tím tái, dây rốn chưa cắt, bị kiến cắn nhiều ở vùng da.
Theo ghi nhận của bệnh viện, một người dân ở tại xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đi tập thể dục phát hiện có tiếng khóc của trẻ phát ra từ các bao chứa rác.
Người này dừng lại kiểm tra và phát hiện bé sơ sinh bị bỏ trong một túi nilon, cơ thể tím tái, nhiều vết máu vẫn còn dính trên người. Thân thể bé không có khăn quấn hay mặc quần áo và đang bị kiến bám.
Sau khi ủ ấm cho bé và báo công an địa phương, người dân đã đưa bé đến Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai để cấp cứu.
Vụ mẹ dìm tử vong 2 con nhỏ: Đang chữa bệnh trầm cảm có phạm tội Giết người?
Mới đây, một sự việc hết sức thương tâm xảy ra vào khoảng 10h ngày 8/3/2023, người phụ nữ dìm chết 2 con nhỏ trên sông Ninh Cơ thuộc đoạn xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định, khiến người dân không khỏi bàng hoàng.
Vụ việc đau lòng xảy ra tại mé sông Ninh Cơ đoạn xã Nghĩa Sơn (Ảnh minh họa).
Người dân đi qua phát hiện nên đã hô hoán mọi người chạy đến đưa hai cháu bé lên bờ, thực hiện các biện pháp sơ cứu và đưa nạn nhân đến Trạm y tế xã Nghĩa Sơn để cấp cứu nhưng cả hai cháu bé đã chết.
Người phụ nữ nhanh chóng được đưa về trụ sở công an làm việc. Danh tính người này được xác định là chị V.T.N (32 tuổi, ở xã Trực Thái, huyện Trực Ninh) - mẹ của 2 cháu bé. Khi được về lý do tước đoạt mạng sống của con mình, người phụ nữ này cho biết “sợ chúng lớn lên sẽ dễ mắc các tệ nạn xã hội".
Về phia gia đình chị N. cho biết, chị nay vốn là giáo viên dạy môn tin học tại một trường tiểu học trên địa bàn huyện Trực Ninh. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, chị N. có dấu hiệu bị bệnh trầm cảm nên đã xin nghỉ dạy học để ở nhà chữa bệnh.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội đánh giá: Đây là vụ việc rất thương tâm, liên quan đến quyền trẻ nên sẽ được Cơ quan điều tra xem xét xử lý công tâm, khách quan theo đúng quy định của pháp luật.
Để làm rõ vụ việc, Luật sư cho rằng, cơ quan chức năng cần thiết làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích, năng lực chịu trách nhiệm hình sự của người mẹ.
Trong trường hợp cơ quan điều tra xác định mẹ đẻ dìm 02 con xuống dòng sông dẫn tới tử vong thì người mẹ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người, theo Điều 123 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung “giết nhiều người" và "giết người dưới 16 tuổi".
Tuy nhiên, nếu người mẹ có biểu hiện mắc bệnh trầm cảm tại thời điểm gây ra vụ án thì Cơ quan điều tra cần thiết phải thu thập tài liệu, chứng cứ điều trị bệnh trầm cảm tại các cơ sở y tế nhằm xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Nếu có căn cứ xác định người mẹ bị bệnh tâm thần trầm cảm thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần để làm căn cứ xử lý.
“Trường hợp kết quả giám định xác định, người mẹ bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ vụ án. Người mẹ sẽ phải bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”, Luật sư Thơm phát biểu.
Luật sư Thơm cũng cho biết thêm, trong trường hợp kết quả giám định cho kết quả, trước, trong, sau khi gây án và hiện tại, người mẹ chỉ hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, việc hạn chế năng lực và điều khiển hành vi có thể được tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Ngô Thạnh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Nếu có đủ căn cứ cho rằng, tại thời điểm người mẹ dìm 2 con nhỏ xuống dòng sông dẫn tới tử vong trong trạng thái hoàn toàn bình thường, tỉnh táo, minh mẫn thì đối tượng này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người, theo khoản 1 Điều 123 BLHS, với mức án cao nhất lên đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Còn nếu trong khi gây án, người mẹ có biểu hiện mắc bệnh trầm cảm, mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Thạnh dẫn chiếu quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
“Vụ án trên là một bài học cảnh tỉnh cho các gia đình trong việc quan tâm, chăm sóc và theo dõi phụ nữ bị bệnh trầm cảm sau nhiều lần sinh con”, Luật sư nhấn mạnh.