Ngành học mới, điểm chuẩn dễ thở với học sinh
Golf - ngành học mới phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây. Môn thể thao này bắt nguồn từ thế kỷ XV, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bộ môn xuất phát từ đất nước Scotland. Sau đó, golf trở thành bộ môn tiêu khiển của các quốc gia ở Châu Mỹ và Châu Âu. Tại Việt Nam, bắt đầu vào thế kỷ XX, Golf được du nhập, trở thành môn thể thao xa xỉ đối với tầng lớp giàu có, quý tộc.
Từ năm 2016, ngành Golf chính thức được đào tạo với hệ chính quy tại các trường đại học. Tuy nhiên đến năm 2024, chỉ còn 2 trường tuyển sinh ngành học mới lạ này là trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh và trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM). Chỉ tiêu của mỗi trường vỏn vẹn 20 sinh viên.
Do là ngành học mới, vẫn chưa tiếp cận được nhiều với sinh viên vì thế, điểm chuẩn của ngành tương đối “dễ thở". Năm 2023, trường Đại học Tôn Đức Thắng xét tuyển theo khối A01, D01, T00 và T01. Điểm chuẩn của trường ở khoa Quản lý thể dục thể thao chuyên ngành Golf là 22 điểm dựa trên điểm thi THPT Quốc gia. Ngoài ra, trường Đại học Tôn Đức Thắng còn kết hợp những phương thức xét tuyển khác như điểm kỳ thi đánh giá năng lực, xét kết quả học tập THPT.
Đối với trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh tuyển sinh ngành Quản lý thể thao chuyên ngành Golf theo 2 phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT và xét điểm thi THPT Quốc gia. Bên cạnh đó, các thí sinh khi xét tuyển đều phải vượt qua vòng thi các môn năng khiếu thể thao.
Mã tổ hợp tuyển sinh áp dụng cho cả 2 phương thức và tất cả các ngành là: T00 (Toán, Sinh, Năng khiếu), T05 (Văn, Giáo dục công dân, Năng khiếu), T01 (Toán, Năng khiếu 2, Năng khiếu 3), M08 (Văn, Năng khiếu 2, Năng khiếu 3). Điểm chuẩn năm 2023 của trường cán mốc 18,7 điểm cho tất cả các khối xét tuyển. Điều kiện khác để trúng tuyển là điểm môn năng khiếu phải lớn hơn hoặc bằng 5 điểm.
Tuy ngành Golf có đầu ra rộng mở, thu nhập ổn định nhưng ngành học vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam nên vẫn chưa thu hút nhiều thí sinh mạnh dạn xét tuyển.
Trước đây, một số trường đại học, cơ sở giáo dục khác có đăng ký mở chuyên ngành đào tạo ngành Golf nhưng vẫn kén người học, thậm chí có trường phải đóng mã ngành. Vì thế, một số trường đại học đã quyết định đưa Golf vào danh sách các môn học thể thao tự chọn cho sinh viên để làm quen, rèn luyện trong trường học.
Đảm bảo 100% sinh viên có việc làm
Chương trình học chính quy trong 4 năm trang bị cho sinh viên kiến thức và quản lý kinh doanh trong Golf, tổ chức các hoạt động luyện tập, huấn luyện tại sân, tổ chức sự kiện giải đấu, đào tạo giảng dạy... Trong quá trình học, nhà trường hỗ trợ dụng cụ, trang thiết bị tập luyện (gậy, sân bãi, phòng luyện tập thể chất...) tạo điều kiện sinh viên luyện tập ở sân Golf.
Sau khi học ngành Golf, sinh viên có thể trở thành một vận động viên hay huấn luyện viên chuyên nghiệp. Đối với những người có đam mê với môn thể thao quý tộc này, Golf là ngành học cực kỳ phù hợp, giúp bản thân chinh phục ước mơ. Ngoài ra, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể trở thành chuyên viên tổ chức sự kiện Golf hoặc nhà quản lý sân golf tại các khu resort, chuyên viên vận hành phòng Golf 3D...
Sinh viên theo đuổi ngành Golf được luyện tập từ mô hình 3D đến sân chuyên nghiệp. Từ đó, sinh viên đủ kiến thức, kỹ năng để trở thành huấn luyện viên, vận động viên.
Việt Nam được đánh giá là một trong số những quốc gia có lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển đào tạo ngành Golf và du lịch Golf. Vì vậy, cơ hội việc làm sau khi hoàn thành chương trình học của ngành Golf tương đối rộng mở. Các trường đại học còn tạo điều kiện, hỗ trợ sinh viên, đảm bảo tỷ lệ 100% sinh viên ra trường sẽ có việc làm ổn định.
Ths. Nguyễn Văn Bắc, Trưởng khoa Khoa học thể thao, Đại học Tôn Đức Thắng cho biết: “Ngành Golf là một ngành học mới, đào tạo dựa trên một nhu cầu có thật của một xã hội đang phát triển và hội nhập quốc tế. Sinh viên theo học ngành Golf có năng lực chuyên môn rộng và chuyên sâu trong ngành công nghiệp Golf. Đặc biệt là tỷ lệ sinh viên ra trường có làm việc đúng chuyên ngành Golf và đam mê rất cao”.
Về học phí, trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh - cơ sở đầu tiên trên cả nước đào tạo ngành Golf chính quy có mức khá dễ chịu, chỉ từ 11,7 triệu đồng/năm.
Đối với trường Đại học Tôn Đức Thắng, ngành Golf được đào tạo từ 2019 với khung chương trình được nhập khẩu từ trường Đại học Chung-Ang, Hàn Quốc, mức học phí từ 40-50 triệu đồng/năm học. Đây là mức học phí khá cao so với một số ngành thuộc khối kinh tế hoặc quản trị.
Tuy nhiên, với sự liên kết giữa các trường đại học cùng công ty, doanh nghiệp chuyên về Golf nên tỷ lệ sinh viên kiếm được việc ngày càng tăng cao. Do đó, bộ môn Golf được dự đoán sẽ thu hút nhiều sinh viên xét tuyển, dần trở thành ngành học hot ở khối Thể thao - Năng khiếu.