Nghĩ còn trẻ nên chủ quan khi bị chuột rút, nữ nhân viên văn phòng suýt mất chân vì lý do nhiều người gặp phải

Google News

Sau một thời gian cố khắc phục tình trạng chuột rút, đau mỏi chân không đỡ, nữ nhân viên văn phòng mới đi khám bác sĩ, kết quả bị suy giãn tĩnh mạch ở cả hai chân.

Chị Trần Thu P (32 tuổi), đang làm nhân viên văn phòng cho một công ty liên doanh với nước ngoài ở Hà Nội. Công việc hàng ngày của chị P là xử lý một số giấy tờ, trả lời tổng đài chăm sóc khách hàng của công ty, vì thế thời gian làm việc của chị P chủ yếu ở văn phòng, ít khi đi lại.

Hàng ngày tôi phải ngồi làm việc từ 7h30 sáng đến 17h chiều. Trưa chỉ được nghỉ tại chỗ một tiếng nên ít khi ra ngoài”, chị P chia sẻ. Gần đây, chị P thường xuyên có hiện tượng căng tức bắp chân, kèm theo đó là bị chuột rút với tần suất ngày càng nhiều.

Theo chị P, ban đầu chị nghĩ mình chuột rút do thiếu canxi, vì chị mới sinh con được khoảng 2 năm. Tuy nhiên, nghĩ mình còn trẻ nên chị chủ quan, chỉ mua thuốc bổ về uống. Thế nhưng, tình trạng ngày càng nặng, chị P đoán rằng, do ngồi nhiều xương khớp bị thoái hóa nên đầu tư mua máy massage mini để sử dụng mỗi khi bị chuột rút hay đau mỏi.

Gần đây, ngoài chuột rút, chân chị P còn bị phù, kèm cảm giác đau mỏi, nổi gân xanh. Lúc đầu người phụ nữ nghĩ do ngồi quá nhiều máu huyết không lưu thông, triệu chứng đau mất đi khi chị nằm nghỉ ngơi, nằm kê chân cao.

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh cảnh báo, chủ quan với suy giãn tĩnh mạch rất nguy hiểm, thậm chí có cả nguy cơ tử vong. 

Khi tìm mọi cách để hạn chế cơn đau nhức, chuột rút nhưng thuyên giảm, khi đó chị P mới đi thăm khám và được chẩn đoán bị suy giãn tĩnh mạch cả hai chân. Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh (thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam) cho biết, trường hợp nữ bệnh nhân này chưa bị biến chứng quá nặng nề, nếu đến muộn hơn một chút nguy cơ phải phẫu thuật, thậm chí hỏng chi (chân), nguy hiểm hơn là biến chứng lên tim, phổi có thể dẫn tới tử vong.

Theo bác sĩ Mạnh, khi bị suy giãn tĩnh mạch, nếu không được thăm khám, can thiệp sớm có thể xuất hiện cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Các cục máu đông này có thể gây tắc mạch chi hoặc khi chúng rời thành tĩnh mạch đi về tim, làm thuyên tắc phổi và gây tử vong. Với trường hợp trên may mắn không phải can thiệp phẫu thuật, chưa có biến chứng nặng nề nên chỉ cần điều trị nội khoa và thay đổi lối sống.

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh cho biết, ai cũng có thể bị suy giãn tĩnh mạch, tuy nhiên với người béo phì, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và dân văn phòng thường có nguy cơ cao hơn.

Chị em văn phòng đã lười vận động, lại thường xuyên đi giày cao gót sẽ làm tăng nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch chân. Ảnh minh họa. 

Với dân văn phòng, bác sĩ Mạnh cảnh báo, nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch là do hạn chế vận động, ngồi cả ngày khiến máu không lưu thông được, tĩnh mạch bị ứ. “Với dân văn phòng là nữ giới, ngoài ngồi lâu ít vận động, thói quen đi giày cao gót, mặc quần bó chật cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh”, bác sĩ Mạnh cảnh báo.

Dù là bệnh lý nguy hiểm nhưng bác sĩ Mạnh cho rằng, hiện rất nhiều người chủ quan cho là mình trẻ khỏe, không có nguy cơ mắc bệnh hoặc nhầm sang bệnh khác như thiếu canxi, đau xương khớp. Do vậy, khi đến khám bệnh đã rất nặng, có trường hợp còn bị biến chứng tim, phổi nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Mạnh tư vấn, khi thấy các triệu chứng như chân nổi gân xanh, đau mỏi bắp chân, chuột rút, phù chân thì nên đi khám chuyên khoa mạch máu. “Ở giai đoạn sớm, việc điều trị đơn giản khi chỉ cần điều chỉnh lối sống, tập luyện nhiều hơn và bổ sung dinh dưỡng hợp lý. Với dân văn phòng, để phòng bệnh, nên đứng dậy vận động, nghỉ ngơi sau 45 phút hoặc 1 giờ làm việc. Đồng thời hạn chế đi giày cao gót, mặc quần bó để giúp máu lưu thông từ chân về tim dễ dàng hơn. Mỗi ngày nên dành ít nhất 30 phút để tập luyện thể dục, thể thao”, bác sĩ Mạnh khuyên.

LÊ PHƯƠNG.

Bình luận(0)