Ngành học HOT liên quan đến con số, "sai một ly, đi một dặm" nhưng ra trường dễ xin việc, thu nhập hấp dẫn

Google News

Những người theo đuổi lĩnh vực này sẽ đảm nhận việc xử lý số liệu, giấy tờ, đảm bảo ổn định về mặt tài chính và đóng vai trò chủ chốt trong công ty, doanh nghiệp.

Nhiều trường xét tuyển, điểm chuẩn vừa sức

Kế toán - một lĩnh vực mà khi nhắc đến tên nhiều người không khỏi lo sợ vì những người hoạt động trong lĩnh vực này chỉ cần sai sót nhỏ cũng phải đánh đổi rất nhiều. Tuy công việc phải chịu nhiều áp lực nhưng Kế toán vẫn là một trong những ngành "hot" hàng đầu hiện nay. Gần đây, nhiều công ty mới bắt đầu phát triển với đa dạng mô hình, từ đó nhu cầu tuyển dụng kế toán lại tăng cao. Vì thế, cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp cho người đam mê về lĩnh vực này được dự đoán vẫn sẽ tăng mạnh trong vòng 5 năm tới.

Kế toán viên có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của một công ty, doanh nghiệp. Công việc của họ bao gồm thu thập, kiểm tra, phân tích và xử lý các thông tin tài chính, kinh tế, thuế… để đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác.

Khi theo đuổi ngành Kế toán, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức từ bài bản đến chuyên sâu thông qua các môn học: Kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, nguyên lý kế toán, kế toán chi phí, kế toán quản trị, phân tích ngân sách, báo cáo tài chính, chiến lược kinh doanh, kiểm toán, kế toán tài chính, tiêu chuẩn và đạo đức nghề nghiệp,…

Bên cạnh những kiến thức cơ bản, sinh viên còn được rèn luyện thêm các kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, ngoại ngữ, tin học... để áp dụng vào công việc và nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm của mình.

Hiện nay, ngành Kế toán được mở tuyển sinh ở rất nhiều trường ĐH chuyên đào tạo về khối ngành kinh tế - tài chính. Trong đó, một số trường nổi bật như: trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM), trường ĐH Ngoại Thương ở hai cơ sở TP.HCM và Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng - Hà Nội… Để theo đuổi ngành học này, học sinh có thể chọn xét tuyển theo các tổ hợp: A00 (Toán - Lý - Hóa), A01 (Toán - Lý - Anh), D01 (Toán - Văn - Anh), D07 (Toán - Hóa - Anh)...

Năm 2024, điểm chuẩn tuyển sinh của ngành Kinh tế nằm ở mức cao khi các trường ĐH top đầu có mức điểm dao động từ 23 - 28,2 điểm. 

Trong đó, trường ĐH Ngoại Thương (TP.HCM) lấy mức điểm chuẩn cho tổ hợp xét tuyển A00 là 28,2 điểm và 27,7 điểm cho các tổ hợp A01, D01, D06, D07. Ở cơ sở phía Bắc, điểm chuẩn của ngành Kế toán ở trường này dao động từ 27,3 - 27,8 điểm. 

ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) - cơ sở giáo dục nổi tiếng nhất phía Bắc về đào tạo về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh có điểm chuẩn 27,29 điểm cho 4 tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01, D07. 

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có hai chuyên ngành Kế toán công và Kế toán doanh nghiệp với mức điểm chuẩn lần lượt là 25,5 và 25,6 điểm. Trung bình thí sinh cần phải đạt hơn 8 điểm/môn thi mới có thể đậu ngành này. Còn ở phía Bắc, trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) có mức điểm chuẩn cán mốc 33,1 điểm. Theo đó, điểm tuyển sinh của trường sẽ được tính bằng tổng điểm của các môn thi theo tổ hợp, riêng môn tiếng Anh sẽ nhân đôi. Ngoài ra, thí sinh phải có bài thi môn Toán trên 8 điểm mới đủ điều kiện xét tuyển. 

Thí sinh cũng có thể lựa chọn các trường ĐH như trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), trường ĐH Huế, trường ĐH Yersin Đà Lạt, trường ĐH Cần Thơ với mức điểm dao động từ 18 - 23 điểm.

Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM có mức điểm chuẩn ngành Kế toán cao nhất cả nước, trung bình thí sinh phải hơn 9 điểm/môn mới có thể theo học tại đây.

Cơ hội việc làm rộng mở, lương lên đến chục triệu đồng/tháng

Sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán có rất nhiều lựa chọn hấp dẫn về việc làm. Nếu vững vàng về kiến thức, trách nhiệm với nghề, cử nhân có thể đảm nhận các vị trí như: Chuyên viên phụ trách kế toán, kiểm toán, giao dịch ngân hàng, thuế, kiểm soát viên, thủ quỹ, tư vấn tài chính, nhân viên quản lý dự án, nhân viên phòng giao dịch và ngân sách, kế toán trưởng… Nếu sinh viên theo đuổi định hướng nghiên cứu, có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực kế toán và tài chính có thể chinh phục các cấp bậc cao hơn như Thạc sĩ, Tiến sĩ và trở thành giảng viên hoạt động trong lĩnh vực đào tạo các thế hệ trẻ yêu thích lĩnh vực này. 

Mỗi năm, nước ta có hàng chục nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động sau những biến động của thị trường. Và kế toán là bộ phận không thể thiếu ở tất cả các đơn vị tổ chức. Doanh nghiệp càng lớn thì nhu cầu tuyển dụng tăng theo, trung bình mỗi doanh nghiệp cần 2 - 6 kế toán viên, nên cơ hội việc làm của ngành Kế toán là vô cùng rộng lớn và đa dạng. 

Hiện nay, sau khi ra trường sinh viên ngành Kế toán có thể kiếm được mức thu nhập từ khoảng 7-10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức lương này còn tùy thuộc bởi nhiều yếu tố như vị trí địa lý, quy mô doanh nghiệp và loại hình công ty. 

Ngoài ra, dựa vào các vị trí kế toán khác nhau thì cũng sẽ có mức lương khác nhau như sau:

- Kế toán tổng hợp: Mức lương 15-30 triệu đồng/tháng. Để đạt được mức lương này, sinh viên có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm và nắm rõ các nghiệp vụ, có khả năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề.

- Kế toán ngân hàng: Mức lương 9-12 triệu đồng/tháng. Nhân viên kế toán trong ngân hàng phải tốt nghiệp đại học ngành liên quan, tối thiểu 2 năm kinh nghiệm và cần có kiến thức cơ bản về tài chính ngân hàng.

- Kế toán trưởng: Mức lương khoảng 30-50 triệu đồng/tháng. Kế toán trưởng sẽ cần tốt nghiệp đại học, cao học ngành kế toán, kiểm toán, cần có kinh nghiệm lâu năm để công tác ở vị trí này.

Để trở thành một kế toán giỏi với mức thu nhập cao, người làm nghề cần đáp ứng những yêu cầu khắt khe về chuyên môn, kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp. Trước hết, kiến thức vững vàng là nền tảng cốt lõi. Một kế toán chuyên nghiệp phải nắm chắc các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán cũng như các quy định pháp lý về thuế và tài chính. Điều này giúp đảm bảo các báo cáo tài chính được thực hiện chính xác, minh bạch và phù hợp với quy định hiện hành.

Muốn trở thành kế toán viên chuyên nghiệp ngoài vững kiến thức chuyên môn, sinh viên cần trau dồi ngoại ngữ và kỹ năng sử dụng các phần mềm công nghệ chuyên dụng.

Về mặt phẩm chất, kế toán viên cần sự trung thực, tỉ mỉ và trách nhiệm. Bởi công việc đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối và tính bảo mật cao. Ngoài ra, khả năng giao tiếp và phối hợp tốt với các bộ phận khác trong doanh nghiệp cũng là yếu tố không thể thiếu.

Ngày nay, nhiều người vẫn lo sợ việc phát triển của công nghệ thông tin hay trí tuệ nhân tạo AI sẽ thay thế vai trò của kế toán viên. Song, công việc của người lao động trong lĩnh vực này không chỉ đơn thuần liên quan đến việc ghi sổ, lập báo cáo truyền thống mà còn phải thực hiện phân tích và đưa ra đánh giá chính xác nhất về tình hình tài chính của công ty, doanh nghiệp. 

Do vậy, dù trong thời đại 4.0 công việc kế toán sẽ không bị mất đi mà công nghệ, trí tuệ nhân tạo còn góp phần giúp con người xử lý số liệu chuẩn xác hơn, quản trị dữ liệu dễ dàng và hạn chế tối đa những sai sót trong quá trình làm việc.

TẤN PHƯỚC

Bình luận(0)