Chỉ 6 tháng sau khi kết hôn, tôi có thai. Hai bên nội ngoại đều rất vui mừng. Thai yếu, công việc của tôi cường độ cao, áp lực nhiều nên anh bảo tôi nghỉ việc và ở nhà chờ sinh. Không những vậy, anh còn gọi mẹ chồng đến chăm sóc tôi.
Mẹ chồng khá tốt với tôi, bà chuẩn bị nhiều món ăn dinh dưỡng cho tôi. Không những vậy, trong nhà lúc nào cũng có hoa quả, các loại hạt để tôi ăn.
Tuy nhiên, món mẹ nấu không hợp khẩu vị của tôi, nên mỗi bữa tôi đều ăn rất ít. Thậm chí, có khi tôi phải lén nấu lại, điều chỉnh lại vị cho phù hợp với khẩu vị của mình chứ không là không thể nuốt nổi.
Dù không thích đồ ăn mẹ chồng nấu nhưng tôi chưa bao giờ phàn nàn với ai cả. Bởi tôi nghĩ, mẹ chồng đến chăm sóc tôi như vậy đã là rất quý rồi. Tôi nên đón nhận bằng thái độ biết ơn, không nên phàn nàn để khiến gia đình không vui. Hơn nữa, sau khi con chào đời, tôi vẫn mong mẹ chồng chăm sóc cháu giúp mình.
Tuy nhiên, điều không ngờ là sau khi con gái chào đời, mẹ chồng lại nhờ mẹ tôi đến chăm sóc tôi trong thời gian ở cữ. Vì lý do này mà trong lòng tôi vô cùng tức giận, nhiều lần thầm rơi nước mắt. Tại sao mẹ chồng lại bỏ về quê ngay sau khi sinh con? Là vì bà không thích tôi nên không muốn phục vụ con dâu nữa, hay vì bà không thích cháu gái?
Mẹ chồng về quê ngay sau khi sinh con khiến tôi không khỏi suy nghĩ. (Ảnh minh họa)
Mẹ tôi cũng rảnh rỗi, nên sau khi được bà thông gia nhờ vả, mẹ đã ngồi xe 7 tiếng đến chăm sóc tôi và con gái. Kể từ khi về quê, mẹ chồng không tới thăm mẹ con tôi nữa, thậm chí bà còn không gọi điện cho tôi.
Nhưng dù sao đi nữa, sự xuất hiện của mẹ ruột đã giúp tôi vượt qua khoảng thời gian ở cữ dễ dàng hơn. Mẹ biết tôi thích ăn gì, biết khẩu vị của tôi ra sao nên những bữa ăn mẹ nấu tôi đều ăn rất ngon miệng. Nhờ đó mà tôi đã béo hơn rất nhiều so với lúc mang bầu.
Tuy nhiên, việc mẹ chăm sóc tôi không phải là giải pháp lâu dài. Tôi có một đứa em trai đã lấy vợ. Em dâu mới cấn bầu, không lâu nữa mẹ tôi sẽ phải về chăm sóc con dâu sinh nở thôi.
Đến khi đó tôi sẽ phải tự chăm sóc con, làm hết mọi việc trong nhà. Thậm chí khi đi làm lại, tôi còn phải thuê giúp việc nữa. Mỗi lần nghĩ đến chuyện này, tôi lại cảm thấy áp lực và không khỏi thở dài.
Mỗi lần nghĩ tới việc mẹ sẽ về quê, không ai giúp chăm con nữa mà tôi thở dài. (Ảnh minh họa)
Một buổi sáng cuối tuần, mẹ đi chợ, chỉ có tôi và chồng ở nhà. Tôi đang cho con gái bú trong phòng thì nghe thấy chồng đang nói chuyện điện thoại với mẹ chồng. Vì anh vừa nghe điện thoại vừa lau nhà nên để loa ngoài, vì thế tôi có thể nghe được hai người nói gì.
Ở đầu dây bên kia, mẹ chồng nói:
- Cái Vân (tên tôi) không quen đồ ăn mẹ nấu, nên mẹ nghĩ tốt hơn hết là để mẹ ruột nó tới chăm sóc. Chờ khi nào bà thông gia về quê, Vân đi làm lại thì mẹ sẽ tới chăm sóc cháu gái cho, hoặc hai đứa gửi về quê mẹ chăm cho.
- Vâng mẹ. À, bố đặt tên cho cháu nội xong chưa mẹ để con đi làm giấy khai sinh.
- Ông ấy vẫn chưa chọn xong. Ngày nào cũng đọc sách chọn lọc. Hôm nay nghĩ được cái tên này hay nhưng hôm sau lại thấy chưa đẹp, chưa hài lòng nên cứ chọn đi chọn lại mãi.
Nghe cuộc trò chuyện giữa chồng và mẹ chồng, tôi mới nhận ra mình đã trách nhầm bố mẹ chồng. Hóa ra họ không hề ghét tôi hay con gái. Tất cả đều là do tôi tự suy diễn. Nếu ngày trước tôi và mẹ chồng thẳng thắn với nhau hơn thì có lẽ tôi đã không hiểu lầm rồi ấm ức nhiều ngày qua.
Tôi cũng thầm quyết định rằng, từ nay trở đi tôi sẽ thật hiếu thảo với bố mẹ chồng, sau này sẽ phụng dưỡng ông bà thật chu đáo. Nếu trong tương lai có điều gì chưa hài lòng, mâu thuẫn cũng sẽ bình tĩnh nói chuyện với chồng hoặc mẹ chồng để tìm cách tháo gỡ chứ không giữ mãi trong lòng nữa. Bởi giao tiếp chính là cầu nối giữa người với người, có nói ra thì đôi bên mới hiểu lòng nhau, càng thêm thấu hiểu nhau.