Người đàn bà một đời chồng cưới trai tân kém 14 tuổi, cuộc sống hiện tại khiến nhiều người xót xa

Google News

Quả thực, chú Hai dù không lành lặn nhưng rất hiền lành, luôn biết yêu chiều vợ và sống tình cảm. Đến giờ - hai vợ chồng đã lớn tuổi nhưng chú luôn một câu “em ơi” hai câu “em à”.

Ở Phú Tân (An Giang) có một cặp đôi “đũa lệch” nổi tiếng, đến mức chỉ cần nhắc đến tên là người dân có thể kể vanh vách về tình yêu của họ. Chị Ánh (35 tuổi) – ngụ thị trấn Phú Mỹ cho biết: “Cặp vợ chồng không phải người gốc Phú Tân, từ nơi khác dọn về đây sinh sống được mười mấy năm rồi. Chồng liệt hai chân, ngày nào cũng chạy chiếc xe 3 bánh tự chế ra huyện lỵ để bán vé số. Còn vợ lớn tuổi, già yếu nên đợt này ở nhà làm nội trợ.

Thi thoảng ông ấy chạy qua đây, tôi và người trong phố đều ủng hộ dăm ba tờ vé số hoặc ai có đồ ăn thì gửi biếu. Nói chung tôi thấy cuộc sống của họ khổ cực lắm”.

Chị Ánh vừa dứt lời, người đàn ông làm nghề xe ôm tự nhận mình là “bạn thân” của người chồng nói: “Rảnh rỗi đứng đợi khách, tôi có hỏi chuyện ông lão xem gia cảnh như thế nào mà tội vậy. Ông ấy kể rằng bản thân hơn 40 tuổi, có vợ lớn hơn tận 2 chục tuổi.

Trước hai vợ chồng cùng đi bán vé số kiếm sống, giờ bà ấy già yếu nên ở nhà. Bởi vậy mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền đổ dồn lên vai ông ấy. Tôi vốn là người không thích mấy trò đỏ đen như vé số, nhưng vẫn mua ủng hộ để ông ấy được về nhà sớm”.

Sau đó, hai người này chỉ đường cho chúng tôi đến nhà của cặp vợ chồng và đường vào phải đi qua nhiều bụi rậm um tùm cây cối. Căn nhà giống như túp lều, xập xệ và cũ rích… Từ ngoài vào trong chất đầy đồ đạc giống như rác nhựa và bốc lên một mùi ẩm mốc khó chịu. Đặc biệt nơi này chẳng có thứ gì đáng giá, ngoài vài chiếc xoong nồi, bát đũa và cái giường đã mục nát.

Thấy người lạ ghé tới, người đàn ông từ trong nhà vội vã lết từng bước ra hè hỏi: “Cô chú muốn tìm ai?”. Và sau khi nhận được câu trả lời, ông niềm nở giới thiệu: “Mọi người thường gọi tôi là chú Hai, năm nay 47 tuổi. Còn em (tức vợ - PV) tên Hạnh, đã bước qua tuổi 61. Chúng tôi có hoàn cảnh đặc biệt nhất vùng này, ai cũng biết, ai cũng thương xót”.

Cô Hạnh càng lớn tuổi càng già yếu, sống phụ thuộc vào chú Hai.

Chú Hai vốn là trai tân nhưng “quá lứa lỡ thì” nên hơn 30 tuổi vẫn chưa tìm được người ngủ chung giường. Chú chấp nhận với số phận hẩm hiu, lại cho rằng bản thân tật nguyền khó lấy được vợ, vì thế cứ sống một mình. Chú sinh sống bằng nghề bán vé số, bươn trải khắp nơi với hi vọng một ngày nào đó tìm được chỗ ở cố định.

Một ngày chú Hai tình cờ quen người đàn bà hơn 14 tuổi – một đời chồng – có 2 con gái. Cả hai có chung hoàn cảnh nghèo khó, tình duyên lận đận, cùng bán vé số mưu sinh nên nhanh chóng trở thành bạn tri kỷ. “Thuở đó, tôi biết rõ em hơn tôi nhiều tuổi nhưng quyết không chịu gọi bằng chị. Tôi toàn xưng bạn – mình với em”, chú Hai nhớ lại.

Khi được hỏi: “Có phải chú muốn tán tỉnh cô Hạnh nên làm thế?”, người đàn ông cười: “Chẳng phải đâu! Lúc đó tôi không nghĩ gì đến chuyện lấy vợ cả vì cũng lớn tuổi rồi mà. Tôi chỉ nghĩ rằng nếu gọi bằng chị, em sẽ coi tôi như em trai, không dám làm lũng hay than thở gì”.

Chú Hai và cô Hạnh dần trở nên thân thiết, tình cảm vượt mức tình bạn nhưng không ai dám thổ lộ hay bày tỏ tình cảm thật. “Tôi sợ lắm! Sợ nói với ông ấy rằng mình có tình cảm rồi ông ấy bảo chỉ coi tôi như bạn thì quê. Hơn nữa tôi còn có một đời chồng, lại đèo bòng hai đứa con thì có ai dám lấy cơ chứ. Do đó tôi cứ cất giữ tình cảm vào trong lòng thôi”, cô Hạnh tâm sự.

Cuối cùng, chú Hai không kìm nén nổi tình cảm đã phải giãi bày tất cả. Chú chủ động rủ cô Hạnh: “Mình sống một mình. Bạn có muốn về ở chung”. Và đương nhiên cô gật đầu đồng ý. “Với vài ba câu nói, tôi có vợ. Cảm giác khi đó thật hạnh phúc biết bao. Tôi còn tự nhủ sẽ đối đãi tốt với em cả cuộc đời này. Nếu cô chú không tin, cứ hỏi người dân quanh đây thì biết”, người đàn ông quả quyết.

Quả thực, chú Hai dù không lành lặn nhưng rất hiền lành, luôn biết yêu chiều vợ và sống tình cảm. Đến giờ - hai vợ chồng đã lớn tuổi nhưng chú luôn một câu “em ơi” hai câu “em à” khiến chúng tôi không khỏi ghen tị.

Nhắc đến chuyện hai vợ chồng mưu sinh bằng bán vé số của đủ sống hay không, chú Hai tâm sự: “Đủ làm sao được cơ chứ! Mỗi ngày tôi bán được 100 tờ, lãi chừng 100.000 đồng thôi. Số tiền đó dành để mua gạo, cái ăn và thuốc men cho em. Hàng xóm thương cũng hay giúp đỡ vợ chồng tôi lắm. Tôi luôn biết ơn và trân quý tấm lòng của mọi người”.

Cô Hạnh có hai con gái đã trưởng thành và lập gia đình ở nơi xa. Họ không có điều kiện nên vài năm mới đến thăm cô được một lần, cũng chẳng biếu mẹ được nhiều. Vì thế cô chỉ biết dựa vào người chồng tật nguyền.

“Đời này, tôi biết ơn ông ấy nhiều lắm. Ông ấy cho tôi một gia đình nhỏ, cho tôi biết cảm giác yêu thương. Giờ tôi chẳng mong ngóng gì giàu sang, chỉ ước hai vợ chồng có sức khoẻ, không ốm đau bệnh tật”, người phụ nữ hơn 60 tuổi bộc bạch.

NGỌC HÀ

Bình luận(0)