Mùa tuyển sinh 2024: Cách chọn ngành học hợp thời, kiếm ra tiền giúp thí sinh không bao giờ phải hối hận

Google News

Trước những lo lắng của thí sinh trong việc lựa chọn ngành nghề khi mùa tuyển sinh 2024 đang tới gần, các chuyên gia đã có những chia sẻ hữu ích.

Những sai lầm của thí sinh trong chọn ngành nghề

Chọn ngành, chọn nghề là một trong những quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai của mỗi người. Tuy nhiên, đứng trước kỳ tuyển sinh đại học căng thẳng sắp tới, nhiều thí sinh vẫn còn đang loay hoay với việc lựa chọn ngành học như thế nào để vừa theo đuổi được đam mê mà sau này vẫn có được mức thu nhập tốt.

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác giảng dạy, tư vấn tâm lý và tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chỉ ra một số sai lầm của thí sinh trong việc chọn ngành hiện nay.

“Một số sai lầm phổ biến của các bạn học sinh khi chọn ngành hiện nay là chọn ngành nghề theo phong trào, theo hot trend, theo các chuyên gia tư vấn trên tiktok mà nhiều khi không quan tâm đến việc nó có phù hợp với năng lực sở thích của bản thân hay không.

Nhiều học sinh cũng lựa chọn ngành học để mong được “nhàn”, “dễ kiếm việc”, “có nhiều tiền” theo định hướng của một số người mà không quan tâm đến xu hướng ngành nghề và nhu cầu nhân lực có thể thay đổi rất nhanh, cũng không quan tâm đến việc học nghề đó có bền vững và mang đến hạnh phúc nghề nghiệp sau này hay không.

Nhiều học sinh thậm chí hoang mang giữa biển thông tin về ngành nghề và các chuyên gia tư vấn, chọn đại một ngành vì không biết chọn gì. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến các bạn thường bỏ học sau năm đầu tiên vì thấy không phù hợp. Điều này gây ra căng thẳng, áp lực và lãng phí tiền bạc”, PGS Nam cho hay.

Theo PGS Trần Thành Nam sai lầm phổ biến của các bạn học sinh khi chọn ngành hiện nay là chọn ngành nghề theo phong trào, theo hot trend, theo các chuyên gia tư vấn trên tiktok mà không để ý đến năng lực và sở thích của bản thân

Việc lựa chọn ngành nghề không phù hợp với bản thân khiến tình trạng sinh viên kêu than “ngồi nhầm chỗ” sau mỗi mùa tuyển sinh vẫn xảy ra. Khi đó, các em nghỉ học thì dở dang mà học tiếp cũng không xong vì không có động lực, không đủ điều kiện hoặc bản thân không đáp ứng được yêu cầu của ngành học. Theo PGS Trần Thành Nam: “Trong trường hợp nếu các em đã lựa chọn một ngành học và cảm thấy không thích hợp, trước hết cần phải xác định chính xác lý do khiến bạn thấy không phù hợp (do tính cách, năng lực) hay chỉ là do bạn thiếu kiên nhẫn, ngại khó và né tránh những vấn đề tâm lý khác thì mới có hướng phù hợp.

Thứ hai, phải xác định vậy điều bạn thực sự muốn và năng lực thực sự đáp ứng cho nghề nghiệp sau này là gì? Trao đổi cụ thể với giáo viên, cha mẹ và cố vấn học tập để tìm ra những con đường chuyển đổi ngành học, học song bằng hay những giải pháp nào khác đỡ tốn kém và đảm bảo hiệu quả.

Nếu bạn chưa thực sự chắc chắn về lựa chọn khác của mình, hãy tiếp tục đi theo những gì bạn đã lựa chọn trước đây. Nhưng tranh thủ trau dồi những kỹ năng mềm, những năng lực sáng tạo đổi mới, năng lực lãnh đạo, thích ứng và công nghệ để có thể sẵn sàng làm được nhiều vị trí công việc. Cho đến khi bạn chắc chắn về con đường phía trước mới chuyển sang ngành học khác phù hợp với sở thích và năng lực bản thân”.

PGS Trần Thành Nam gửi lời nhắn nhủ: “Các bạn nên nhớ rằng trong thời đại ngày nay, chúng ta chẳng thể nào hình dung được tương lai 10 năm 20 năm sau như thế nào. Có thể ngành nghề bạn chọn hôm nay rất phù hợp nhưng sẽ không còn nhu cầu của xã hội ngày mai nữa. Trong tương lai, chúng ta có thể sẽ làm nhiều nghề và thay đổi nghề nghiệp sau mỗi chu kỳ 5-10 năm.

Vì thế nên mỗi cá nhân đều phải có năng lực thích ứng linh hoạt với sự thay đổi nghề nghiệp, xác định việc học tập là suốt đời. Mỗi cá nhân phải tự rà soát, điều chỉnh mục tiêu của mình để cập nhật thêm những năng lực mới, kỹ năng sử dụng công nghệ mới nhằm tăng giá trị của bản thân để mình không bị lỗi thời và hết hạn sử dụng trước khi hết tuổi lao động”.

8 tiêu chí khi quyết định lựa chọn ngành nghề

Trao đổi với PV, Chuyên gia giáo dục Đào Ngọc Cường, tác giả sách “Cẩm nang hướng nghiệp” cho rằng: "Trong quá trình tham gia tư vấn hướng nghiệp, nhiều học sinh hỏi tôi chọn ngành học nào nhanh giàu. Tôi trả lời rằng không có ngành nào học để giàu cả vì ngành nào cũng có thể giàu được nếu như phù hợp với mỗi người.

Thợ cắt tóc cũng giàu được nhưng tất nhiên sau khi học nghề cần tiến đến làm ông chủ. Như vậy nghề giàu là nghề làm ông chủ. Để trở thành ông chủ được bạn cần có tố chất, tư duy, khát vọng, mục tiêu, nỗ lực của một người làm chủ. Còn không có ngành nào trả lương đủ cao để giàu ngoài nghề nghề làm ông chủ".

Mùa tuyển sinh 2024 đang đến gần, đây là thời điểm các bạn học sinh đau đầu chọn ngành học (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia Đào Ngọc Cường, chọn nghề cần đến 8 tiêu chí. Trong đó kiếm được tiền chỉ là 1 tiêu chí. Nếu chỉ nghĩ đến kiếm tiền có thể sẽ bỏ học giữa chừng, ra trường không làm nghề mình học. Mệt mỏi vì tiền và cũng có thể làm bất chấp vì tiền.

8 tiêu chí để chọn ngành nghề bao gồm: Nghề bạn giỏi, nghề bạn đam mê và phù hợp tính cách, nghề đúng sứ mệnh, nghề xã hội cần, nghề kiếm được tiền, nghề phù hợp với sức khỏe và lực học, nghề phù hợp với hoàn cảnh gia đình, nghề phù hợp với xu hướng phát triển của bản thân, địa phương, xã hội. Quan trọng nhất là 3 tiêu chí đầu tiên.

Chia sẻ thêm về tình huống học sinh hay gặp phải là bản thân thích một ngành nhưng bố mẹ lại bắt học ngành khác, chuyên gia Đào Ngọc Cường cho hay: “Đây là tình trạng xảy ra không ít và hậu quả để lại cũng rất nhiều. Tôi đã phải giải quyết nhiều trường hợp, có những trường hợp đòi tự sát, có trường hợp học đến năm 2, năm 3 có dấu hiệu trầm cảm. Cá biệt có em học đến năm thứ 5 ngành Y khoa vẫn bỏ hay có em học thạc sĩ còn 2 tháng nữa cũng đòi bỏ...

Vì vậy việc bố mẹ bắt mà con không thích là vấn đề rất đáng ngại hiện nay. Trước hết các con cần bình tĩnh và đối thoại với cha mẹ chứ không cãi tay đôi cũng không im lặng. Những trường hợp ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ dẫn đến trầm cảm cũng nhiều. Những trường hợp chống đối cha mẹ đến mức cực đoan cũng không ít. Cha mẹ cũng cần lắng nghe con và thảo luận để cùng tìm ra điểm chung. Nhất là bố mẹ và con lại chọn nghề ngược nhau. Trong hướng nghiệp có một nguyên tắc là không áp đặt, kể cả chuyên gia tư vấn cũng phải tuân thủ nguyên tắc này”.

Trường hợp học sinh thích một ngành nhưng khả năng gia đình không đáp ứng được điều kiện cho các em theo học, chuyên gia Cường tư vấn: “Trong 8 tiêu chí hướng nghiệp có tiêu chí hoàn cảnh gia đình. Nếu học sinh thích một ngành mà học phí cao không có khả năng chi trả thì sẽ có mấy trường hợp sau đây để xử lý.

Học sinh mới thích chứ chưa chắc đã đam mê, vì thích chỉ là nhất thời mà đam mê là mãi mãi nên sẽ có thể thích nhất thời nên cũng chưa quyết định được gì. Trường hợp học sinh thích trùng với đam mê mà thực sự muốn học thì có thể vay tiền ngân hàng, đi làm thêm để trang trải chi phí học tập, xin học bổng… Miễn sao học sinh đó thực sự quyết tâm. Tất nhiên, các em phải chú ý đến việc nghề đó cần có nhu cầu xin việc cao, xã hội cần để ra trường dễ dàng xin việc và có thu nhập tốt. Nếu nhu cầu xã hội không cao và khả năng xin việc khó thì các em không nhất thiết học ngành này”.

HÀ ANH

Bình luận(0)