Viết tiếp ước nguyện cuối cùng của con gái
Mười năm trước, chị Phạm Nguyệt Linh (SN 1982) không khỏi bàng hoàng khi cầm trên tay phiếu khám bệnh của con gái Quỳnh Như - vừa 4 tháng tuổi nhưng mang trong mình căn bệnh ung thư tuyến tuỵ. Ngày được bác sĩ thông báo về tình hình sức khoẻ càng suy yếu của Quỳnh Như, cả bầu trời trong mắt chị Linh như sụp đổ.
Rời quê hương Kiên Giang lên Sài Gòn để điều trị bệnh, hai mẹ con xem BV Ung Bướu như ngôi nhà thứ 2, ra vào liên tục để khám, chữa bệnh theo phác đồ điều trị. Bỏ công việc giáo viên mầm non ở quê nhà, chị Linh một tay chăm sóc con trong suốt khoảng thời gian ở bệnh viện.
Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn trong quá khứ, chị Linh tâm sự: “Khi con nhập viện, tiền thuốc men gần 20 triệu đồng/tháng, là con số rất lớn đối với gia đình. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, mình hay ra cổng bệnh viện chờ những bữa cơm từ thiện của mạnh thường quân. Cứ thế, hai mẹ con lay lắt bám trụ ở Sài Gòn suốt 5 năm".
Chị Linh quyết định lấy tên của con để đặt cho bếp ăn của mình. Từ đó, ai cũng quen với tên gọi "mẹ Như".
Đến năm 2018, con gái chị Linh qua đời sau ca phẫu thuật không thành công. Trái tim người mẹ như vỡ vụn ra hàng trăm mảnh, trên chuyến xe 0 đồng, đưa con về nơi an nghỉ cuối cùng, chị Linh giàn giụa nước mắt, tay ôm chặt cô con gái bé bỏng của mình. Sau đó, chị và chồng cũng ly dị sau những bất đồng trong hôn nhân. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, trong tâm trí người mẹ trẻ vẫn luôn nhớ mãi hình ảnh của cô con gái hồn nhiên, trên môi luôn hiện diện nụ cười tươi rạng rỡ.
Trước khi qua đời, “thiên thần nhỏ" với trái tim bao dung luôn muốn giúp đỡ bạn bè cùng phòng, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, chị Linh quyết định thành lập bếp ăn 0 đồng để viết tiếp ước mơ còn dang dở của con gái. “Sau khi lo hậu sự cho bé, mình quyết định trở lại Sài Gòn để thực hiện ý nguyện của con gái. Ban đầu mình thuê một căn nhà nấu cơm tự thiện nhưng vì căn nhà đó chật chội nên chuyển về gần BV Ung Bướu 2 để thuận tiện cho việc nấu nướng” - chị Linh tâm sự.
Ban đầu, một tay chị lo liệu chuyện bếp núc, mỗi tuần chỉ nấu 2 ngày với khoảng 50-100 suất/ngày và vào bệnh viện phát tận tay cho bệnh nhi: “Khi phát cơm cho các bé, mình nhớ lại hình ảnh của hai mẹ con từng ở bệnh viện và ăn cơm của các nhóm thiện nguyện. Mỗi lần đi ngang phòng mà trước đây con gái ở lại để điều trị, ký ức về chuyện ngày xưa lại ùa về. Mình lặng người đứng nhìn chiếc giường hai mẹ con từng gắn bó, đôi khi nước mắt lại chảy xuống lúc nào không hay…” - chị Linh nghẹn lời.
Từ những suất cơm ban đầu, bếp mẹ Như dần dần được nhiều người biết đến và chung sức thực hiện để hỗ trợ được nhiều hơn cho các bệnh nhi. Đến nay, từ Thứ 2 - Thứ 6, mỗi ngày bếp gửi 400 suất cơm nóng hổi, giàu dinh dưỡng ở BV Ung Bướu (cơ sở 2).
Những bữa cơm thân tình được chị Linh và các cộng sự tâm huyết thực hiện luôn đầy đủ dưỡng chất.
"Thời điểm trị bệnh cho con, mình đã từng được hỗ trợ cơm từ thiện nên rất thấu hiểu hoàn cảnh của bà con. Bệnh nhân khi chữa bệnh ung thư tốn nhiều tiền viện phí, thuốc men. Một phần cơm tuy không bao nhiêu tiền nhưng sẽ giúp đỡ các gia đình đỡ gánh nặng. Bên cạnh đó, khi bước vào bếp nấu nướng cũng giúp mình vơi đi nỗi nhớ con" - chị Linh xúc động nói.
Dù mỗi ngày nấu hàng trăm suất ăn nhưng ít ai biết trước đây chị Linh không phải là người giỏi chuyện bếp núc, tất cả những món ăn đều do chị học từ trên mạng. Từ cơm chay, bún Thái đến bánh canh, mì xào… tất cả món ăn đều được chị cùng các cộng sự tâm huyết thực hiện để gửi tặng đến bà con. Về kinh phí, chị Linh cho biết một phần sẽ đến từ mạnh thường quân khắp nơi giúp đỡ để duy trì bếp ăn, khi nào thiếu chị lấy tiền túi của mình để mua nguyên liệu, thức ăn cho căn bếp nhỏ.
Cô Oanh Kiều (SN 1973) quê ở Cà Mau - một trong những vị khách quen của bếp cho hay cứ đến khoảng 15h là đi bộ từ bệnh viện xuống đến nhà "mẹ Như" để nhận cơm: “Tôi từ dưới quê lên chăm bệnh cho người thân, mỗi lần hoá trị, xạ trị rất tốn kém. Nhờ những bữa ăn chay như vậy, tôi tiết kiệm được chi phí rất nhiều. Các món ăn được thay đổi liên tục, tôi và người nhà ăn không bị ngán”.
Nụ cười từ bệnh nhi trở thành động lực
Trong suốt hành trình thiện nguyện của mình, đôi lúc chị Linh đã muốn dừng lại. Song, bất ngờ một tin nhắn từ một bệnh nhi xuất hiện trên điện thoại với nội dung: "Cơm mẹ Như nấu ngon lắm. Ngày mai mẹ Như ghé bệnh viện đúng không, con sẽ đợi nhé..." đã tiếp thêm động lực để chị bước tiếp.
Dù công việc nấu nướng vất vả nhưng "mẹ Như" cho biết chỉ cần người nhận hồi đáp bằng lời cảm ơn thì mọi muộn phiền trong lòng của chị đều tan biến: “Nhìn những bệnh nhân khi nhận cơm của mình, họ trân trọng và nở nụ cười kèm lời cảm ơn chân thành, cũng đã làm mình vui trong lòng".
Các phụ huynh ở đây nếu có thời gian rảnh rỗi, họ sẵn sàng phụ chị Linh chế biến nguyên liệu, nấu ăn để gửi những suất cơm nóng hổi cho các bệnh nhân.
Ngoài thực hiện mô hình bếp cơm 0 đồng, chị Linh còn xây dựng nơi lưu trú cho hơn 20 bệnh nhi đang điều trị bệnh tại BV Ung Bướu 2 có chỗ dừng chân. Đa phần các bệnh nhi cùng ba mẹ từ quê lên Sài Gòn trị bệnh, không có nhà ở, nếu ra ngoài thuê trọ kinh phí sẽ khá cao. Vì thế, chị Linh quyết định cho bệnh nhi ở miễn phí. Đến khi các con dần hồi phục hoặc không còn nhu cầu sinh hoạt thì nhường phòng cho các bệnh nhi khác.
Chị Linh mong rằng các phụ huynh cùng bệnh nhi có thể đến đây để tiết kiệm chi phí, cùng nhau sinh hoạt, sẻ chia khó khăn và sống lạc quan hơn trên hành trình vốn chỉ toàn nước mắt, nỗi đau về thể chất lẫn tinh thần.
Ở phía sau nhà lưu trú, chị Linh bố trí gian bếp chung, lúc nào cũng có sẵn thịt, cá, trứng, rau củ quả… được chị Linh chuẩn bị và bổ sung thêm mỗi ngày. Gia đình của các bệnh nhi, mỗi lúc về quê lại đem thêm ít quà để căn bếp luôn đủ đầy.
Ngồi trò chuyện cùng đứa con trai nhỏ, chị Giàu (mẹ bé Anh Khôi, 9 tuổi) tâm sự: “Căn bệnh của bé là đi theo cả đời, tiền chữa trị bệnh cho bé cũng ngốn của gia đình hàng chục triệu đồng. Ở đây thì mẹ Như cho ở miễn phí, chỉ đóng phụ thêm tiền điện nước nhưng như tháng rồi gia đình mình khó khăn quá, nên chị cũng chẳng lấy tiền. Nếu không có mẹ Như, không biết hai mẹ con nương tựa vào ai…”, chị Giàu xúc động.
Mẹ bé Anh Khôi cho biết nhờ nhà lưu trú của chị Linh mà 2 năm qua mẹ và con thuận tiện trong việc di chuyển đến bệnh viện, kéo dài thời gian điều trị.
Không chỉ thế, từ năm 2020 chị Linh tổ chức chương trình thường niên "Điều ước đơn giản" ngay tại nhà lưu trú để các bệnh nhi có sinh nhật trong tháng có thể nhận được những món quà ý nghĩa, tạo nên không gian vui chơi giải trí cho các con.
Hiện tại, chị Linh cũng đã tìm được một gia đình mới. Chồng chị là ba của một trong những bệnh nhi cùng phòng với con chị trước đây. Từ đó, cả hai cùng đồng hành duy trì "bếp mẹ Như", nhà lưu trú và làm cầu nối giữa mạnh thường quân và các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, để các em tiếp tục chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. "Giờ đây, tôi và chồng sẽ tiếp tục thực hiện những công việc thiện nguyện, chẳng biết khi nào sẽ dừng lại nhưng cứ còn duyên thì tiếp tục" - chị Linh mỉm cười nói.
Có lẽ với chị Linh, niềm hạnh phúc lớn nhất mà chị có được là nhìn thấy những nụ cười, hay chỉ là cái gật đầu cảm ơn từ những bệnh nhân ung thư trên chặng hành trình chữa bệnh đầy vất vả... Mong rằng bếp cơm, nhà lưu trú 0 đồng sẽ mãi duy trì để những số phận bất hạnh có thêm sự sẻ chia, tiếp tục chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác.