Nghề lạ ở Việt Nam: Loại cây làm món đặc sản nức tiếng, trồng nhàn tênh thu về 100 triệu/năm, còn được xuất khẩu

Google News

Được thiên nhiên ưu ái cho khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng màu mỡ, người nông dân ở Cao Bằng hàng năm thu về hàng chục tỷ đồng nhờ trồng cây thạch đen. 

Thạch đen là món ăn vặt nhiều người ưa thích, đây là nguyên liệu làm các món chè, món ăn vặt mùa hè và rất đượng ưa chuộng. Chắc hẳn nhiều người thắc mắc thạch đen này được làm thế nào và từ đâu. Đó là từ cây thạch đen. Một trong những địa phương đi đầu trong nghề trồng cây thạch đen tại Cao Bằng chính là xã Trọng Con, huyện Thạch An. Nơi đây hiện có diện tích trồng lên đếb 83 hecta, chiếm 1/4 diện tích của toàn huyện. Hiệu quả kinh tế cao mà cây đem lại đã giúp xã thay da đổi thịt và phát triển vượt bậc.

Thạch đen là loại cây thảo thuộc họ hoa môi (Labiateae), cao khoảng 40-60cm hoặc hơn. Thân cây phân nhánh nhiều, toả ra trên mặt đất giống như cây bạc hà. Lá thạch đen thuộc loại lá đơn, mọc đối, dày, màu xanh nhạt, hình trứng hay trứng thuôn, mép có răng. Hoa mọc thành cụm dày đặc ở đầu cành, có cánh môi màu trắng hay hồng, cây ra hoa vào cuối thu, đầu đông. 

Nhìn bề ngoài, cây thạch đen có hình dáng tương đối giống cây bạc hà, húng lủi. 

“Cây thạch đen là loại cây có kỹ thuật trồng trọt tương đối đơn giản. Với điều kiện chăm sóc tốt, cây phát triển mạnh, năng suất gấp đôi so với trước đây. Hiện nay, tôi đang chăm sóc hơn 2 hecta cây thạch đen, một năm có thể thu hoạch 2 lần vào tháng 6 và độ tháng 10, 11", ông Nông Kim (45 tuổi, xã Trọng Con, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) nói. Ông cho biết thêm, giá 1kg cây thạch đen trên thị trường dao động từ 40.000 - 45.000 đồng. Trừ đi chi phí các loại, vụ mùa năm ngoái cả gia đình thu về khoảng 100 triệu đồng. 

Cây có thể trồng trên cả đất ruộng và đất nương rẫy. Chúng thích hợp với điều kiện ẩm, đất tơi xốp, nhiều mùn, thoát nước tốt. Đất trồng cây thạch đen cần cày bừa kĩ, tạo mặt phẳng để thoát nước, làm sạch cỏ dại, nếu trồng ở ruộng cần lên luống. Ngay sau khi trồng tiến hành tưới nước nhẹ cho cây để đảm bảo độ ẩm, tỷ lệ sống cũng như khả năng bén rễ hồi xanh. Trong quá trình chăm sóc tiến hành tưới nước cho cây khi khô hạn để thúc đẩy sinh trưởng và phát triển cho năng suất, chất lượng tốt.

Ông Kim chia sẻ: “Tuy dễ trồng nhưng cây thạch đen cũng có thể bị nhiều sâu bệnh như bệnh sương mai, phấn trắng. Khi phát hiện mầm bệnh phải nhanh chóng vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư cây trồng vụ trước. Nhổ bỏ và tiêu hủy cây bị bệnh để diệt nguồn nấm bệnh kết hợp với sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Những năm đầu tiên chưa có kinh nghiệm này, có khi cả vườn thạch đen của tôi trồng bị hư hại gần hết".

Cây thạch đen tuy dễ trồng nhưng vẫn đòi hỏi người nông dân phải chăm sóc kĩ.

Xã Đức Thông cũng là một trong những địa phương đang phát huy tốt thế mạnh trồng cây thạch đen. Anh Tiến Đức (34 tuổi, xã Đức Thông, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) là một trong những hộ dân đầu tiên trồng cây thạch đen trong xã. Tuy tuổi còn trẻ nhưng anh đã dày dặn kinh nghiệm trong trồng trọt. “Tôi tự ươm cây thạch đen rồi trồng nên giảm được kha khá chi phí cây giống. Để có năng suất cao nhất, phải biết thu hoạch ngay khi cây xuất hiện nụ hoa ở ngọn. Cần cắt sát gốc, thân và lá thu về rải đều, phơi nắng nhẹ một ngày rồi ủ thành đống, sau đó để 1-2 ngày mới đem ra phơi tiếp, khoảng 2-3 ngày là khô. Trung bình 10kg thân lá thạch tươi thì được 1kg khô", anh Đức nói. 

Loại cây này đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Những năm trước đây, thương lái thường đến tận vườn của nông dân thu mua rồi đem sơ chế xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Tuy nhiên, vài năm gần đây, người dân Thạch An đã tự đăng ký thương hiệu riêng Thạch đen Thạch An, chế biến thương phẩm thạch đen tươi mát và trao đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm này đã giúp người dân kiếm thêm được thu nhập, lại vừa quảng bá cho món đặc sản của Cao Bằng. Thạch đen không chỉ đem lại lợi nhuận cao mà còn là cái để “giữ nghề” đặc trưng cho vùng.

Sản phẩm từ thạch đen Thạch An hiện đang được bán ra trên thị trường.

Chị Lê Thùy, chủ một cơ sở chế biến thạch đen ở thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An cho biết trước kia thỉnh thoảng chị mới nấu thạch thủ công để sử dụng trong gia đình hay tặng cho bạn bè, hàng xóm… Khi nhận thấy nhu cầu thạch đen trên thị trường tăng lên, chị Thùy mới học hỏi thêm kinh nghiệm, mua thiết bị nấu thạch theo dây chuyền: “Lúc cao điểm mỗi ngày xuất đi hơn 1000 hộp thạch, khoảng gần 2 tấn thạch mỗi ngày, thị trường đang mở rộng khắp các tỉnh phía Bắc".

H.A

Bình luận(0)