Sắp ở cữ nhưng vợ vẫn biếu mẹ chồng 4 triệu/tháng mà không nhờ chăm, nghe lý do tôi hãnh diện

Google News

Sau kết hôn vợ chồng tôi sống trên thành phố để tiện đi làm. Vì bố mẹ 2 bên kinh tế bình thường nên chúng tôi tự lực cánh sinh là chính.

May mắn, công việc của cả 2 vợ chồng rất thuận lợi, ổn định. Vợ cũng biết chi tiêu, thu vén khéo nên sau 7 năm thì chúng tôi đã mua được căn chung nhỏ ở. Cả hai cũng có với nhau một cậu con trai 5 tuổi. Cuộc sống nhìn chung rất êm đềm như nhiều gia đình trẻ khác.

Cách đây 5 năm khi sinh con đầu lòng, sau đầy tháng là vợ tôi về quê nội ở cữ 2 tháng. Sau đó, cô ấy về quê ngoại 1 tháng nữa mới lên Hà Nội ở. Được cái công việc của vợ có thể làm online nên cô ấy vừa làm việc ở nhà chăm con. Do đó, chúng tôi không phải phiền đến ông bà 2 bên nội ngoại trông cháu. Khi con được 1,5 tuổi thì vợ cho đi lớp để chuyên tâm hơn vào công việc.

Cách đây 5 năm khi sinh con đầu lòng, sau đầy tháng là vợ tôi về quê nội ở cữ 2 tháng. (Ảnh minh họa)

Dù không phiền hà gì đến nội ngoại 2 bên nhưng vợ tôi là người con rất hiếu thuận. Cứ tháng này cả nhà tôi kéo nhau về quê ngoại chơi thì tháng sau sẽ về quê nội. Thậm chí hơn năm nay biết sức khỏe của mẹ chồng yếu vì bị nhiều bệnh tật, phải thăm khám thường xuyên, vợ còn nhắc chồng hay đưa vợ con về chơi. Khi đi cô ấy còn biếu 1 khoản tiền để bà mua thuốc thang hoặc ăn uống thêm.

Hơn năm trước, vợ còn đề nghị mỗi tháng cố gắng gửi về 4 triệu biếu bà nội khám bệnh, mua thuốc và điều trị. Vợ bảo bà nhiều bệnh như vậy sẽ mệt không đi làm được, các anh chị ở quê thì không có kinh tế nên cố gắng hỗ trợ báo hiếu. Còn bà ngoại vẫn khỏe, lại có chút lương hưu nên chưa phải lo. Thấy vợ có hiếu như vậy, tôi và gia đình đều rất vui.

Mấy tháng trước thấy năm Rồng đẹp nên vợ chồng tôi dự định có em bé. Cô ấy cũng cấn bầu luôn và hiện đang mang thai tháng thứ 7. Trộm vía lần mang bầu 2 này của vợ khá khỏe khoắn, không ốm nghén nên vẫn làm việc, chăm con và thường xuyên về quê như bình thường.

Hôm vừa rồi tôi hỏi tới kế hoạch chọn bệnh viện sinh nở và ở cữ tính thế nào thì vợ bảo đã chọn xong. Cô ấy dự định sinh ở viện sản đầu ngành cho yên tâm. Còn chuyện chăm ở cữ, lần này 2 vợ chồng xác định tự chăm nhau, cô ấy không về quê nội cũng chẳng về quê ngoại sau sinh mà ở trên này để vừa ở cữ vừa chăm sóc con trai lớn.

Mới đầu nghe vợ dự định thế tôi hơi giật mình:

“Bà nội bà ngoại vẫn còn và có kinh nghiệm chăm cữ như thế sao em không nhờ các bà lên đây hoặc về quê như con đầu lòng để các bà hỗ trợ có phải nhàn không?”.

Nhưng vợ chỉ nói cô ấy đã quyết thế và không thay đổi nữa. Bản thân cô ấy dù mang bầu phải chi tiêu nhiều khoản tốn kém như tiền khám thai sản, tiền làm các xét nghiệm, tiền mua thuốc bổ, tiền đi đẻ nhưng vẫn chắt chiu gửi về cho mẹ chồng tiền hỗ trợ đều đặn mỗi tháng mà chẳng hề phàn nàn, kể lể 1 câu. Nhưng tôi vẫn khó hiểu, không biết vì sao vợ lại không thích nhờ vả bà nội hay bà ngoại chăm cữ sau sinh cho nhanh có cơ hội hồi phục sức khỏe.

Hôm vừa rồi đi làm về sớm tôi thấy vợ đang tắm cho con. Hai mẹ con trò chuyện rất vui vẻ về việc cô ấy sắp sinh em bé và con trai sẽ được gặp em của mình. Nhưng khi con trai hỏi về việc:

“Mẹ đẻ em sẽ rất mệt, mẹ có bảo bà nội lên nhà mình chăm em bé cùng cho đỡ mệt không?”.

Vợ tôi ôn tồn bảo con trai rằng:

“Bố mẹ xác định sinh em con ra thì phải tự chăm sóc được chứ. Bà nội, bà ngoại nhà mình đều đã già yếu rồi, hơn nữa trước các bà cũng đã chăm bố mẹ và các bác rồi nên đã đến lúc phải để các bà được nghỉ ngơi đúng không? Chỉ cần con ngoan là mẹ có thể chăm em tốt và không mệt gì cả”.

Lần sinh thứ 2 này, vợ sẽ vừa chăm con lớn vừa tự ở cữ. (Ảnh minh họa)

Con trai tôi như chợt hiểu ra gật đầu lia lịa. Còn tôi nghe được những lời vợ nói với con đã hiểu được lý do cô ấy không muốn nhờ mẹ chồng chăm cữ mà tôi cảm động, hãnh diện về vợ vô cùng. Tôi đã lên dây cót tinh thần chăm vợ ở cữ thật tốt để luôn sát cánh, chia sẻ những vất vả với vợ đây.

Lợi ích khi được chồng chăm ở cữ sau sinh

Chồng học được cách chăm sóc con

Ngày đầu sau sinh, gần như sản phụ vẫn phải nằm nghỉ ngơi trên giường. Họ cũng chưa có sữa về nên việc chăm sóc em bé, cho em bé bú bình chủ yếu do người nhà đảm nhiệm. Chồng là người chủ động chăm sóc em bé bên cạnh sự giúp đỡ của bà nội/ngoại thì quá tuyệt vời. Chắc hẳn sau khi xuất viện về nhà, việc chăm con của các bà đẻ sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều vì luôn có chồng san sẻ.

Chồng có thể giúp vợ bỉm sau sinh những việc sau: Thay tã cho con, hỗ trợ cho bé bú, cho con ngủ, tắm cho bé, làm việc nhà, trở thành chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho vợ.

Giúp vợ có thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe nhanh

Sau sinh, sức khỏe của các sản phụ còn rất yếu; sức đề kháng cũng bị giảm sút rất nhiều. Chính vì vậy, các ông chồng cần chú ý bồi bổ dinh dưỡng giúp bà xã nhanh hồi phục hơn.

Những ngày đầu tiên (khoảng 3 ngày đầu sau sinh): Trong thời gian này nên bổ sung cho bà xã bằng những món cháo dinh dưỡng như: cháo chân giò heo, cháo thịt bò, cháo chim bồ câu hầm.... Những món ăn này vừa tốt cho hệ tiêu hóa của các mẹ sau sinh vừa lợi sữa, giúp "gọi sữa về" nhanh hơn.

Trở thành chỗ dựa tinh thần cho vợ sau sinh con

Sản phụ từ trên bàn đẻ xuống đã phải hao phí rất nhiều sức lực và tinh thần. Cả cơ thể sản phụ như vừa trải qua một trận chiến đấu quyết liệt, vì thế khắp nơi đều đau nhức, mệt mỏi. Nếu người chồng có thể cẩn thận và nhẹ nhàng mát-xa vai, cổ, eo, xoa nắn chân tay giúp sản phụ thì thật chẳng còn gì bằng.

Hành động đó vừa giúp giảm bớt sự mệt mỏi vừa khiến sản phụ khôi phục lại vận động cho sản phụ dễ dàng hơn. Một người chồng sẵn sàng làm điều ấy cho vợ mình chắc chắn là một người chồng giàu tính kiên nhẫn, dịu dàng và rất quan tâm đến tình hình sức khỏe của vợ.

Bên cạnh đó, sau sinh, sản phụ nào cũng mong chồng sẽ trở thành chỗ dựa tinh thần lớn nhất, động viên để vợ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.

THẢO NGUYÊN

Bình luận(0)