Bão Toraji tăng cấp, giật tới cấp 16 và đang tiến nhanh vào Biển Đông
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão Toraji ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 125,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117 km/giờ), giật cấp 13. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20 km/giờ.
Dự báo vị trí và đường đi của bão Toraji. Nguồn: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam
Dự báo, đến 13 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão Toraji ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 122 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển phía Đông đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 20 km/giờ.
Dự báo ngày 12-11, bão đi vào biển Đông và trở thành cơn bão số 8 trong năm 2024.
Dự báo, đến 13 giờ ngày 12-11, vị trí tâm bão Toraji ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12. Di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 20 km/giờ và suy yếu dần
Từ đêm 10-11, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao 3-5 m, vùng gần tâm 5-7 m; biển động rất mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão Toraji, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT có công điện gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận và các bộ, ngành, yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Cùng với đó, các địa phương thực hiện việc quản lý các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm tàu, thuyền; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới từ Vĩ tuyến 16,5-21,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông Kinh tuyến 119,0 độ Kinh Đông. Trong 48 giờ tới là từ Vĩ tuyến 15,0-21,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông Kinh tuyến 117,5 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh theo các bản tin dự báo).
Tai nạn liên hoàn trên cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, 4 người bị thương
Vụ tai nạn liên hoàn xảy ra sáng 10/11 tại km68+050 trên cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, đoạn qua địa phận xã Thanh Hồng (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương).
Thông tin ban đầu, thời điểm trên 3 ô tô di chuyển trên cao tốc hướng Hải Phòng - Hà Nội xảy ra va chạm liên hoàn, gồm hai ô tô cá nhân mang BKS 15A-733xx, 15A-22xx và xe limousine mang BKS 14B-038xx.
Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Sau va chạm, hai ô tô cá nhân nằm ở làn 1 (làn tốc độ cao 120km/h), còn xe limousine ở làn dừng khẩn cấp.
Theo thông tin từ đơn vị vận hành, quản lý cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, vụ tai nạn khiến 4 người bị thương nhẹ và được lực lượng cứu hộ, cấp cứu đưa vào viện điều trị.
Sự cố cũng khiến 2 ô tô cá nhân biển kiểm soát Hải Phòng hư hỏng nặng phần đầu và đuôi xe. Còn limousine bị hư hỏng phần đầu phương tiện.
Đơn vị vận hành cao tốc sau đó đã phối hợp với Đội tuần tra cao tốc - Cục CSGT phân luồng, hướng dẫn phương tiện và điều tra làm rõ nguyên nhân.
Bắt nghi phạm giết người sau 2 giờ gây án
Nghi phạm Nguyễn Trịnh Chí Tâm bị bắt khẩn cấp sau 2 giờ lẩn trốn. Ảnh CA
Ngày 10/11, Công an thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) cho biết, đơn vị vừa tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Trịnh Chí Tâm (33 tuổi, trú phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ), là nghi phạm đâm chết người vào đêm 9/11.
Khoảng 20 giờ ngày 9/11, tại khu vực đường Nguyễn Hoàng (đoạn qua thôn Mỹ Thạch Trung, phường Hòa Thuận, Tam Kỳ), anh V.S.N (36 tuổi, trú xã Bình An, huyện Thăng Bình) cùng nhóm bạn đang đứng nói chuyện thì đối tượng Tâm đến nói chuyện cùng (Tâm và anh N. có quen biết nhau).
Trong lúc nói chuyện bất ngờ Tâm sử dụng một vật nhọn đâm vào vùng bả vai trái của anh N. rồi bỏ trốn. Do vết thương mất máu nhiều, nên anh N. đã tử vong trên đường đưa đến bệnh viện.
Nhận được tin báo, Công an TP. Tam Kỳ lập tức huy động lực lượng tiến hành truy xét đối tượng.
Sau 2 giờ truy xét, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đến khoảng 23 giờ cùng ngày, lực lượng công an bắt giữ được đối tượng Tâm khi đang lẩn trốn tại khu vực xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Bùn đất sạt trượt đe dọa an toàn trên tuyến đường vành đai nghìn tỷ ở Đà Nẵng
Sạt lở trên đường vành đai phía tây Đà Nẵng. Video: Nguyễn Thành
Đường vành đai phía tây TP. Đà Nẵng đoạn qua xã Hòa Phú (Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) sau đợt mưa bão vừa qua tiếp tục xảy ra sạt lở, trôi trượt đất, bùn từ núi đổ xuống lấp mương thoát nước, tràn ra lòng đường gây mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại thôn Hòa Thọ của xã Hòa Phú, dù đã được hốt dọn, nhưng các vị trí sạt lở, bùn đất vẫn nham nhở trên mặt đường, gặp thời tiết có mưa rất trơn trượt, sình lầy, đi lại rất khó khăn.
Đường vành đai phía tây Đà Nẵng có chiều dài hơn 20km, có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Tuyến đường này được thông xe từ ngày 13/5/2024, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nghiệm thu và bàn giao.
Mặt đường trơn trượt tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho phương tiện di chuyển, qua lại trên tuyến đường này.
Người dân chạy xe máy qua các điểm sạt lở rất lo lắng nhất là vào thời điểm thời tiết có mưa, mặt đường trơn trượt do bùn đất tràn chảy tràn ra.
Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng (chủ đầu tư) cho biết: Đã chỉ đạo đơn vị nhà thầu thi công tiến hành hốt dọn cơ bản hoàn thành khối đất trên mái taluy sạt lở xuống đường, bố trí dải chờ sạt trên phần vỉa hè và mặt đường phía bên phải tuyến để hốt đất, đá sạt trong quá trình khai thác; thi công hoàn thành điều chỉnh mặt đường đoạn Km5+570 - Km6+410 nhằm hạn chế tối đa tác động của nước ngầm và thuận lợi trong công tác khắc phục.
Ban quản lý dự án cũng đã bố trí tường chắn rọ đá dọc chân mái taluy đoạn Km5+570 Km6+410 để hạn chế tình trạng sạt lở đất xuống mặt đường trong quá trình vận hành khai thác tuyến đường. Hiện lực lượng chức năng đang thực hiện thi công 550 rọ/1370 rọ, thời gian thi công hoàn thành dự kiến ngày 30/8/2024.
Về giải pháp khắc phục, Ban quản lý dự án cho biết, trước mắt sẽ lắp đặt tối thiểu 3 vị trí camera tại phạm vi đoạn Km5+571 - Km6+410, vị trí dự kiến sẽ được bố trí lắp trên 3 trụ điện chiếu sáng đã thi công ở dải phân cách để theo dõi, giám sát quá trình sạt trượt để hỗ trợ việc xử lý khi xảy ra sạt lở.
Bùn đất chất đống bên đường, chỉ cần mưa lớn sẽ chảy tràn mặt đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Khi xảy ra sạt lở, Ban quản lý dự án cho biết sẽ thực hiện phương án, đóng phần mặt đường bên phải bằng rào chắn tại vị trí mở dải phân cách Km5+513 và Km6+500, mặt đường bên trái còn lại cho phương tiện lưu thông 2 chiều. Đồng thời, cắm biển chỉ dẫn, biển báo nguy hiểm,... tạm hướng dẫn để đảm bảo an toàn giao thông
Riêng phần đất đất sạt trượt xuống Ban quản lý dự án sẽ chỉ đạo đơn vị nhà thầu thi công tiến hành xử lý hốt dọn (trong thời gian thi công và bảo hành công trình kể từ thời điểm Sở Giao thông vận tải tiếp nhận, bàn giao). Sau thời gian nêu trên, việc xử lý khi xảy ra sạt lở, công tác hốt dọn kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, UBND huyện Hòa Vang phối hợp và các đơn vị liên quan triển khai, thực hiện.
Cũng theo lãnh đạo Ban quản lý dự, khi xảy ra sạt lở, khối lượng hốt dọn phần đất sạt trượt tại hiện trường sẽ được tiến hành mời các đơn vị liên quan xác nhận, kiểm tra, đo đạc khối lượng, vận chuyển và thanh toán theo đúng quy định. Phần đất sạt trượt sau khi hốt dọn sẽ được vận chuyển về các dự án đang có nhu cầu sử dụng đất.
Bùn đất tại Km5+570 Km6+410 đoạn qua thôn Hòa Thọ (Hòa Phú) từng lớp dày nằm dọc tuyến đường.
Rãnh mương thoát nước dọc tuyến đường tại các vị trí sạt lở đã bị đất, bùn vùi lấp, phủ tràn ra mặt đường.
Về giải pháp khắc phục lâu dài, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết, UBND TP đã giao giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Hòa Vang và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh đầy đủ các hồ sơ, thủ tục có liên quan để đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong năm 2024 - 2025 nhằm xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở đất và tạo mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại khu vực. Trong đó, khoáng sản sau khi đấu giá sẽ được ưu tiên cung cấp cho công trình đầu tư công trọng điểm, động lực trên địa bàn theo đúng quy định pháp luật. Sở TN&MT đã có báo cáo liên quan đến việc xử lý sạt lở tại khu vực dọc tuyến đường vành đai phía tây, qua thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang gửi UBND TP. Đà Nẵng xem xét, chỉ đạo thực hiện.