Ngành học thời thượng nhưng ít người lựa chọn, triển vọng trong 5 năm tới
Trong nhiều năm trở lại đây, ngành Thương mại điện tử được nhiều học sinh, sinh viên quan tâm. Thương mại điện tử là hoạt động kinh doanh thông qua nền tảng Internet và mạng máy tính, ứng dụng công nghệ số nhằm tối ưu hóa việc vận hành mua bán trực tuyến của các doanh nghiệp.
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ cao. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2023, dù chịu ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế thế giới tác động nhưng nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trong ngành thương mại điện tử, ước tính tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD. Trong đó, số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên cả về số lượng và chất lượng.
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ cao.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng cho biết, xét về lĩnh vực xuất nhập khẩu, đây được đánh giá là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Chính điều này khiến nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Thương Mại điện tử càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chỉ ra, chỉ 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử hiện nay được đào tạo chính quy; 70% còn lại được tuyển dụng từ các lĩnh vực thương mại, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và một số ngành nghề liên quan khác. Điều này cho thấy, nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp đối với nguồn nhân lực ngành Thương mại điện tử đang rất lớn.
Cơ hội việc làm rộng mở, điểm chuẩn nằm ở top cao
Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, có 36 trường đào tạo chuyên ngành Thương mại điện tử và trên 50 trường đào tạo học phần Thương mại điện tử. Con số này được cho còn khá hạn chế để có thể đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá, ngành học này đang rất “khát” nhân lực. Các doanh nghiệp, hội viên của Hiệp hội liên tục tuyển nhân sự và việc tuyển dụng rất khắt khe. “Nhu cầu nguồn nhân lực cho Thương mại điện tử ở Việt Nam tăng rất nhanh và sẽ còn tiếp tục tăng nhanh hơn nữa”, ông Hưng chia sẻ.
Một số chuyên gia khác cũng nhìn nhận, mặc dù tốc độ đào tạo nhân lực cho ngành học này tại các trường đại học đã tăng nhanh (gần 30%) nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu tăng trưởng, phát triển “nóng” của thị trường. Điều này đòi hỏi các trường đại học cần nỗ lực và nâng cao hơn nữa chất lượng, chương trình đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn của xã hội và doanh nghiệp.
Cơ hội việc làm của ngành học này đa dạng, với mức lương hấp dẫn
Bên cạnh kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, hàng loạt các chương trình kết nối thương mại điện tử kết hợp đào tạo, tập huấn thương mại điện tử tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước được đầu tư và phát triển. Nhiều địa phương ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2024 trên địa bàn; trong đó bao gồm cả đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về ngành. Qua đó mở ra cơ hội việc làm nhân lực chất lượng cao cho ngành Thương mại điện tử.
Cụ thể, sau khi ra trường, các bạn trẻ theo đuổi ngành Thương mại điện tử có cơ hội thử sức ở các vị trí: Nhân viên kinh doanh online; Chuyên viên marketing online; Chuyên viên quản trị và xây dựng các hệ thống giao dịch thương mại, kinh doanh trực tuyến tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước; Chuyên viên lập dự án, hoạch định chính sách phát triển công nghệ thông tin; Tư vấn viên tại các công ty tư vấn, đề xuất giải pháp, xây dựng và bảo trì các dự án công nghệ thông tin liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử; Cán bộ nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin ở các viện, trung tâm, cơ quan nghiên cứu của các Bộ, Ngành hay Giảng viên ngành Thương mại điện tử tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp… trên cả nước.
Mức lương ngành Thương mại điện tử cũng được đánh giá khá lý tưởng. Mức lương khởi điểm của nhân sự ngành này dao động từ 6 - 10 triệu đồng/tháng. Với những nhân sự đã có kinh nghiệm làm việc, mức lương có thể lên đến 15 - 20 triệu/tháng. Bên cạnh đó ở một số vị trí cụ thể sẽ có mức lương như sau: Quản lý dự án thương mại điện tử, mức lương từ 15.000.000 – 20.000.000 đồng; Kỹ sư phát triển phần mềm thương mại điện tử, mức lương từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng;Chuyên gia tiếp thị thương mại điện tử, mức lương dao động từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng…
Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều trường đại học top đầu đào tạo ngành Thương mại điện tử, có thể kể đến như: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Thương mại, Học viện Bưu chính viễn thông, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Năm 2024, điểm chuẩn ngành Thương mại điện tử ở top cao
Năm 2024, theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Thương mại điện tử của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có điểm chuẩn là 28,02 điểm; trong khi đó ngành Thương mại điện tử (Quản trị thương mại điện tử) tại trường Đại học Thương mại có điểm trúng tuyển là 27,00 điểm.
Tại trường Học viện Bưu chính viễn thông điểm chuẩn là 26,09 điểm, trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng mức điểm trúng tuyển là 26,00 điểm. Tại trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, ngành Thương mại điện tử có điểm chuẩn là 27,44 điểm, trong khi đó nếu chọn ngành học này với chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, điểm trúng tuyển là 25,89 điểm. Còn tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, điểm trúng tuyển ngành học này là 27,00 điểm.