Ngậm thuốc diệt chuột để “dọa” gia đình, người phụ nữ không ngờ thuốc ngấm nhanh đến vậy

Google News

Biết là thuốc diệt chuột có độc, nhưng người phụ nữ vẫn ngậm để “dọa” gia đình, rồi nhổ bỏ ngay. Sau đó thuốc đã ngấm vào cơ thể, gây nên những biểu hiện bất thường với sức khỏe.

Chị L.T.H (35 tuổi, ở Hà Nội) vì có mâu thuẫn nhỏ với gia đình, nên đã mua thuốc chuột về gây áp lực, dọa uống trước mặt mọi người. Sau đó, chị H có lấy viên thuốc chuột ngậm vào miệng (mục đích chỉ để dọa gia đình) rồi nhổ ra ngay, tuy nhiên, sau đó chị đã có biểu hiện đau đầu, khó chịu và được người thân đưa vào viện sau 3 giờ ngậm thuốc.

Tuy chưa uống viên thuốc chuột, nhưng khi tới viện các bác sĩ vẫn chỉ định rửa dạ dày loại bỏ chất độc, theo dõi sát sao đảm bảo các dấu hiệu sinh tồn. Đồng thời, bác sĩ trấn an, ổn định tinh thần bệnh nhân và vận động gia đình mang thuốc diệt chuột đã sử dụng đến bệnh viện nhằm xác định rõ chủng loại.

Với vỏ thuốc được gia đình đưa tới, các bác sĩ xác định bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt chuột Diphacione - một loại độc tố diệt chuột thế hệ mới với độc tính nguy hiểm. Sau khi xử lý ngộ độc ban đầu, chị H được xét nghiệm và may mắn các chỉ số không phát hiện bất thường. Bản thân chị H cho biết, chị không có ý định tự sát, mà chỉ ngậm để gây áp lực, không ngờ thuốc ngấm nhanh đến vậy. Sau điều trị, tinh thần và các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân ổn định, tình trạng đau đầu bước đầu thuyên giảm.

Người phụ nữ chỉ định ngậm thuốc diệt chuột để dọa người thân, không ngờ sau đó phải nhập viện. Ảnh minh họa. 

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa nội Nguyễn Xuân Tuyến, người khám cho bệnh nhân H cho biết, thuốc diệt chuột khi vào cơ thể sẽ đầu độc hệ thần kinh gây triệu chứng đau đầu, suy giảm tri giác, co giật, liệt cơ, hôn mê; rối loạn nhịp tim, rối loạn huyết động; suy thận cấp. Ngoài ra, thuốc còn tác động đến hệ tiêu hóa gây đau bụng, buồn nôn và nôn kèm các biểu hiện của tiêu cơ vân cấp, suy hô hấp do co giật; phù phổi cấp, chảy máu phổi; nặng nề nhất là suy đa tạng dẫn tới tử vong. 

Nếu khi uống phải liều lượng lớn, tình trạng nặng, bệnh nhân có thể may mắn được cứu sống nhưng có nguy cơ hứng chịu di chứng nặng nề bởi các bệnh lý nội tạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ”, bác sĩ Tuyến cảnh báo.

Theo bác sĩ Tuyến, hiện nay các thuốc diệt chuột thế hệ mới rất phong phú, đa dạng về hình thức, chủng loại, màu sắc, có nhiều hình thức như dạng viên, dung dịch, bột... Người dân có thể dễ dàng mua ở các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật, hoặc các xe bán hàng rong.

Nhiều người dân chưa xác định rõ ràng mức độ nguy hiểm của loại thuốc này bởi người bán hàng thường quảng cáo thuốc diệt chuột dưới tên gọi nhẹ nhàng “thuốc diệt chuột sinh học”. Tuy nhiên, thực tế đây vẫn là các hóa chất chứa độc tính nguy hiểm đến tính mạng nếu không may sử dụng.

Theo đó, có những loại thuốc diệt chuột khi vào cơ thể chuyển hóa và đào thải rất chậm, trong 72 giờ đầu người sử dụng chưa xuất hiện biểu hiện nào, nhưng sau đó mới dần bộc phát các triệu chứng nghiêm trọng. Nhiều bệnh nhân sau khi được cấp cứu, dùng thuốc giải độc ổn định vẫn cần duy trì tái khám nhiều lần để đảm bảo độc tính được đào thải hoàn toàn khỏi cơ thể.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu không may uống phải hóa chất diệt chuột, dù chưa có biểu hiện nào nhưng người dân không được chủ quan, cần đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị kịp thời. Khi được xác định bị ngộ độc, bệnh nhân không được tự bỏ thuốc mà phải tuân thủ theo đơn và tái khám định kỳ theo hướng dẫn.

Để phòng tránh ngộ độc, người dân cần hạn chế sử dụng, tích trữ thuốc diệt chuột trong nhà, đặc biệt ở những gia đình đang có người bị bệnh tâm thần, hoặc thiếu ổn định về tâm sinh lý. Trong trường hợp sử dụng thuốc diệt chuột cần để cách biệt nơi ở, thức ăn, nước uống, tầm tay của trẻ em và thông báo cho mọi người trong gia đình biết để chủ động phòng tránh. Đặc biệt, không dùng các chai đựng nước, chai bia, nước ngọt để đựng chất độc này vì dễ gây nhầm lẫn đem ra uống.

LÊ PHƯƠNG.

Bình luận(0)