Một nghiên cứu cho thấy chỉ cần cắt giảm 10 gam đường mỗi ngày, bạn có thể làm giảm đáng kể tuổi sinh học. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học tại Đại học California, San Francisco đã tuyển dụng gần 350 phụ nữ để đo lường chế độ ăn giàu vitamin và khoáng chất, cũng như chế độ ăn nhiều đường, ảnh hưởng như thế nào đến "đồng hồ biểu sinh" của những người tham gia.
Ăn ít đường lại, cơ thể thế nào?
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra, những phụ nữ áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải có độ tuổi sinh học trung bình "thấp hơn đáng kể" so với những người ăn nhiều đường. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng việc loại bỏ chỉ 10 gam đường bổ sung mỗi ngày, ví dụ như một chiếc bánh rán Krispy Kreme, có thể khiến đồng hồ sinh học của bạn quay ngược lại hai tháng. Cần lưu ý, tuổi sinh học khác với tuổi theo thời gian vì nó xem xét độ tuổi của tế bào chứ không phải số tuổi sinh nhật của bạn. Tế bào càng già thì càng bị hao mòn, khiến mọi người có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như ung thư cao hơn.
Trong nghiên cứu, nhóm chuyên gia đã thu thập hồ sơ thực phẩm tự báo cáo từ 342 phụ nữ trong độ tuổi từ 36-43, với độ tuổi trung bình là 39. Hầu hết những phụ nữ này bị béo phì, với chỉ số BMI trung bình là 32,5. Trung bình, những người tham gia báo cáo lượng đường bổ sung tiêu thụ hàng ngày là 61,5; cao gấp đôi lượng khuyến nghị của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra, những phụ nữ tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn Địa Trung Hải, ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa, có độ tuổi sinh học thấp nhất. Trong khi đó, mỗi gam đường bổ sung làm tăng tuổi sinh học. Tuy nhiên, việc loại bỏ 10 gam mỗi ngày, tương đương với một chiếc bánh rán hoặc ba chiếc bánh quy có thể đảo ngược quá trình lão hóa đó trong 2,4 tháng.
Các món bánh ngọt chứa rất nhiều đường. (Ảnh minh họa).
Tiến sĩ Elissa Epel, đồng tác giả nghiên cứu cấp cao và là giáo sư tại Khoa Tâm thần và Khoa học Hành vi của UCSF (Đại học California tại San Francisc) chia sẻ: "Chúng ta biết rằng hàm lượng đường bổ sung cao có liên quan đến tình trạng sức khỏe trao đổi chất kém hơn và bệnh tật sớm. Quá trình lão hóa biểu sinh diễn ra nhanh chóng chính là nguyên nhân cơ bản của mối quan hệ này, và đây là một trong nhiều cách mà lượng đường nạp vào cơ thể quá mức làm hạn chế thể chất khỏe mạnh".
Tiến sĩ Dorothy Chiu, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Sức khỏe Tích hợp Osher của UCSF, cho biết: "Chế độ ăn mà chúng tôi nghiên cứu phù hợp với các khuyến nghị hiện hành về việc ngăn ngừa bệnh tật và tăng cường sức khỏe. Nghiên cứu cũng làm nổi bật hiệu quả của các chất dinh dưỡng chống oxy hóa và chống viêm".
Ăn đường thế nào cho đúng cách?
Thời điểm ăn đường rất quan trọng. (Ảnh minh họa).
Khi nói đến việc tiêu thụ đường, thời điểm là yếu tố quan trọng. Không có câu trả lời đúng cho việc nên ăn khi nào nhưng hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rằng việc thưởng thức đường ở mức độ vừa phải, như một phần của bữa ăn hoặc bữa ăn nhẹ cân bằng là điều thông minh. Cần lưu ý các điểm quan trọng sau:
- Ăn đường khi bụng đói là điều tuyệt đối không nên. Lưu ý, cơ thể có thể chuyển hóa đường hiệu quả hơn khi tăng cường hoạt động thể chất.
- Thời điểm tốt nhất để ăn đường là vào đầu ngày và kết hợp với các chất dinh dưỡng khác. Điều cần thiết là lắng nghe tín hiệu đói và no của cơ thể và tiêu thụ đường như một phần của chế độ ăn uống cân bằng.
- Nên kết hợp đồ ăn có đường với các nguồn protein, chất xơ và chất béo lành mạnh có thể giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, cung cấp nhiều năng lượng hơn và ngăn ngừa sự biến động đột ngột của lượng đường trong máu.
- Điều quan trọng là phải lưu ý đến khẩu phần ăn và lượng đường tổng thể để tránh tiêu thụ quá nhiều đường và duy trì sự cân bằng lành mạnh.