Khi nhắc tới những trường hợp quý ông phải chật vật tìm con suốt nhiều năm vì không có tinh trùng trong tinh dịch, bác sĩ CKI. Kiều Đức Tỵ (Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện) nhớ ngay về trường hợp anh N.V.Q. ở Bắc Ninh.
Anh Q. kết hôn từ 2015 và trong suốt năm đầu hôn nhân, vợ chồng anh thả để có bầu nhưng bà xã mãi không thấy đậu thai. Sau đó vợ chồng anh đi thăm khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và thực hiện làm các xét nghiệm ban đầu. Kết quả anh Q. không có tinh trùng trong tinh dịch.
Kết hôn từ năm 2015, vợ chồng anh từng đi khắp các bệnh viện để thăm khám và điều trị tình trạng không có tinh trùng. (Ảnh: BSCC)
Thời điểm đó, các bác sĩ đã tư vấn cho anh Q. 2 phương pháp để có con là xin tinh trùng lưu trữ hoặc xin con nuôi. Tuy nhiên vợ chồng anh chưa vội quyết mà về nhà uống thuốc nam bắc. Trong quá trình đó, vợ anh Q. nhiều lần nhắc chồng đi kiểm tra tinh dịch đồ nhưng do sợ phải đối mặt với kết quả không có tinh trùng nên anh Q. không dám đi.
Năm 2018, được 1 người thân giới thiệu ở bệnh viện Việt Đức có khoa nam học, vợ chồng anh lại tới khám và mổ micro TESE tìm tinh trùng. Nhưng lần này, anh Q. lại thất vọng tràn trề vì bác sĩ kết luận bị sơ hóa không tìm thấy tinh trùng.
“Vợ chồng anh Q. lại buồn bã dắt nhau về. Họ cho biết tiếp tục nghĩ tới việc muốn vào Bệnh viện Từ Dũ tìm con hay có thể xa hơn là tính chuyện sang nước ngoài điều trị. Trong thời gian này đi làm để tích cóp tiền này, họ vẫn đều đặn sử dụng thuốc Bắc, Nam nhưng kết quả không khả quan”, bác sĩ Tỵ nói.
Đầu năm 2021, nhờ bạn bè biết tới Trung tâm hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Bưu Điện nên họ đến đây với mục đích xin tinh trùng trong kho lưu trữ để thực hiện ước muốn làm bố mẹ vì hy vọng đã hết.
“Anh Q. cho biết quyết định như vậy để giải quyết tâm lý cho cả gia đình vì anh là con trai một”, bác sĩ chuyên khoa vô sinh hiếm muộn nói.
Những ngày đến đăng ký thăm khám, anh Q. được bác sĩ Tỵ trực tiếp khám và tư vấn. Khi thấy anh Q. vẫn có hy vọng làm cha 3-6% nên bác sĩ đã khuyên anh Q. cố gắng mổ micro TESE tìm tinh trùng 1 lần nữa. Được vợ động viên nên anh Q. đã quyết định mổ.
Bác sĩ CKI. Kiều Đức Tỵ đang mổ cho một bệnh nhân. (Ảnh: NVCC)
“Trong quá trình chờ mổ, tôi cũng kê cho 2 vợ chồng thuốc uống để kết quả tốt hơn. Nhưng anh Q. có suy nghĩ rất tiêu cực, anh bảo lần mổ thứ 2 này không có tinh trùng thì sẽ ly hôn vợ”, bác sĩ Tỵ nói.
Khi gần đến ngày mổ thì đúng đợt dịch Covid vì thế 6 tháng sau vợ chồng hiếm muộn này mới quay lại bệnh viện.
“Hôm anh Q. mổ, trước đó bệnh viện cũng có 2 ca mổ TESE tìm tinh trùng nhưng không tìm được chú tinh binh nào. Vì thế anh Q. cũng cảm thấy không có hy vọng gì. Nhưng sau 30 phút mổ, chúng tôi đã tìm được vài chú tinh binh nên anh rất phấn khởi. Sau khi xét nghiệm thì vui mừng thông báo cho bệnh nhân kết quả rất khả quan”, bác sĩ Tỵ nhớ lại.
Sau đó là những tháng ngày chọc trứng chuyển phôi của vợ chồng anh Q. May mắn vợ chồng anh đã có 14 phôi và có tinh trùng dự trữ. Ngay sau lần chuyển phôi đầu tiên, cặp vợ chồng hiếm muộn 7 năm đã có tin vui. Suốt cả thai kỳ nhờ được theo dõi sát sao nên cuối cùng vợ chồng anh Q. đã được ôm con gái nhỏ trong niềm hạnh phúc rưng rưng.
Nhận định về trường hợp trên, bác sĩ Tỵ cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến quý ông phải đối mặt với tình trạng không có tinh trùng: “Không có tinh trùng chia làm 2 nhóm, nhóm tắc nghẽn và không tắc nghẽn, nguyên nhân thường gặp như quai bị, tắc ống dẫn tinh, chấn thương tinh hoàn…”.
Khi bị vô sinh nam vì không có tinh trùng, quý ông nên phải khám tại các cơ sở uy tín để được khám, tư vấn đánh giá thêm về tình trạng vì đa phần đều có giải pháp. (Ảnh: BSCC)
Thực tế điều trị vô sinh nam khi không có tinh trùng tuỳ thuộc vào từng nguyên nhân như chọc mào tinh tìm tinh trùng (PESA), vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE, điều trị nội khoa…
Nam bác sĩ hiếm muộn cũng khuyên những trường hợp nam giới không có tinh trùng nhưng mong muốn có con nên phải khám tại các cơ sở uy tín để được khám, tư vấn đánh giá thêm về tình trạng. Bởi đa phần các trường hợp quý ông không có tinh trùng đều sẽ có giải pháp điều trị và hỗ trợ.