Ngày 16-1-2023, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam ban hành Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT về hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.
Người lao động đang làm việc tại xưởng sản xuất. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Từ tháng 9-2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do bị cắt, giảm đơn hàng, dẫn đến một bộ phận không nhỏ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống.
Trước tình hình trên, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thống nhất thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn và người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30-9-2022 bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động nhằm góp phần chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho đoàn viên công đoàn, người lao động.
Theo đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ hỗ trợ 3 nhóm, cụ thể như sau:
- Đoàn viên công đoàn bị giảm giờ làm việc, ngừng việc: Người lao động là đoàn viên công đoàn làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị giảm thời gian làm việc hàng ngày, giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc trong tháng (trừ trường hợp giảm thời gian làm thêm giờ) hoặc bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 31-3-2023 mà có thu nhập của một tháng bất kỳ bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP (quy định về mức lương tối thiểu, đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động) được hỗ trợ một lần với mức 1 triệu đồng/người.
- Đoàn viên công đoàn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
Người lao động là đoàn viên công đoàn có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên (trừ trường hợp người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương vì lý do cá nhân), tính từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 31-3-2023 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 31-3-2023 được hỗ trợ một lần với mức 2 triệu đồng/người.
- Đoàn viên công đoàn chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động là đoàn viên công đoàn chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 31-3-2023 (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, bị xử lý kỷ luật sa thải, thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng) nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần với mức 3 triệu đồng/người.
Mỗi đoàn viên công đoàn, người lao động được nhận hỗ trợ một lần bằng tiền.
WHO tranh luận về tình trạng khẩn cấp của COVID-19
Ngày 27/1 (giờ địa phương), trong cuộc họp của Uỷ ban về COVID-19, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch hiện vẫn chưa kết thúc. Trong đó, ông Tedros viện dẫn số liệu về ca tử vong do dịch và nói rằng cách phản ứng của toàn cầu với dịch bệnh vẫn lúng túng.
Ông Tedros phát biểu: "Khi chúng ta bước sang năm thứ 4 của đại dịch, chúng ta chắc chắn đang ở vị trí tốt hơn nhiều so với một năm trước đây, khi làn sóng Omicron đạt đỉnh và hơn 70.000 ca tử vong được báo cáo mỗi tuần".
Theo người đứng đâu WHO, số ca tử vong do COVID-19 hàng tuần đã giảm xuống dưới mức 10.000 trường hợp vào tháng 10/2022 nhưng lại tăng trở lại vào tháng 12/2022, khi Trung Quốc gỡ bỏ các hạn chế, kéo theo sự gia tăng các ca tử vong.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP
Ông Tedros cho biết thêm trong tuần trước, số ca tử vong toàn cầu gần đạt mức 40.000 trường hợp, hơn một nửa trong số đó là ở Trung Quốc. Ông lưu ý, con số thực tế có thể còn cao hơn nữa.
Tổng giám đốc WHO cho biết vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị đóng vai trò quan trọng trong việc cứu sống, ngăn ngừa bệnh nặng và giảm bớt áp lực cho các hệ thống y tế và nhân viên y tế trong thời gian đại dịch tiếp diễn.
Ông Tedros tiếp tục: "Nhưng phản ứng toàn cầu vẫn còn lúng túng vì ở nhiều quốc gia, những công cụ mạnh mẽ, cứu mạng này vẫn chưa đến được với những người dân cần chúng nhất - đặc biệt là người già và nhân viên y tế".
Theo Tổng giám đốc WHO, niềm tin của công chúng vào các công cụ ngừa COVID-19 đang bị giảm sút bởi "một loạt" thông tin sai lệch và xuyên tạc, trong khi các hệ thống y tế vẫn đang phải vật lộn để đối phó với gánh nặng dịch bệnh.
Về mặt theo dõi sự biến đổi của virus, hoạt động giám sát và giải trình tự gen cũng giảm mạnh, khiến việc phát hiện những biến thể mới khó khăn hơn.
Lần gần đây nhất Uỷ ban về COVID-19 của WHO họp là vào tháng 10/2022. Trong cuộc họp này, họ đã kết luận rằng đại dịch vẫn đang gây ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế.
CSGT Quảng Ngãi giúp đỡ 3 bà cháu hết tiền, bị nhà xe bỏ lại giữa đường
Sáng 27/1 (mùng 6 Tết), trong lúc làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 1, Đội CSGT đường bộ - Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận thông tin từ Công an thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa và người đi đường về việc có 3 bà cháu mang ba lô đi bộ ở khu vực nghĩa trang Thị trấn La Hà cần được giúp đỡ, nên mời về trụ sở Công an thị trấn La Hà.
Theo Tuổi trẻ, bà Nguyễn Thị Mai (64 tuổi, trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết mình đang trên đường từ Đà Nẵng về lại Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng vì hết tiền nên bị nhà xe bỏ lại giữa đường.
Theo lời bà Mai, trong Tết, bà dẫn theo cháu nội Phạm Văn Long (11 tuổi) và Phạm Thị Thanh Phương (8 tuổi) đi xe khách ra TP.Đà Nẵng thăm người thân.
Lúc đi bà chỉ nhớ địa chỉ của người thân mà không liên lạc được. Khi ra đúng địa chỉ ở TP.Đà Nẵng mới hay người thân đã bán nhà từ nhiều năm trước.
Bà Mai rơm rớm nước mắt khi đón nhận yêu thương của cảnh sát giao thông Quảng Ngãi. (Ảnh: CSGT tỉnh Quảng Ngãi)
Bà Mai dẫn hai cháu đón xe về lại Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng vì không đủ tiền mua vé nên nhà xe đã thả ba bà cháu xuống dọc đường (đoạn qua thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa).
Thiếu tá Đỗ Thành Đạt, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ - Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết trên Người lao động: "Khi đón xe về lại Bà Rịa - Vũng Tàu, đến đoạn nghĩa trang Thị trấn La Hà, nhà xe hỏi tiền nhưng bà cháu chúng tôi không có nên họ bỏ lại giữa đường. Đêm hôm qua, ba bà cháu phải vật vạ tá túc ở hiên nhà dọc đường. Đến sáng hôm nay, không có tiền đón xe nên ba bà cháu phải đi bộ về nhà, ai nấy đều mệt mỏi".
Để chắc chắn thông tin, cảnh sát giao thông Quảng Ngãi đã xác minh ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Và biết thêm con trai bà Mai mất trên biển, còn con dâu cũng đã qua đời vì ung thư. Hai cháu nội mồ côi, ở với bà sau khi ba mẹ mất.
Các chiến sĩ cảnh sát giao thông Quảng Ngãi đã hỗ trợ đồ dùng sinh hoạt, 3 triệu đồng để ba bà cháu làm lộ phí.
Đồng thời liên hệ với nhà xe Văn Vinh chạy tuyến Quảng Ngãi - Bà Rịa - Vũng Tàu và chở ba bà cháu ra đến điểm đỗ xe.
Nhận được sự giúp đỡ cùng tình cảm chân tình, bà Mai nước mắt chảy dài vì xúc động.
Sau Tết, 'hoa hậu mèo' Quảng Trị sẽ được đấu giá để gây quỹ?
UBND tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Triệu Phong vừa tổ chức tặng bằng, giấy khen và số tiền 20 triệu đồng cho anh Đinh Văn Tâm (32 tuổi, trú xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) - người làm ra linh vật được ví như "mèo hoàng hậu" và nhận được mưa lời khen trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Ngoài việc khen thưởng cho anh Đinh Văn Tâm, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị huyện Triệu Phong quan tâm bảo vệ tốt linh vật mèo; có thể nghiên cứu tổ chức bán đấu giá gây quỹ nhằm tổ chức một số hoạt động thiết thực, có ý nghĩa trong thời gian tới.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, huyện Triệu Phong trao tặng bằng, giấy khen cho anh Tâm.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá cao tài năng, sự tâm huyết của anh Tâm trong tạo linh vật mèo xuân Quý Mão 2023.
Đồng thời, mong muốn anh Tâm tiếp tục phát huy tay nghề, tinh thần cống hiến để tạo nên nhiều tác phẩm ấn tượng, chất lượng cao cho quê hương, cũng như đáp ứng nhu cầu và sở thích của người dân trong, ngoài tỉnh.
Trước đó, từ đề nghị của UBND thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong), anh Tâm nhận làm tượng linh vật mèo với giá 31 triệu đồng. Trong thời gian 10 ngày, linh vật mèo hoàn thiện với chiều cao 3,1m, rộng 2,2m và dài 2,8m được hoàn thiện. Bên trong linh vật là xốp, bên ngoài là thạch cao.
Linh vật mèo xuân Quý Mão được đặt ở quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong và nằm trong không gian của Lễ hội xuân Quý Mão - 2023 do UBND thị trấn Ái Tử tổ chức. Khi được trưng bày ở Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong, trước và trong dịp Tết Nguyên đán, linh vật mèo đã thu hút hàng vạn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến thưởng lãm.
Máy đo tốc độ, nồng độ cồn vi phạm giao thông cũng cần kiểm định?
Nội dung đề cập tại Thông tư 51/2022 của Bộ GTVT hướng dẫn Nghị định 135/2021 quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính thuộc ngành Giao thông vận tải.
Theo đó, việc kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trước khi đưa vào sử dụng được thực hiện theo quy định tại Thông tư 23/2013 và Thông tư 07/2019 của Bộ Khoa học Công nghệ.
Trong đó, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khi đưa vào sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính giao thông phải đáp ứng yêu cầu về kiểm định, gồm: Phương tiện đo độ dài; Cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới; Phương tiện đo tốc độ phương tiện giao thông có ghi hình ảnh; Phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở; Phương tiện đo định vị bằng vệ tinh; Phương tiện đo độ ồn; Phương tiện đo nồng độ khí thải; Phương tiện đo độ sâu của nước; Phương tiện đo vận tốc dòng chảy của nước.
Thông tư 51/2022 có hiệu lực từ ngày 1-3-2023 và thay thế Thông tư 06/2017 của Bộ GTVT.