Sống trong “chiếc hộp” 10m2 ở Sài Gòn, cụ bà 30 năm đi khom, quyết định để hết tài sản cho người lạ

Google News

Cụ bà chậm chạp di chuyển ra khỏi căn phòng chật chội dưới gầm cầu thang - nơi đã gắn bó với bà gần nửa cuộc đời. Song, bà vẫn nơm nớp lo sợ vì bên trong nhà ngày càng xuống cấp, vách tường loang lổ khắp nơi.

Gần nửa đời người sống trong “chiếc hộp”

“Căn nhà” nhỏ như chiếc hộp chưa đến 10m2, chiều cao vỏn vẹn 1,5m là nơi ở của bà Nguyễn Thị Sang (82 tuổi) trong suốt gần 30 năm qua. Tuy căn phòng nằm ngay mặt tiền của đường Hoàng Diệu sầm uất nhưng nơi bà Sang đã sinh hoạt, ngủ nghỉ, thực chất là phần gầm cầu thang của cư xá Khánh Hội (quận 4).

Nằm ngủ ở bên trong, bà Sang cảm nhận được từng bước di chuyển, những tiếng vận chuyển đồ đạc hay tiếng nói chuyện xì xầm đến từ mọi người xung quanh. Hiện tại, căn phòng đã nhuốm màu cũ kỹ, trên thành, vách loang lổ vết nứt. “Một số mảng xi-măng rơi xuống, tôi phải quét dọn lau chùi, may mắn là nó không rơi vào người, nếu không tôi cũng chẳng biết phải làm sao” - bà Sang kể về gia cảnh khốn khó của mình. 

Những vết hư hỏng được bà cố định tạm bợ bằng lớp băng keo mỏng, căn phòng nhỏ này đã đồng hành với bà gần 30 năm. Chiếc máy lạnh, tivi đều được người dân xung quanh cho tặng nhưng bà không dám sử dụng vì sợ tốn tiền điện.

Căn phòng chỉ đủ chỗ cho cụ bà đặt một chiếc chiếu nhỏ để ngủ, đồ đạc để sinh hoạt và bàn thờ gia tiên. Ngoài ra, trong phòng có cả nhà vệ sinh, được ngăn cách bởi tấm vải mỏng, bề ngang chỉ đủ chỗ để một người chui lọt. Cuộc sống bà Sang quanh quẩn trong “chiếc hộp” này, hơn 3 thập kỷ phải khom người di chuyển. Nếu muốn đặt chân ra ngoài, bà phải chồm đầu ra cửa, kiếm vật dụng cứng cáp để bám víu. 

Sinh ra lớn lên tại Sài Gòn, thuở xưa, bà Sang phụ giúp gia đình bán trà nóng tại chợ Bà Chiểu, chợ Tân Định. Đến khi lập gia đình, bà dọn ra riêng ở cùng chồng và chuyển đến Quận 4 sinh sống. 

Năm 1996, căn nhà lúc bấy giờ bị giải tỏa, vợ chồng dự định dùng tiền bồi thường về quê lập nghiệp. Thế nhưng, về quê không có nghề nghiệp làm lụng, ông bà bấm bụng dùng tiền mua "chiếc hộp" ở gầm cầu thang, chọn bám trụ ở Sài Gòn mưu sinh. Tuy nhiên, chồng bà ốm đau trong thời gian dài, sau đó mất sớm nên bà sống một mình đến thời điểm hiện tại. 

Trước cửa phòng, bà đặt xe nước nhỏ để kinh doanh kiếm sống qua ngày. Bên cạnh đó, bà còn nhận giữ vài chiếc xe, mỗi tháng được khoảng 1 triệu đồng, đủ tiền sinh hoạt và thuốc men. 

Bà Sang sức khoẻ yếu dần, một phần do phải cúi thấp người di chuyển trong phòng trong suốt khoảng thời gian rất dài. Những ngày thời tiết oi bức, bà phải ra ngoài, thoát khỏi chiếc hộp ngột ngạt.

Sẵn sàng cưu mang, để lại tài sản cho “người dưng” 

Trời tờ mờ sáng, bà Sang lật đật chui ra ngoài, chậm rãi di chuyển xung quanh để vận động cơ thể. Bà ngồi ghế vừa giữ xe, vừa ngóng khách đi đường, khi bán được hàng bà lại vui mừng rối rít. “Ở tuổi này, tôi cũng chẳng cần mong giàu sang, phú quý. Tôi chỉ nguyện cho mình có sức khoẻ, đủ ăn đủ mặc, có bữa cơm ngon để ăn mỗi ngày” - bà Sang nghẹn lời.

Cô Tuyết Mai (43 tuổi) - hàng xóm cũ của bà Sang, hằng ngày đến phòng chăm sóc, phụ một tay để dọn hàng, lo lắng cho bà. Tuy chẳng có máu mủ, ruột thịt nhưng cô Tuyết Mai xem cụ bà như người thân trong gia đình. Suốt 3 tháng nay, cô Tuyết Mai cho biết do sức khoẻ cụ bà đã suy giảm nên việc ăn uống cần phải nhờ đến sự trợ giúp: “Hồi đó, tôi sống ở gần nhà của bà, bà tốt tính thường xuyên giúp đỡ tôi. Từ khi giải toả, tôi chuyển sang nơi khác sinh sống. Do bà cứ khom người suốt mấy chục năm nên giờ phần xương khớp ảnh hưởng, đi lại khó khăn. Vì thế, tôi chạy qua săn sóc, có người trò chuyện với bà mỗi ngày, giúp bà thấy đỡ buồn tủi”.

Cô Tuyết Mai - người hàng xóm hỗ trợ bà hết mực trong thời gian gần đây. Việc ăn uống, thuốc men hằng ngày của bà Sang đều do một tay cô đỡ đần.

Tuy cuộc sống “bữa đói bữa no” nhưng bà Sang còn cưu mang chú chó đến nay đã hơn chục năm. Ban đầu, bà nuôi đến 6 chú chó hoang để bầu bạn nhưng một ngày bà không có ở nhà, kẻ xấu đã cướp đi 5 chú chó khiến bà đau thắt ruột gan. Chú chó còn lại được bà “cưng như trứng”, mỗi ngày bà đều đặn mua 2 trứng hột vịt lộn, những món ăn khoái khẩu để nó tẩm bổ. 

Ngoài ra, năm 2020, bà Sang còn chấp nhận cho anh Tư - nam thanh niên trạc tuổi 40 đến ở nhờ phía trước cửa. Ngày đầu gặp anh Tư đến xin tá túc, bà Sang không băn khoăn, do dự mà gật đầu đồng ý. Tính tình bà hào sảng đúng với tính cách của người Sài Gòn, sẵn sàng “móc tiền túi” cho người dưng làm vốn, tìm kế sinh nhai: “Nhìn thấy cậu này cũng hiền lành, ngồi trước phòng tôi khóc lóc vì chẳng còn nhà để về. Tôi quyết định móc tiền túi để nhờ người mua vài tấm bạc để phủ phía trước, che nắng che mưa. Rồi mua dụng cụ sửa xe để cậu ta kiếm thêm thu nhập”.

Ở tuổi cô Mai, khi bước vào nhà cũng cảm thấy mệt mỏi phần đốt sống lưng vì phải cúi thấp mình di chuyển. Nên ở độ tuổi U90 của bà Sang, việc sinh hoạt càng trở nên khó khăn gấp bội.

Tâm sự về những ngày cuối đời, bà Sang chẳng sợ chuyện đối diện với cửa tử. Với bà, khi nằm xuống xem như đã kết thúc một chuyến dạo chơi ở trần thế. Trò chuyện về di nguyện cuối cùng, bà xúc động chia sẻ: “Ở phòng cứ lẩn quẩn trong không gian chật hẹp như thế tôi cũng chạnh lòng lắm. Cuộc sống khổ cực từ khi sinh ra đến những phút về già. Gần đây, tôi bệnh càng thêm nặng, sống nay chết mai, cũng chẳng biết lúc nào sẽ nhắm mắt xuôi tay. Tôi sẽ viết di chúc để lại tài sản cho cô Mai, vì nó khổ cực chăm lo cho mình…”.

Đáng lý ở độ tuổi của bà Sang đã được con cháu phụng sự, báo hiếu nhưng trái lại bà phải chấp nhận cảnh đơn độc, mỗi ngày đều lao động để kiếm thêm thu nhập. Gần đây, cuộc sống bà đỡ vất vả hơn khi được mạnh thường quân để hỗ trợ, giúp đỡ. Đối với bà, có sự đồng hành của cô Tuyết Mai, nam thanh niên mà bà đang từng giúp đỡ hay chú chó trung thành đã là điều may mắn trong đời. Giờ đây, bà chấp nhận số phận, "có khoai ăn khoai, có cháo ăn cháo", cứ thế bám trụ ở mảnh đất Sài Thành hoa lệ...

TẤN PHƯỚC

Bình luận(0)