Ở thị trấn Kinh Cùng (Phụng Hiệp, Hậu Giang) có cặp vợ chồng thương con thương cháu đến lạ lùng – đã lớn tuổi nhưng vẫn cưu mang và nuôi dưỡng 9 đứa cháu ngoại. Họ chưa bao giờ than vãn nửa lời, cũng không trách móc 2 con gái dù cuộc sống vô cùng khốn khổ.
Cô Hương (54 tuổi) – bà ngoại của 9 đứa trẻ tâm sự: “Vợ chồng tôi có 2 đứa con cái, tên Thơ (29 tuổi) và Như (23 tuổi). Cả hai đứa đều lấy chồng sớm và sinh nhiều con.
Thế rồi hôn nhân của chúng không mấy vẹn tròn, “đường ai nấy đi”. Chúng không có chỗ nào bấu víu đành dắt díu đàn con về đây nương nhờ. Chúng tôi làm cha mẹ chẳng giúp được con cái gì nên phải cưu mang”.
Một thời gian sau, Thơ và Như vì cuộc sống mưu sinh đã “dứt áo ra đi”, để lại 9 đứa trẻ nhờ vợ chồng cô Hương chăm sóc giùm. Lúc này, cô vì thương con xót cháu đã đồng ý. Cả nhà 11 người sống tạm bợ trong chiếc chòi chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc giường mục nát.
Cô Hương và các cháu ngoại.
Hằng ngày, cô Hương tranh thủ dậy sớm đi giúp việc nhà cho người giàu trong vùng với mức lương 160.000 đồng/ngày. Sau đó cô vội vã quay trở về để lo cơm nước cho lũ trẻ. Đứa nào cũng muốn được ngoại xúc cơm, bồng bế và vỗ về yêu thương.
“Chúng ăn, ngủ với tôi từ nhỏ nên quấn quýt lắm. Tôi cũng tranh thủ đi làm kiếm tiền rồi nhanh nhanh chóng chóng về nhà cơm nước cho chúng.
Nói là cơm nước chứ thực ra bữa cơm ở nhà này chẳng có gì ngoài cơm trắng, rưới thêm tí mắm hoặc nước tương. Hôm nào bà con trong xóm thương cho miếng thịt con cá thì tôi làm món này món kia.
Xong xuôi, tôi lấy một tô cơm thật to và bón cho mấy đứa nhỏ. Còn đứa lớn sẽ phải tự xúc cơm, chứ tôi không thể nào bón hết được”, cô Hương nói.
“Chúng ăn – ngủ với tôi từ nhỏ nên quấn quýt lắm", cô Hương chia sẻ.
Nhắc đến chuyện đám trẻ có được đi học hay không, người phụ nữ ngoài 50 tuổi tiết lộ vì cuộc sống khốn cùng, đến giờ các cháu ngoại của cô vẫn chưa được đến trường. Cô rất trăn trở về vấn đề đó nhưng không còn cách nào khác.
“Vậy các con gái của cô đi làm không gửi tiền về nuôi các con?”, khi được hỏi cô Hương nói: “Chúng đi làm thuê làm mướn, đồng lương cũng ít ỏi nên hoạ chăng mới gửi 2-3 triệu đồng. Tôi biết con nghèo nên cũng không đòi nhiều, chỉ mong sao chúng khoẻ mạnh.
Bữa trước tôi nuôi 9 đứa cháu, sau này có một thằng được bà nội đón về chăm sóc. Tôi chẳng biết phải làm sao để chúng được đến trường học con chữ nữa”, cô Hương chia sẻ.
Nhắc đến chuyện đám trẻ có được đi học hay không, người phụ nữ ngoài 50 tuổi tiết lộ vì cuộc sống khốn cùng, đến giờ các cháu ngoại của cô vẫn chưa được đến trường.
Cô Hương cho biết thêm với đồng lương đi giúp việc, cô chẳng thế lo đủ ngày 3 bữa cơm cho các cháu ngoại. Cô phải nương nhờ hàng xóm, mỗi người chung tay giúp đỡ một chút. “Bà con ở đây tốt tính lắm, biết rõ hoàn cảnh của vợ chồng tôi cùng đám nhỏ nên có cái gì lại cho.
Bữa có người cho lạng thịt con cá, hôm người ta lại đem bánh kẹo chia cho lũ nhỏ. Tôi nợ tấm chân tình của tất cả vì không có mọi người sẽ không biết xoay sở ra sao nữa.
Chồng tôi bệnh nặng nằm một chỗ, gánh nặng cuộc sống cứ dồn lên đôi vai của tôi. Tôi rất mệt mỏi và đuối sức nhưng không cố gắng thì các cháu không có cái ăn cái mặc”, cô Hương thành thật.
Về việc đông cháu như vậy, ông bà có nhớ tên của từng cháu ngoại hay không, cô Hương quả quyết bản thân dù đã có tuổi nhưng chưa bao giờ quên tên của các cháu. Sau đó cô đọc lần lượt tên từng đứa: Huy, Hân lớn, Hân nhỏ, Chinh, Hậu, Vũ, Trân, Tình và một bé trai hiện sống cùng bà nội.
“Chúng nó thiếu thốn tình cảm cha mẹ lẫn vật chất nhưng nhanh nhẹn lắm. Tôi vẫn thường nói với mọi người rằng trời có mắt, biết chúng khổ hạnh nên “ban” cho sự thông minh, hoạt bát. Mấy đứa lớn hiểu chuyện thi thoảng lại giúp tôi bế em hoặc quét nhà, tự tắm rửa. Tôi mừng lắm, cảm thấy phần nào được an ủi”, cô Hương tâm sự.
Chia sẻ ước nguyện, người phụ nữ miền Tây thành thật cho biết chỉ mong các cháu ngoại được đến trường học con chữ như bao đứa trẻ khác. Nếu được cô mong có tiền xây dựng ngôi nhà cấp 4 vững chãi để các cháu ngoại có chỗ ở tử tế, không phải chịu cảnh nắng mưa.