Trong các loại quả rừng thì quả đười ươi là đặc sản được ưa chuộng hơn cả. Hạt của quả này được sử dụng làm thức uống giải nhiệt mùa hè, vừa ngọt mát lại tốt cho sức khoẻ.
Cây đười ươi còn có tên gọi khác là cây ươi, chúng vốn mọc dại ở núi rừng Tây Nguyên. Cây này 4 năm mới ra quả một lần, khi quả thật già, rụng xuống đất thì người dân bắt đầu vào rừng thu hoạch nên chúng trở thành hàng hiếm, được người dân Tây Nguyên ví như lộc trời.
Quả đười ươi mọc dại trong rừng sâu, 4 năm mới ra quả một lần
Tuy có vẻ ngoài sần sùi, không đẹp mắt nhưng hạt ươi có giá đắt đỏ, được sử dụng để pha nước uống hoặc chế biến thành nhiều món ăn ngon. Trên thị trường có 2 loại hạt ươi. Loại thứ nhất là hạt ươi bay, tức là loại khi chín tự rụng xuống, có hương vị thơm ngon, dày thịt. Còn hạt ươi thường là loại hạt được người dân hái trực tiếp trên cây rồi đem phơi, sấy khô.
Tuỳ từng thời điểm và chất lượng mà hạt ươi có giá khác nhau, từ 250.000-500.000 đồng/kg.
Nói về hạt ươi, chị Bình (ở Đắk Nông) cho hay, hiện nay cây ươi hiếm hơn so với trước đây, muốn thu hái chúng người dân phải đi vào trong rừng sâu. Mỗi ngày một người chỉ nhặt được vài kg hạt. Khi nhặt về, dân phải đem phơi ra nắng để khô ráo sau đó mới xuất bán.
Cách sử dụng hạt ươi rất đơn giản, chỉ cần lấy 2-3 hạt ngâm vào 500ml nước ấm khoảng 40 phút là hạt nở, sau đó bỏ đi phần vỏ bên ngoài và hạt cứng bên trong chỉ lấy phần thịt mềm. Lúc này, bạn chỉ cần thêm chút đường hoặc hạt chia, mủ trôm rồi thưởng thức.
Vào mùa hè, hạt ươi là thức uống giải nhiệt được ưa chuộng. Không chỉ ngọt mát, thứ hạt rừng này còn có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khoẻ.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM cho biết hạt ươi có tên khoa học Sterculia lychnophara Hance, thuộc họ Trôm Sterculiaceace. Phần thịt hạt ươi có khoảng 1% chất béo, 59% bassorin, chất nhầy và tanin. Phần đường trong hạt chủ yếu là galactoza, pentoza và arabinoza.
Theo y học cổ truyền, công dụng chủ yếu của ươi là mát, nhuận tràng , tốt cho người đau cổ họng, ho khan... Mỗi lần sử dụng chỉ cần cho 4-5 hạt vào một lít nước là có hỗn hợp nước gần giống thạch, thêm đường vào để uống. Hạt ươi không chỉ giúp giải nhiệt mà còn tốt cho người ho khan không đờm, cổ họng sưng đau, viêm đường tiết niệu.
"Loại nước uống từ quả đười ươi thanh nhiệt có thể dùng cho người thức khuya làm ca đêm, lao động trí óc nhiều, nhiệt miệng, táo bón, mọc nhiều mụn hay người bệnh trĩ. Ngoài ra, quả ươi còn có tác dụng hỗ trợ cho người viêm đường tiết niệu, tiểu gắt không thông, siêu âm có sỏi thận...", bác sĩ Vũ nói.
Ngoài ra, có thể dùng trong các trường hợp ho khan không đờm, cổ họng sưng đau, viêm đường tiết niệu.
Tác dụng nhuận tràng
Các loại trà và nước sắc của quả ươi đã được sử dụng để điều trị táo bón. Tác dụng nhuận tràng này được cho là do khả năng của các chất chiết xuất của quả ươi để làm tăng và thúc đẩy nhu động ruột và tăng thể tích của đường dạ dày, ruột.
Chất nhầy và chất xơ của quả ươi có tác dụng trị táo bón. Hạt ươi ngâm trong nước trương nở làm tăng lượng nước trong phân, giúp đại tiện dễ dàng hơn.
Hỗ trợ chống béo phì
Chiết xuất từ hạt ươi ức chế chất xúc tác tổng hợp acid béo và do đó làm giảm quá trình tạo lipid ở gan. Ngoài ra, chiết xuất hạt ươi làm giảm sự thèm ăn và thúc đẩy giảm cân ở chuột.
Cách sử dụng hạt ươi chữa viêm họng
Bài thuốc sắc chữa viêm họng mạn tính: Dùng hạt ươi 5 hạt, cúc hoa 6g, sinh cam thảo 6g; sắc uống ngày 1 thang. Uống liền 5-7 ngày.
Hỗ trợ và điều trị đau rát họng, ho khan, khàn tiếng: Hạt ươi 5 hạt, cam thảo 3g. Sắc uống thay trà, uống trong ngày. Trẻ em và người cao tuổi khi dùng có thể pha thêm chút đường phèn cho dễ uống.
Chữa đau rát họng, mất tiếng và viêm họng mạn tính: Hạt ươi 5 quả, trà búp 6g, trám trắng 4 quả, ô mai 2 quả, mạch môn đông 24g; cùng sắc với nước, thêm chút đường, chia ra uống nhiều lần trong ngày.
Chữa yết hầu sưng đau, ho khan, đại tiện táo kết: Hạt ươi 2-3 hạt, mật ong lượng vừa đủ. Hạt ươi rửa sạch, cùng mật ong cho vào cốc, hãm nước sôi, đậy kín ủ khoảng 10 phút; khuấy nhẹ cho mật ong tan đều, uống trong ngày.